10 khác biệt lớn giữa kinh tế thế giới hiện nay với khủng hoảng tài chính 2008
Hiện nay giới chuyên gia đang tích cực tranh luận rằng liệu Mỹ có đang đâm đầu vào suy thoái. Và mặc dù Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ chưa chính thức xác nhận suy thoái, rõ ràng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rất căng thẳng, và nền kinh tế thế giới cũng vậy.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế ngày nay vẫn có những điểm khác biệt cực kỳ lớn với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và giai đoạn liền kề, Bloomberg cho hay.
Lạm phát
Đây là điểm khác biệt rất rõ ràng. Lạm phát tại hầu hết các nước đều đã leo lên mức cao nhất trong hàng chục năm. Mỹ và khu vực đồng euro không phải những nơi duy nhất xảy ra hiện tượng này. Các nước “thiếu vắng” lạm phát trong thời gian dài như Nhật Bản và Thụy Sĩ cũng đang chứng kiến giá cả tăng rõ rệt, tờ Bloomberg cho biết.
Việc làm
Điểm tích cực trong nền kinh tế hiện nay là thị trường lao động đang khá ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện là 3,6%. Ngược lại, ngay sau khủng hoảng tài chính năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp đã nhảy vọt lên 10%, và đến tận tháng 1/2013 vẫn còn ở mức 8%.
Căng thẳng ở châu Âu
Tại châu Âu một thập kỷ trước, nền kinh tế Đức đang bùng nổ còn các nước nằm bên rìa thì lún sâu vào rắc rối. Lần này, căng thẳng đang đè nặng lên các ngành công nghiệp của Đức do giá năng lượng tăng cao và châu Âu chạy đua để thay thế khí đốt Nga. Năm 2012, Đức có thặng dư thương mại khổng lồ nhưng giờ nước này đang bị thâm hụt.
Chênh lệch lợi suất
Trên thị trường trái phiếu, các nước nằm ở bên rìa châu Âu như Italy đang phải tiếp tục chấp nhận chi phí đi vay cao hơn Đức.
Nhưng tình hình hiện tại đã được cải thiện hơn rất nhiều so với thập kỷ trước, một phần là nhờ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy và Đức đã thu hẹp đáng kể từ năm 2012.
Sức mạnh của người tiêu dùng
Tâm lý của người tiêu dùng đang cực kỳ tồi tệ. Tuy nhiên, các thước đo về tình hình của người tiêu dùng lúc này tốt hơn nhiều so với bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc suy thoái lớn năm 2008.
Thước đo về các cuộc vỡ nợ của người tiêu dùng bắt đầu gia tăng nhanh chóng trong năm 2006 và 2007, dẫn đến khủng hoảng tài chính. Chúng cũng duy trì ở mức cao trong suốt vài năm sau thời kỳ tồi tệ nhất. Hiện tại, hiện tượng này chưa xảy ra.
Nhà ở
Sự khác biệt lớn về tình cảnh của người tiêu dùng hiện nay đến từ thị trường nhà ở. Giá nhà bắt đầu xuống dốc từ đầu năm 2006, khá lâu trước khi vụ đổ vỡ lớn xảy ra.
Thị trường nhà ở Mỹ hiện tại có một số dấu hiệu suy yếu, nhưng cho đến nay thước đo giá nhà trên toàn quốc vẫn chưa hạ xuống.
Vật chất quan trọng hơn tiền
Theo tờ Bloomberg, trong khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thế giới lâm vào cảnh thiếu tiền trầm trọng, người tiêu dùng khánh kiệt còn các chính phủ không đáp ứng được nghĩa vụ nợ. Ngày nay, vấn đề chủ chốt là thiếu thốn hàng hóa thực – đặc biệt là năng lượng.
Lần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cứu vãn tình thế bằng việc thực hiện giao dịch hoán đổi với các nước khác nhằm giảm bớt căng thẳng thanh khoản của đồng USD. Nhưng lần này các nước đang tìm kiếm nguồn cung khí đốt và các loại hàng hóa khác, chứ không phải tiền.
Một trong các cách tốt nhất để hiểu được tình hình hiện nay là quan sát giá khí đốt ở châu Âu và Mỹ sau vụ cháy nhà máy xuất khẩu khí hóa lỏng Freeport tại Texas. Ngay khi công suất đầu ra của Mỹ bị hạn chế, giá khí đốt ở châu Âu nhảy vọt, còn giá tại Mỹ thì sụt giảm. Ngày nay, tự chủ năng lượng có tầm quan trọng cao hơn tự chủ tiền tệ.
So găng vốn - lao động
Bắt đầu từ mùa xuân năm 2007, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ bắt đầu nhích lên. Vài tháng sau, chỉ số S&P 500 lập đỉnh. Lần này, vị thế của cả hai đã đảo ngược. Chứng khoán Mỹ đã ở trong đà giảm suốt gần 8 tháng, còn tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức thấp.
Sản lượng công nghiệp
Tại Mỹ, sản lượng công nghiệp bắt đầu lao xuống dốc ngay khi năm 2008 bắt đầu. Lần này, sản lượng liên tiếp lập đỉnh mới.
Phân bổ mức tăng tiền lương
Theo công cụ theo dõi tăng trưởng lương của Fed chi nhánh Atlanta, tốc độ tăng trưởng lương của lao động thu nhập thấp hiện cao hơn hẳn lao động lương cao. Môi trường hậu 2008 thì ngược lại.
Liệu Mỹ hay các nước khác có chính thức ở trong suy thoái hay không vẫn là điều chưa thể nói chắc được. Song dẫu sao, tình hình ngày nay vẫn rất khác biệt so với 2008, với những khó khăn và lợi thế riêng.