|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

IEA kêu gọi áp giá trần đối với dầu thô và sản phẩm tinh chế của Nga

08:56 | 13/07/2022
Chia sẻ
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm thứ Ba (12/7) cho biết nhóm G7 đề xuất áp đặt trần giá đối với dầu của Nga cũng nên bao gồm cả các sản phẩm tinh chế.

Theo Reuters, nhóm G7 đang cân nhắc áp mức giá trần đối với dầu thô của Nga nhằm đảm bảo dòng chảy nguyên liệu hoá thạch này được xuyên suốt đồng thời kìm chế lạm phát. Bên cạnh đó, động thái này nhằm mục đích làm suy yếu nền kinh tế của Nga.

“Tôi hy vọng đề xuất về mức giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ Nga sẽ giảm thiểu những tác động đối với các nền kinh tế trên thế giới. Đặc biệt là các sản phẩm tinh chế bởi mặt hàng này đang là mối thách thức của nhiều nên kinh tế”, Tổng Giám đốc IEA Fatih Birol nhận định.

Giá các sản phẩm tinh chế như xăng, dầu diesel thậm chí tăng mạnh hơn dầu thô trong bối cảnh nguồn cung từ Nga bị đứt đoạn.

Ý tưởng của nhóm G7 là gắn các dịch vụ tài chính, bảo hiểm vận chuyển dầu với một mức trần giá. Các hãng tàu và nhà nhập khẩu chỉ có thể tiếp cận với các dịch vụ này nếu họ cam kết áp mức giá tối đa đối với giá dầu của Nga. 

Tuy nhiên ông Birol không nói cụ thể mức giá trần sẽ là bao nhiêu. 

Phát biểu của ông Birol được đưa ra bên lề Diễn đàn Năng lượng Sydney với sự tham gia của đại diện các nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Tại diễn đàn, các nước thảo luận về chuỗi cung ứng, sự dịch chuyển sang năng lượng sạch và an ninh năng lượng. 

Diễn đàn Năng lượng Sydney đồng thời tập trung vào các giải pháp giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ năng lượng mặt trời của Trung Quốc và các nguyên liệu khoáng sản quan trọng để sản xuất pin của Nga và Congo.

Ông Birol cho biết IEA đang thực hiện kế hoạch điều phối nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng giữa các nước thành viên và các nước liên kết trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn, tương tự như kho dự trữ xăng dầu khẩn cấp đã được sử dụng gần đây để tăng cường nguồn cung dầu toàn cầu.

Ông Birol nói: “An ninh khoáng sản quan trọng sẽ là một vấn đề quan trọng đối với an ninh năng lượng trong tương lai.

Đó là lý do mà bộ trưởng các nước yêu cầu IEA xem xét việc xây dựng một mạng lưới an toàn với sự phối hợp giữa các thành viên và các các nước liên kết trong điều kiện nguồn cung các khoáng sản quan trọng bị gián đoạn nghiêm trọng”.

Ông không đưa ra mốc thời gian để hoàn thiện các kế hoạch cho “mạng lưới an toàn” và nói rằng còn quá sớm để nói kế hoạch này sẽ đòi hỏi những gì.

IEA nhận thấy cơ hội cho Australia, Ấn Độ, Indonesia và Mỹ xây dựng năng lực sản xuất công nghệ năng lượng mặt trời để giảm bớt sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc.

Ông Birol cho biết: “Chúng ta không thể dựa vào một quốc gia duy nhất” và nói thêm rằng Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất nhờ giá điện thấp hơn.

Để vượt qua lợi thế cạnh tranh đó, ông cho biết các nước như Australia và Ấn Độ sẽ cần phải có cơ chế ưu đãi cho các công ty thiết lập các nhà máy sản xuất công nghệ năng lượng mặt trời.

H.Mĩ