|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

‘Điểm %’ khác gì với ‘%’? Fed vừa nâng lãi suất 0,75 điểm % hay 0,75%?

12:09 | 29/07/2022
Chia sẻ
“Điểm %” và “%” là hai đơn vị riêng biệt và mang những ý nghĩa khác nhau khi nói về sự biến động của các số liệu như lãi suất, tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP.

Tính toán tỷ lệ phần trăm (%) là việc làm phổ biến để so sánh mức độ chênh lệch, tăng giảm của các số liệu. Muốn biết số A lớn hơn số B bao nhiêu %, chỉ cần lấy số A chia cho số B, lấy kết quả trừ đi 1 rồi cuối cùng nhân với 100, tức là (A/B – 1) x 100.

Ví dụ: Số gà đang chạy trong vườn ngày hôm nay là 15 con (tức A = 15); số gà ngày hôm qua là 10 con (tức B = 10). Số gà hôm nay lớn hơn số gà hôm qua 5 con, quy đổi ra tỷ lệ % là (15/10 – 1) x 100 = 50%.

Khi bản thân các số A và B đều có dạng %, phép tính cũng được thực hiện tương tự nhưng lúc này sẽ xuất hiện thêm một đơn vị nữa là “điểm %”.

Giả sử tỷ lệ lạm phát tháng này là 12%, tháng trước là 10%. Vậy tỷ lệ lạm phát tháng này cao hơn tháng trước bao nhiêu %? Câu trả lời là 20%, vì tính theo công thức trên: (12%/10% - 1) x 100 = 20%.

Nếu làm phép trừ đơn giản 12% - 10% thì kết quả phải là 2 điểm %.

Như vậy, “điểm %” là đơn vị của kết quả phép tính trừ giữa hai số dưới dạng %, còn muốn dùng đơn vị “%” thì trong công thức tính toán phải có phép chia.

Khi lạm phát tăng từ 8,6% trong tháng 5 lên mức 9,1% trong tháng 6, cách diễn đạt đúng là "lạm phát tăng 0,5 điểm %".

Tương tự, nếu GDP năm trước tăng trưởng 5%, GDP năm nay tăng trưởng 9%, thì cách diễn đạt đúng là: “Tốc độ tăng trưởng GDP năm nay cao hơn năm trước 4 điểm %” hoặc “Tốc độ tăng trưởng GDP năm nay cao hơn năm trước 80%”, vì (9%/5% – 1) x 100 = 80%.

Nếu nói “Tốc độ tăng trưởng GDP năm nay cao hơn năm trước 4%” là không chính xác.

Hôm 27/7, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc cuộc họp thường kỳ kéo dài hai ngày và quyết định nâng lãi suất. Có trang báo nói rằng Fed nâng lãi suất thêm 0,75 điểm %, có nơi lại nói là thêm 0,75%. Vậy cách nói nào là đúng?

Mức trần của lãi suất quỹ liên bang tại Mỹ trước cuộc họp là 1,75%, sau cuộc họp được nâng lên thành 2,5%. Như vậy, nếu làm phép trừ đơn giản thì cách diễn đạt đúng là “Fed nâng lãi suất thêm 0,75 điểm %”.

Nếu muốn dùng đơn vị % thì cách nói chính xác là “Fed nâng lãi suất thêm 42,85%”, vì đó là kết quả của phép tính (2,5%/1,75% - 1) x 100.

Cách nói “Fed nâng lãi suất thêm 0,75%” tuy đơn giản và ngắn gọn nhưng lại không đúng.

Điểm % và % dễ gây nhầm lẫn.

Một cách diễn đạt khác cũng thường xuất hiện trên báo chí nước ngoài và ngày càng được sử dụng nhiều ở Việt Nam là “điểm cơ bản”, viết tắt là bps vì được dịch từ “basis point” trong tiếng Anh.

1 điểm cơ bản (bps) bằng 0,01 điểm %, 75 điểm cơ bản bằng 0,75 điểm %. Vì vậy, “Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản” cũng là cách viết đúng.

Kể từ tháng 3 đến tháng 7/2022, Fed đã nâng lãi suất 4 lần liên tiếp, tổng mức tăng là 2,25 điểm %, hay nói cách khác là 225 điểm cơ bản. Hiện nay, lãi suất điều hành của Fed đã quay lại mức đỉnh cuối năm 2018.

Fed nâng lãi suất 4 lần liên tiếp từ tháng 3 đến tháng 7/2022.

Fed còn họp bao nhiêu lần trong năm nay?

Từ đầu năm đến nay Ủy ban Thị trường mở Liên bang của Fed đã họp 5 lần, trong đó có 4 lần dẫn tới quyết định nâng lãi suất và lần đầu tiên (ngày 25-26/1) giữ nguyên lãi suất.

Từ nay đến cuối năm, các quan chức của ngân hàng trung ương Mỹ còn họp thêm ba lần nữa vào các ngày 20 - 21/9, 1 - 2/11, và 13 – 14/12.

Trong bối cảnh lạm phát đang ở vùng cao nhất 40 năm, gần như chắc chắn Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong các cuộc họp tới. Tuy nhiên, nhịp độ tăng có thể sẽ thấp hơn trong các cuộc họp vừa qua. Một nguyên nhân quan trọng là nền kinh tế Mỹ đang phát đi những tín hiệu đáng ngại.

Hôm 28/7, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết GDP quý II của nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm 0,9%, đánh dấu quý đi xuống thứ 2 liên tiếp.

Nhiều khả năng lãi suất sẽ không tăng mạnh tới mức 0,75 điểm % như trong cuộc họp tháng 6 và 7 mà chỉ thêm 0,25 - 0,5 điểm %, hoặc 25 – 50 điểm cơ bản. Nếu nói Fed tăng lãi suất 0,25 – 0,5% là chưa chính xác.

Song Ngọc

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.