|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các nhà kinh tế Mỹ đứng giữa hai ngả đường: Lạm phát hay suy thoái nguy hại hơn?

16:50 | 01/08/2022
Chia sẻ
Một số nhà kinh tế lo sợ suy thoái sẽ xóa sổ hàng triệu việc làm, đẩy người lao động vào tình cảnh điêu đứng. Số khác tự tin rằng nền kinh tế Mỹ có thể mở ra các cơ hội mới sau một cuộc suy thoái nhẹ, vì vậy dập tắt lạm phát phải là ưu tiên số một lúc này.

(Hình minh họa: Getty Images). 

Sau hai quý GDP tăng trưởng âm liên tiếp, nhiều người lo rằng nền kinh tế Mỹ có thể đã ở trong suy thoái. Song, các chỉ báo đang phát ra những tín hiệu trái chiều, khiến khó ai dám nói chắc về con đường phía trước. Trọng tâm của cuộc tranh luận giữa các nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách là suy thoái hay lạm phát sẽ tệ hơn cho tương lai nước Mỹ?

Thông qua việc tăng lãi suất mạnh tay, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang cược rằng nguy cơ suy thoái là cái giá xứng đáng nhằm giúp kéo lạm phát đi xuống. Nhiều nhà kinh tế và nhà lập pháp phản đối ý tưởng này. Theo họ, “liều thuốc giải” suy thoái sẽ có hại cho nền kinh hơn nhiều "căn bệnh" lạm phát.

Chắc chắn rằng Fed muốn tránh cả suy thoái lẫn lạm phát cao. Ngân hàng trung ương Mỹ nhắm đến việc đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm” bằng cách tăng lãi suất vừa đủ để giảm thiểu chứ không giết chết nhu cầu. Tuy nhiên, chính Fed cũng thừa nhận rằng triển vọng của cú hạ cánh lý tưởng ngày càng trở nên khó khăn.

Ông Josh Bivens, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế, viết trên blog: “Hành động của Fed cho tới nay chưa chắc sẽ tạo ra suy thoái, nhưng hẳn đã làm tăng khả năng”. 

Về cơ bản, tương lai của Mỹ có thể diễn ra theo hai kịch bản sau đây: Lạm phát sẽ cao tương tự như những gì chúng ta đã thấy trong năm qua, hoặc một cuộc suy thoái kéo giá cả đi xuống và rất có thể sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp nhảy vọt cũng như kìm hãm tăng trưởng lương.

Phe lạm phát

Ông Bivens theo phe “lạm phát cao không tốt nhưng suy thoái còn tệ hơn”. Nguyên nhân chủ yếu liên quan tới thiệt hại mà suy thoái sẽ gây ra cho thị trường lao động. Ông nói với CNN: “Suy thoái thực chất có nghĩa là bình quân nền kinh tế trở nên nghèo đi”.

Lạm phát bào mòn tiền lương của người lao động, và đây là điều xấu. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 9,1% trong tháng 6, còn lương chỉ tăng 5,3%. Nhưng ông Bivens nói: “Suy thoái khiến lương giảm rõ rệt so với lạm phát”.

Một trong những luận điểm chính mà phe đối lập đưa ra là lạm phát đi kèm với vấn đề tâm lý. Một khi ý nghĩ về lạm phát cao dai dẳng bám chặt vào tâm lý người tiêu dùng, nó có thể tạo ra vòng lặp tăng giá rất khó phá vỡ. Ông Bivens thừa nhận rằng đây là hiện tượng đáng sợ, nhưng theo tính toán của ông thì Mỹ chưa rơi vào tình trạng này.

Trong suốt 40 năm qua, lạm phát của Mỹ hầu như luôn ổn định quanh mức 2%/năm. Do đó, theo ông Bivens, hầu hết mọi người không tin là lạm phát sẽ ở mãi quanh mức 9% này. Ông thúc giục: “Chúng ta nên tận dụng kỳ vọng và sự tin cậy đó”.

 

Một trong những nhân vật có tiếng nói nổi bật khác trong phe này là Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren. Bà chỉ ra rằng gốc rễ của lạm phát hiện nay – bao gồm tắc nghẽn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra và chiến sự Nga-Ukraine – nằm ngoài tầm kiểm soát của Fed.

Bà Warren viết trên tờ Wall Street Journal  tuần trước rằng tăng lãi suất sẽ không giải quyết được việc giá năng lượng leo thang và “không phá vỡ được thế độc quyền của các doanh nghiệp đang viện cớ lạm phát để tăng giá bán hàng, như những gì ông Powell thừa nhận hồi tháng 1”. 

Lãi suất tăng khiến chi phí đi vay của doanh nghiệp và người tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn. Điều này khiến mọi người chi tiêu ít đi. Doanh nghiệp giảm tốc độ tuyển dụng, giảm giờ làm hoặc sa thải nhân công trong bối cảnh nhu cầu cạn kiệt.

"Việc này sẽ khiến hàng triệu người – chủ yếu là lao động thu nhập thấp và người da màu – phải sống với mức lương thấp hơn hoặc không có đồng lương nào”, bà Warren viết. 

Phe suy thoái

Những người khác tin rằng suy thoái tuy không phải kịch bản lý tưởng nhưng chưa chắn đã là thảm họa. Thậm chí nền kinh tế còn trở nên lành mạnh hơn.

Nhiều người đã đề cập đến thập niên 1970, thời kỳ lạm phát trở nên mất kiểm soát và đạt đỉnh 14% vào năm 1980. Rốt cuộc, Chủ tịch Fed Paul Volcker phải tăng mạnh lãi suất và chấp nhận hai cuộc suy thoái thì mới phá vỡ được chu kỳ lạm phát tai hại này.

Nhà kinh tế Noah Smith đăng trên blog: “Nếu kỳ vọng lạm phát cao bám rễ vào nền kinh tế thì chỉ một cuộc suy thoái nghiêm trọng kiểu như thời Volcker mới có thể khống chế được giá cả. So ra thì một cuộc suy thoái nhẹ ngay bây giờ còn tốt hơn nhiều”.

Không phải cuộc suy thoái nào cũng giống nhau. Theo dữ liệu từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, Mỹ đã trải qua 34 cuộc suy thoái kể từ năm 1857 - hay trung bình cứ 5 năm thì có một lần suy thoái. Trung bình, mỗi cuộc suy thoái kéo dài khoảng 17 tháng. Điều này có nghĩa là Mỹ đã vượt qua rất nhiều cuộc suy thoái.

Nhưng liệu suy thoái có bao giờ là một tin tốt hay không? Ông Lakshman Achuthan, đồng sáng lập Viện Nghiên cứu Chu kỳ Kinh tế cho biết câu trả lời đôi khi là “có”.

Ông viết trong email gửi đến CNN: “Suy thoái có thể là sự kiện làm sạch nền kinh tế nói chung, buộc những gã khổng lồ kém hiệu quả phải cuốn gói và nhường chỗ cho những đối thủ nhanh nhẹn hơn, có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn. Lần này, nền kinh tế Mỹ đã thay đổi đủ nhiều sau đại dịch và các cơ hội kinh doanh mới chắc chắn đã mở ra”.

Ông chỉ ra rằng Airbnb (thành lập năm 2008), Uber và WhatsApp (thành lập năm 2009) đều nổi lên từ cuộc Đại Suy thoái 2007-2009.

Kích thích tài khóa

Theo tờ CNN, cuộc tranh luận Mỹ có đang suy thoái hay không chủ yếu mang tính ngữ nghĩa. Đã có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang hạ nhiệt – nhu cầu cho nhà ở đang giảm bớt và niềm tin người tiêu dùng suy giảm.

Trong hầu hết các cuộc suy thoái, kích thích tài khóa của chính phủ là cách thường thấy nhằm thúc đẩy nền kinh tế và khôi phục niềm tin của người tiêu dùng. Nhưng lần này, chưa chắc những chiếc phao cứu sinh đó sẽ được tung ra.

Nhà nghiên cứu Bivens chỉ ra: “Nếu công chúng bắt đầu nghĩ ‘Mỹ suy thoái vì đã chi tiêu quá đà trong năm 2021’, thì tôi e là chính phủ sẽ không tung ra trợ giúp nữa. Nhưng tôi nghĩ sự chê trách kiểu này là sai lầm”.

Giang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.