|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những tài sản nào giúp nhà đầu tư vượt qua 'cơn lốc' lạm phát?

21:25 | 28/07/2022
Chia sẻ
Khi những cam kết chống lạm phát của các ngân hàng trung ương không thể thuyết phục họ, nhiều quỹ đầu tư đang săn lùng những tài sản được tin tưởng sẽ bảo vệ danh mục đầu tư khỏi sự sụt giảm giá trị cao kỷ lục trong nhiều năm của các đồng tiền.

Theo giới quan sát, các quỹ này đang mua vào những trái phiếu và bất động sản có liên quan đến lạm phát, đồng thời đặt cược dài hạn vào khả năng thị trường cổ phiếu vẫn sẽ hoạt động tốt, bao gồm cả những cổ phiếu trong các ngành như gỗ và đất nông nghiệp.

Những nỗi sợ hãi của nhà đầu tư

Tốc độ tăng bất ngờ của lạm phát sau một thời gian dài gián đoạn đã khiến các ngân hàng trung ương mất cảnh giác.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 27/7 đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, qua đó đưa lãi suất chuẩn của nước này lên phạm vi từ 2,25 - 2,5% - mức cao nhất kể từ năm 2019. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng khẳng định lại quyết tâm đưa lạm phát trở về ngưỡng mục tiêu, dù điều đó có thể dẫn tới suy thoái kinh tế.

Nếu dựa theo những diễn biến thị trường hiện thời, giới hoạch định chính sách có vẻ đang đi đúng hướng. Các thước đo lạm phát dựa trên biến động thị trường đang giảm dần về hướng mục tiêu của ngân hàng trung ương. Kỳ vọng lạm phát dài hạn của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro (Eurozone) cũng đã giảm trở lại kể từ tháng Năm.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang phải chuẩn bị cho một thời kỳ lạm phát dai dẳng kéo dài, có phần giống với thời kỳ tăng trưởng thấp và giá cả tăng cao của những năm 1970. Họ không hy vọng lạm phát sẽ chậm lại về mức 2% mà các ngân hàng trung ương đặt mục tiêu.

Cuộc khảo sát hàng tháng mới nhất của ngân hàng Bank of America (BofA) cho thấy lạm phát dai dẳng là nỗi sợ hãi lớn nhất đối với các nhà quản lý quỹ đang phụ trách khối tài sản có tổng trị giá 800 tỷ USD. Những nỗi sợ hãi của các quản lý quỹ đầu tư chủ yếu được thúc đẩy bởi hai yếu tố.

Thứ nhất, họ lo sợ các ngân hàng trung ương sẽ gặp khó khăn trong việc chống lại tác động lạm phát của thị trường hàng hóa và việc làm thắt chặt. Trong khi đó, chi phí của việc chuyển đổi sang một nền kinh tế toàn cầu xanh hơn sẽ ngày một gia tăng – chính sách tiền tệ thông thường ít khi có thể giải quyết vấn đề này.

Vấn đề còn lại có thể là chính các ngân hàng trung ương. Với lạm phát cao hơn bốn lần mức mục tiêu, thật khó để không nhắc lại ông Paul Volcker, vị Chủ tịch Fed đã tăng lãi suất lên tới 20% vào những năm 1980 và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái nhưng lạm phát vẫn ở mức hai con số.

Không ai nghĩ rằng các ngân hàng trung ương ngày nay sẽ đồng ý với biện pháp của ông Volcker để kiểm soát lạm phát, hoặc có thể bỏ qua tác động của chúng đối với nền kinh tế, đặc biệt là khi mức nợ cao “bùng nổ” hiện tại khiến người đi vay khó có thể chấp nhận lãi suất mạnh đột biến.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Alex Brazier, Phó Giám đốc Viện đầu tư BlackRock, lạm phát sẽ dai dẳng hơn nhiều so với mức thị trường đang đặt cược, vì Fed sẽ không tiếp tục việc tăng lãi suất mạnh tay như kế hoạch.

Là một cựu thành viên ủy ban chính sách tài chính của Ngân hàng trung ương Anh (BoE), ông Brazier sự báo Fed sẽ tăng lãi suất lên mức 3,5%. Nhưng nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, Fed sẽ đưa ra một phản ứng có phần khác biệt.

Ông Jim Reid, người đứng đầu chiến lược tín dụng cơ bản toàn cầu của ngân hàng Deutsche Bank, cũng cho rằng Fed sẽ ngừng điều chỉnh lãi suất trước khi lãi suất tiến vào vùng "hạn chế" 5% cần thiết để hạ nhiệt lạm phát, khiến công cuộc kiềm chế giá cả dở dang.

Thời kỳ dễ kiếm tiền đã kết thúc

Khi đề cập đến xu hướng săn lùng các tài sản mang lại tỷ lệ lợi nhuận tương đương hoặc vượt qua mức lạm phát, ông Pascal Blanque, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại công ty quản lý quỹ lớn nhất châu Âu Amundi cho biết mục tiêu mới trên thị trường là duy trì sức mua của danh mục đầu tư.

Ông Chris Jeffery, người đứng đầu bộ phận chiến lược tỷ lệ và lạm phát tại công ty quản lý đầu tư Legal and General Investment Management, dự báo lạm phát cơ bản của Mỹ sẽ ở mức 4% trong năm tới.

Ngoài bất động sản, ông còn khuyến nghị mua vào các cổ phiếu liên quan đến ngành gỗ, đất nông nghiệp và trái phiếu chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS), sau khi kỳ vọng lạm phát giảm trong thời gian gần đây.

Chuyên gia Brazier của BlackRock cũng dự đoán lạm phát Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ sẽ ở mức trên 5% vào năm tới và trên 3% vào năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo trung bình của Fed là 2,6% và 2,2%.

Quan điểm đó làm cơ sở cho khuyến nghị đầu tư dài hạn của BlackRock về ưu tiên cổ phiếu so với trái phiếu chính phủ. Công ty khuyến nghị bỏ bớt các khoản nợ có thời hạn dài hơn bởi vì các nhà đầu tư sẽ muốn được bù đắp nhiều hơn cho lạm phát.

Một số tài sản có màn trình diễn tuyệt vời trong những năm 1970 đang tỏa sáng trong năm nay. Theo một nghiên cứu của Deutsche Bank mới công bố, vàng, bạc và dầu đã “thắng lớn” trong giai đoạn những năm 1970, với lợi nhuận trung bình hàng năm được điều chỉnh theo lạm phát khoảng 20%. Tiếp theo đó là bất động sản, nhôm, nickel, ngô, đậu nành và lúa mì.

Chuyên gia Reid của Deutsche Bank cho biết hiệu quả hoạt động của các chỉ số cổ phiếu và trái phiếu trong những năm gần đây chủ yếu nhờ lạm phát thấp và ổn định. Nhưng sự ổn định như vậy đã không còn nữa. Nghiên cứu của Deutsche Bank ghi nhận mức lỗ thực tế khoảng 1% hàng năm cho nhóm chỉ số S&P 500 trong suốt giai đoạn những năm 1970.

Nhìn chung, dù các nhà đầu tư chọn cách tự bảo vệ nào, đà tăng lạm phát cao kéo dài có thể sẽ khiến việc thu lợi khó hơn so với thời kỳ dễ kiếm tiền của hai thập kỷ qua, khi lạm phát ở mức thấp và có thể dự đoán được. 

H.Thủy (Tổng hợp)

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.