|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lần đầu tiên sau hơn 30 năm, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc

10:55 | 21/09/2022
Chia sẻ
Ngân hàng ADB dự đoán Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 3,3% trong năm 2022, chậm hơn tốc độ 5,3% của các nước đang phát triển khác ở châu Á.

 

Lao động làm việc tại một công trường xây dựng lúc hoàng hôn ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images). 

Lần đầu sau hơn 30 năm

Trong báo cáo công bố ngày 20/9, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã một lần nữa cắt giảm dự báo tăng trưởng cả năm 2022 đối với các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực, nguyên nhân chính là chính sách chống dịch hà khắc của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đây sẽ là lần đầu tiên trong hơn ba thập kỷ, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tụt lại đằng sau các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á.

“Lần gần đây nhất [tăng trưởng của Trung Quốc thấp hơn các nước châu Á đang phát triển khác] là năm 1990, khi đó tăng trưởng của Trung Quốc chững lại còn 3,9%, trong khi quy mô GDP của các nền kinh tế khác trong khu vực mở rộng 6,9%”, báo cáo mới của ADB có đoạn.

 

Hiện tại, ADB kỳ vọng các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á – trừ Trung Quốc – sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2022. Dự báo cho Trung Quốc là 3,3%. Cả hai con số trên đều đã được điều chỉnh giảm, tờ CNBC cho hay.

Ví dụ trong tháng 7, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 5% xuống 4%. ADB giải thích nguyên nhân là các đợt phong tỏa theo chiến dịch “Zero COVID”, rắc rối trong thị trường bất động sản và sự giảm tốc của hoạt động kinh tế do nhu cầu quốc tế suy yếu.

ADB cũng giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc từ mức 4,8% xuống còn 4,5%. Lý do là "nhu cầu quốc tế yếu đi tiếp tục làm suy giảm hoạt động đầu tư vào sản xuất”.

Cuộc phục hồi bị ngáng trở

Tuy châu Á đang cho thấy dấu hiệu phục hồi thông qua sự hồi sinh của ngành du lịch, nhưng các yếu tố tiêu cực toàn cầu đang cản trở tăng trưởng toàn khu vực. Ước tính mới nhất của ADB cho toàn khu vực là các nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm 2022 và 4,9% năm 2023 – thấp hơn 0,3 điểm % so với báo cáo tháng 7.

Báo cáo mới nhất cũng đoán rằng giá cả sẽ tăng tốc lên 4,5% trong năm 2022 và 4% vào năm tới – cao hơn dự báo cũ lần lượt là 0,3 và 0,5 điểm %. Áp lực lạm phát gia tăng đến từ chi phí năng lượng và thực phẩm.

Báo cáo viết: “Các ngân hàng trung ương trong khu vực đang tăng lãi suất chính sách do tỷ lệ lạm phát đã vượt quá mức trước đại dịch. Điều này khiến các điều kiện tài chính thắt chặt hơn nữa trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kém đi và Fed đẩy nhanh quá trình thắt chặt tiền tệ”.

Trung Quốc là “ngoại lệ lớn” 

ADB nhận định: “Các cuộc phong tỏa ngắt quãng nhưng nghiêm ngặt nhằm dập tắt các đợt bùng phát dịch của Trung Quốc tiếp tục biến nước này thành ngoại lệ lớn”.

Ngược lại, “việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19 và tác động y tế ít nghiêm trọng hơn của biến chủng Omicron đang cải thiện mức độ mở cửa ở phần lớn khu vực châu Á”.

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.