|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát của Trung Quốc thấp hơn Mỹ nhưng người tiêu dùng vẫn lo lắng không yên

07:45 | 15/09/2022
Chia sẻ
Khảo sát mới đây của Oliver Wyman cho thấy, dù lạm phát tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Mỹ, người dân tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đau đáu nỗi lo.

Người dân Trung Quốc cho biết họ ngày càng cảm thấy sức ép khi giá cả tăng cao, dù dữ lạm phát tại đất nước tỷ dân vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ và các quốc gia khác.

Nhận định trên là kết quả của một cuộc khảo sát do hãng tư vấn Oliver Wyman thực hiện và vừa được công bố tháng này.

Tâm lý bi quan

Cụ thể, trong tháng 7, khoảng 83% trong hơn 900 người trả lời phỏng vấn của Oliver Wyman nói họ cảm thấy tác động của lạm phát - tăng từ mức 69% vào tháng 11 năm ngoái.

Cùng tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong hai năm với mức tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu là do giá thịt heo phục hồi. CPI đã chững lại một phần trong tháng 8, cao hơn một năm trước khoảng 2,5%.

Lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Mỹ. Trong tháng 8, CPI của nền kinh tế lớn nhất thế giới bật tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Giá xăng sụt giảm không thể bù đắp cho chi phí nhà ở và thực phẩm đi lên.

Theo cuộc khảo sát tương tự của Oliver Wyman với hơn 1.200 người Mỹ hồi tháng 7, 92% cho biết họ cảm thấy tác động của lạm phát trong cuộc sống thường ngày, tăng đáng kể từ mức 79% vào tháng 11 năm 2021.

 

Tuy nhiên, điều đó vẫn cho thấy ảnh hưởng của lạm phát tại Mỹ lớn hơn Trung Quốc, dù tỷ lệ những người bị tác động tăng 1 điểm % ở Trung Quốc so với ở Mỹ.

Ông Ben Simpfendorfer - đối tác của Oliver Wyman, nói công chúng cần lưu ý rằng các cuộc khảo sát của hãng chỉ đo lường tâm lý của người tiêu dùng và không nhất thiết là đang phản ánh chỉ số giá tiêu dùng.

Vị đối tác cảnh báo rằng người dân Trung Quốc có thể đang bị ảnh hưởng không chỉ bởi đà tăng của giá cả thực tế mà còn do triển vọng kinh tế chung đã trở nên u ám hơn.

Hơn một nửa số người được hỏi ở Trung Quốc nói rằng do khả năng suy thoái kinh tế, họ đã ít ra ngoài ăn uống và giải trí hơn, cũng như đang dần chuyển sang các thương hiệu và dịch vụ rẻ tiền hơn.

Lo lắng không ngớt

Trên khắp thế giới, công chúng đang rất e dè về nguy cơ suy thoái kinh tế, CNBC nhấn mạnh. Mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn kỳ vọng Trung Quốc sẽ là một trong các nền kinh tế lớn tăng trưởng trong năm nay, GDP của nước này đang trên đà giảm mạnh so với năm ngoái.

Theo khảo sát của Oliver Wyman, do lạm phát, gần 33% người được hỏi ở Trung Quốc đã bày tỏ sự lo lắng về an ninh việc làm - trong khi tỷ lệ ở Mỹ là 13%. Hãng cho biết khảo sát chủ yếu được thực hiện với người dân sống tại các thành phố lớn nhất của Trung Quốc.

Người tiêu dùng mua thịt tại một khu chợ ở Thượng Hải. (Ảnh: Bloomberg). 

Khoảng 20% người lo lắng về tác động của lạm phát với khả năng chi trả tiền thuê nhà hoặc nợ vay thế chấp, trong khi khoảng 40% e sợ về khả năng mua hàng tạp hoá và hàng hoá thiết yếu khác.

Một cuộc khảo sát do chính phủ Trung Quốc thực hiện hồi tháng 7 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở những người trẻ tuổi từ 16 đến 24 tuổi đã vọt lên gần 20%, trong khi tỷ lệ này ở những người trưởng thành đang đi làm ở các thành phố lớn là khoảng 5,4%.

Hoãn mua sắm

Khảo sát của Oliver Wyman cũng cho thấy, trong một năm tính tới tháng 7, người tiêu dùng Trung Quốc cảm thấy giá xăng là có mức tăng đáng chú ý nhất, tiếp theo là các thiết bị gia dụng và tân trang nhà cửa.

Khi được hỏi bản thân có tạm hoãn việc mua hàng do áp lực lạm phát hay không, những người tham gia nghiên cứu đề cập đến ô tô nhiều nhất, sau đó là du lịch giải trí. Việc tạm hoãn mua hàng tiềm tàng này có thể khiến nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc ngày càng yếu đi.

Chính sách Zero COVID là một lực lượng giảm phát chính, gián tiếp hỗ trợ hoạt động sản xuất nhưng lại kìm nén nhu cầu”, ông Larry Hu - kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc tại ngân hàng Macquarie, nhận xét.

Khủng hoảng bất động sản là “một động lực giảm phát hàng đầu khác”, ông Hu nói thêm. Vị chuyên gia chỉ ra rằng, không tính thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI của Trung Quốc chỉ tăng 0,8% trong tháng 8.

“Thông điệp khá rõ ràng với các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh: không phải lạm phát mà giảm phát mới là rủi ro chính mà Trung Quốc phải đối mặt ở thời điểm hiện tại”, ông nhấn mạnh.

vậy, những người tham gia khảo sát của Oliver Wyman tương đối lạc quan rằng nền kinh tế sẽ khởi sắc. Hơn một nửa kỳ vọng chính phủ sẽ giải quyết lạm phát trong những tháng tới, trong khi chỉ 23% đưa ra nhận định ngược lại.

Tình hình tại Mỹ thì không khả quan như vậy. Gần một nửa người được hỏi tại Mỹ nói rằng họ không nghĩ chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể khống chế lạm phát trong 6 đến 8 tháng tới.

Khả Nhân

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.