|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Động cơ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, báo hiệu triển vọng kém sáng cho nền kinh tế thế giới

06:45 | 09/09/2022
Chia sẻ
Tăng trưởng xuất khẩu tháng 8 của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với dự đoán, phản ánh tác động của lạm phát tới người tiêu dùng trên thế giới. Mặt khác, nhập khẩu của Trung Quốc đình trệ là tín hiệu xấu tới các nước sản xuất hàng hóa lớn như Australia và Brazil.

 

Cảng Dương Sơn, Trung Quốc. (Ảnh: VCG). 

Tác động xấu

Hoạt động xuất khẩu bùng nổ từng là động cơ thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc vượt qua đại dịch COVID-19. Nhưng đến tháng 8, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm tốc nhanh hơn dự kiến và nhập khẩu cũng đình trệ. Đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng xấu đi.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc (đo lường bằng USD) trong tháng 8 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ chậm nhất kể từ khi Thượng Hải phong tỏa vào tháng 4, khiến hoạt động vận tải bị gián đoạn. Nhập khẩu chỉ nhích nhẹ 0,3%, dẫn đến thặng dư thương mại 79,4 tỷ USD.

 

Sự giảm tốc của Trung Quốc đang tạo ra tác động lan tỏa trên toàn thế giới. Dữ liệu nhập khẩu kém khả quan là tin xấu với các nhà khai thác hàng hóa lớn như Australia và Brazil. Các nhà sản xuất sản phẩm chế tạo như Đức và Hàn Quốc cũng ghi nhận sự suy yếu của nhu cầu từ Trung Quốc.  

Cùng lúc, nhu cầu của thế giới dành cho hàng hóa Trung Quốc đang phai nhạt trong bối cảnh người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vì lạm phát và xu hướng chuyển dịch sang dịch vụ. Các nhà máy tại châu Âu và các nước khác ở châu Á cũng dần thu hẹp sản xuất, tờ Bloomberg cho biết. 

Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management đánh giá: “Nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là bởi tình hình rắc rối tại châu Âu. Do đó, Trung Quốc không thể duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hai chữ số như trong quá khứ. Trong thời gian tới, tăng trưởng dưới 10% là kịch bản khả dĩ hơn”.

Ông Zhang cho rằng để có thể tăng tốc nền kinh tế trong 12 tháng tới, Trung Quốc cần dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa. Và điều này chủ yếu sẽ phụ thuộc vào việc liệu chính phủ có nới lỏng chính sách Zero COVID hay không.

Điều may mắn với nhiều nước là nhập khẩu hàng hóa năng lượng của Trung Quốc như khí đốt, than và sản phẩm dầu mỏ đã giảm hơn 10% trong năm nay. Đây là một trong những yếu tố giúp kìm hãm giá năng lượng toàn cầu, qua đó làm giảm áp lực lạm phát.

Trong tháng 8, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ tụt 3,8% so với một năm trước, đánh dấu lần suy giảm đầu tiên kể từ tháng 5/2020. Ngược lại, xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu (EU) tăng trưởng 11,1%. Trung Quốc đang cung cấp cho châu Âu thêm các hàng hóa tốn nhiều năng lượng để sản xuất, ví dụ như đồng. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng một nửa tốc độ được ghi nhận tháng trước.

Hoạt động xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt và đợt bùng phát COVID-19 tháng 7. Một số nhà máy tại tỉnh Tứ Xuyên đã buộc phải đóng cửa vì thiếu điện. Trong khi đó, COVID-19 đã dẫn đến việc phong tỏa một số khu vực như thành phố Nghĩa Ô ở tỉnh Chiết Giang - trung tâm sản xuất và xuất khẩu lớn tại Trung Quốc.

Việc thặng dư thương mại thu hẹp lại trong tương lai sẽ đè nặng lên đồng nội tệ Trung Quốc. Đồng tiền này đã mất giá đáng kể trong năm nay và đã gần rớt xuống mức 7 nhân dân tệ/USD. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp nhằm củng cố đồng nhân dân tệ.

 

Hiệu ứng giá cả

Cũng trong tháng 8, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng vọt 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Các thương hiệu Trung Quốc đã chớp thời cơ lấp chỗ trống mà doanh nghiệp phương Tây để lại.

Khối lượng xuất khẩu smartphone, đồ gia dụng và chất bán dẫn đều giảm khoảng 10% trong 8 tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu ô tô tiếp tục duy trì sức mạnh, tăng 56% từ đầu năm đến nay. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy ô tô, đất hiếm và nhôm là các sản phẩm có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất.

Tuy nhiên giá cả cao có thể là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của những mặt hàng trên, chứ không phải khối lượng. Ngân hàng Macquarie Group ước tính khoảng một nửa tăng trưởng xuất khẩu tổng quát trong tháng 7 là nhờ vào hiệu ứng giá cả.

 

Tăng trưởng xuất khẩu chậm lại càng gia tăng căng thẳng đối với nền kinh tế thứ hai thế giới, bên cạnh gánh nặng từ chiến dịch “Zero COVID” và khủng hoảng bất động sản. Xuất khẩu ròng đóng góp khoảng 1/5 tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021, tờ Bloomberg cho biết. Các nhà kinh tế đang dự báo GDP Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 3,5% trong năm nay.

Bà Betty Wang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ nhận xét: “Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu vì mất đi một trụ cột hỗ trợ tăng trưởng khác là xuất khẩu”.

Giang