Lần này, người tiêu dùng Mỹ sẽ giải cứu kinh tế thế giới thay Trung Quốc?
Chi tiêu lớn
Năm 2009, các doanh nghiệp trên toàn cầu đã trông cậy vào Trung Quốc để chống đỡ cho thế giới đang chìm sâu trong khủng hoảng. Giờ đây, trong bối cảnh lạm phát tại nhiều nước leo lên mức cao nhất trong hàng chục năm, các doanh nghiệp lại trông đợi Mỹ sẽ nhận lấy gánh nặng.
Theo tờ Reuters, vai trò của Trung Quốc trong việc giảm thiểu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã được đánh giá quá cao. Thông qua các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, gói kích thích 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 586 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay) của Bắc Kinh đã bù đắp cho sự lao dốc trong nhu cầu quốc tế.
Chính sách cơ sở hạ tầng đã tăng sức mua quặng sắt và các hàng hóa khác, bảo vệ doanh thu từ Trung Quốc của những công ty đa quốc gia như Starbucks và Volkswagen. Cũng nhờ vậy mà Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng chói lọi 11,9% vào cuối năm 2009.
Tuy nhiên, do hầu hết nhu cầu tiêu dùng và dịch vụ được tạo ra trong biên giới Trung Quốc nên gói kích thích của Bắc Kinh không có mấy tác động đến việc tạo ra việc làm ở nước ngoài.
Ngược lại, lúc này Mỹ đang bước lên phía trước và cung cấp một số sự trợ giúp cho nền kinh tế chung. Báo cáo của Viện Brookings cho biết nhờ các gói kích thích COVID của chính phủ, các hộ gia đình Mỹ đã tích lũy được thêm 2.500 tỷ USD tiền tiết kiệm so với trước đại dịch.
Số tiền này là một phần nguyên nhân giúp doanh số bán lẻ tháng 7 bất ngờ tăng 9,6% so với tháng liền kề sau khi đã điều chỉnh cho lạm phát, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ.
Sự mạnh mẽ của đồng USD cũng giúp ích cho người tiêu dùng Mỹ. So với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu từ Trung Quốc nhảy vọt 20% trong 6 tháng đầu năm 2022, từ châu Âu cũng tăng 12%.
Tăng trưởng chi tiêu có giảm tốc đôi phần trong bối cảnh các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng được tháo gỡ và người Mỹ thu nhập thấp chịu áp lực từ giá cả tăng cao, ảnh hưởng xấu đến doanh số của các nhà bán lẻ như Walmart.
Song, nhóm có thu nhập cao vẫn tiếp tục đẩy bánh xe kinh tế tiến lên. Ví dụ, doanh thu của hãng xa xí phẩm LVMH - chủ sở hữu của Tiffany và Christian Dior, đã tăng 21% trong nửa đầu năm nay. LVMH đạt được kết quả ấn tượng bất chấp doanh số tại châu Á không kể Nhật Bản đi ngang bởi các hạn chế chống dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc.
Mùa hè năm nay, nhà bán lẻ Home Depot đã nhanh chóng bán sạch bộ xương trang trí Halloween giá 300 USD sản xuất tại Trung Quốc.
Người Mỹ cũng đang hào hứng chi tiêu ở nước ngoài. Công ty bảo hiểm du lịch Allianz Partner ước tính các chuyến đi châu Âu của du khách Mỹ sẽ tăng 600% trong mùa hè năm nay.
Khảo sát của Ipsos cho thấy du khách Mỹ cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn, tăng ngân sách trung bình dành cho kỳ nghỉ thêm 440 USD lên 2.760 USD. Còn khách châu Âu - chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi chiến sự giữa Nga và Ukraine - trung bình sẽ chỉ chi chưa đến 1.800 USD cho du lịch.
Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, sự gia tăng của chi tiêu và số lượng du khách Mỹ sẽ giúp ngành này phục hồi đến gần mức đóng góp 10% cho GDP toàn cầu trước đại dịch. Tỷ lệ này gần như giảm một nửa trong năm 2020.
Sức mua bền bỉ
Người Mỹ có thể tiếp tục mạnh tay chi tiêu trong một khoảng thời gian nữa. Hồi tháng 6, ông Jamie Dimon, CEO JPMorgan ước tính người Mỹ vẫn còn sức chi tiêu trong 9 tháng nữa.
Ông Brian Moynihan, CEO Bank of America còn lạc quan hơn. Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hồi tháng 7, ông nói rằng ngay cả những người tiêu dùng ở mức thu nhập trung vị cũng có tình hình tài chính tốt và có khoảng 13.000 USD để đáp ứng nhu cầu mua sắm bị dồn nén trong đại dịch. Trước đại dịch, những người này chỉ có khoảng 3.500 USD trong tài khoản ngân hàng.
Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của Trung Quốc đến kinh tế thế giới hầu như chỉ mang tính tiêu cực. Tỷ trọng tiêu dùng tư nhân trong GDP Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống 37% vào cuối năm, chỉ bằng khoảng một nửa tỷ trọng 68% ở Mỹ. Thặng dư thương mại kỷ lục của Trung Quốc làm nổi bật lên nhu cầu yếu ớt của thị trường nội địa.
Doanh nghiệp ngoại ở Trung Quốc cảm nhận rất rõ nỗi đau. Quý II năm nay, doanh thu tại cửa hàng của Starbucks tăng 9% ở Bắc Mỹ nhưng lao dốc 44% tại Trung Quốc. Doanh số hàng quý của Ford Motors tại Trung Quốc giảm 38% so với cuối năm 2021.
Nhà sản xuất xe châu Âu Stellantis đã bỏ cuộc và chấm dứt liên doanh tại nước này. Một điều may trong hàng loạt cái rủi là nhờ vào khủng hoảng bất động sản, nền kinh tế thứ hai thế giới đã không làm khuếch đại lạm phát giá hàng hóa.
Đối với một số doanh nghiệp, thiệt hại từ Trung Quốc chỉ là rắc rối nhỏ. Tuy Airbnb đã đóng cửa hoạt động tại Trung Quốc trong tháng 7, công ty kết nối người đặt và cho thuê phòng này kỳ vọng sẽ đạt doanh thu kỷ lục gần 3 tỷ USD trong quý III. Giống như nhiều công ty khác, Airbnb nợ người tiêu dùng Mỹ lời cảm ơn vì thành tích kinh doanh khả quan này.