|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đã quá muộn để cứu vãn nền kinh tế Trung Quốc?

19:17 | 30/08/2022
Chia sẻ
Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng ở cả trong lẫn ngoài nước, có nguy cơ gây hậu quả to lớn với chính Trung Quốc cũng như toàn thế giới.

Theo The Guardian, Trung Quốc đã chạm tới ngưỡng không thể quay đầu trong cuộc chiến nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng bất động sản lớn nhất trong lịch sử thế giới. 

Khi các nước phương Tây đứng trên bờ vực của một cuộc suy thoái vào năm sau, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sự khủng hoảng do niềm tin của người dân với thị trường nhà đất bị “sụp đổ hoàn toàn”, chính sách Zero COVID hà khắc và những đợt nắng nóng kỷ lục.

Tại Trung Quốc, có nhiều cảnh báo cho rằng thời kỳ khó khăn đang ở phía trước. Giám đốc điều hành của Huawei, ông Nhậm Chính Phi đã tuyên bố rằng “mọi người sẽ cảm nhận được” cái lạnh từ suy thoái kinh tế trong thập kỷ tới.

Đã quá muộn

Theo The Guardian, tương tự như việc không thể từ bỏ những đợt phong tỏa gây cản trở hoạt động kinh tế, dường như Bắc Kinh cũng không thể đảo ngược quá trình tháo gỡ đòn bẩy tài chính trên thị trường bất động sản khiến doanh số bán nhà giảm 40% trong năm nay.

Trong hai thập kỷ qua, thị trường bất động sản đã thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc. Giá trị danh nghĩa của thị trường này trong khoảng từ 55.000 tỷ USD đến 60.000 tỷ USD, lớn hơn tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán Mỹ.

 Trung Quốc có quý tăng trưởng âm đầu tiên kể từ đầu năm 2020.  

Giờ đây, các chủ đầu tư đang lần lượt phá sản sau khi bị tước đi dòng tín dụng dễ dàng, giá nhà giảm, người mua từ chối thanh toán các khoản thế chấp cho những căn hộ chưa hoàn thiện. Chính quyền địa phương cũng đang bị tê liệt khi doanh số bán nhà giảm đồng nghĩa với việc mất đi một lượng lớn thu nhập từ thuế, phí.

Ông Gabriel Wildau, chuyên gia về Trung Quốc tại công ty tư vấn Teneo, cho biết Bắc Kinh đang phải đối mặt với quyết định khó khăn xem liệu có nên đảo ngược nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính hay tiếp tục “thuần hóa con thú”, ám chỉ hoạt động xây dựng kém hiệu quả.

Trong những năm qua, ngành xây dựng của Trung Quốc đã tạo ra nhiều thị trấn, sân bay ma cũng như con đường dẫn đến hư không.

“Bắc Kinh phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Nhưng tương tự như Zero COVID, Trung Quốc đã tiến xa đến mức không thể quay đầu lại, bởi động thái như vậy trông có vẻ như chính phủ đã đánh giá sai hoặc mắc lỗi về chính sách”, ông Wildau nói.

“Trung Quốc muốn phát triển lĩnh vực công nghệ cao chứ không phải bất động sản. Tuy nhiên, lấy gì để thay thế cho bất động sản bây giờ? Niềm tin vào thị trường nhà ở đã sụp đổ hoàn toàn. Không có lĩnh vực nào có thể tồn tại trước cuộc khủng hoảng này”, ông nói thêm. 

Trong tuần qua, Bắc Kinh đã công bố một gói kích thích bao gồm 300 tỷ nhân dân tệ cho cơ sở hạ tầng và gia hạn khoản vay trị giá 500 tỷ nhân dân tệ cho chính quyền địa phương.

Các nhà kinh tế cho biết gói kích thích đã được thị trường kỳ vọng từ trước và sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới một nền kinh tế đang tràn ngập vốn đầu tư. Theo những nhà kinh tế này, chính phủ Trung Quốc cần giúp các hộ gia đình có thêm tiền mặt để tái cân bằng nền kinh tế thoát khỏi mô hình đầu tư cũ kỹ.

Tuy nhiên, những chính sách này rất khó khăn về mặt chính trị do chúng đe dọa đến trật tự được thiết lập bởi những cá nhân có quyền lực và doanh nghiệp nhà nước.

Ông Wildau cho biết Bắc Kinh có đủ tiền cũng như cách để cứu thị trường bất động sản, nhưng cái giá phải trả sẽ “rất đắt”. Cho tới nay, bất chấp sự hỗn loạn, dường như Trung Quốc vẫn bám theo kế hoạch loại bỏ sự thừa thãi và đảm bảo “nhà là để ở” chứ không phải công cụ đầu cơ.

Một tòa nhà cao tầng chưa hoàn thiện tại Trung Quốc. (Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images).

Rủi ro toàn cầu

Hiện tại, các ngành công nghiệp xuất khẩu của Bắc Kinh vẫn đang trụ vững, bất chấp chiến tranh thương mại và phong tỏa COVID. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, tỷ trọng trong ngành sản xuất toàn cầu của Trung Quốc thậm chí còn tăng lên.

Tuy nhiên, ngành sản xuất vẫn đối mặt với rủi ro khi nhu cầu trên toàn thế giới nhiều khả năng sẽ giảm trong 12 tháng tới.

Như nhận xét của ông Nhậm Chính Phi, không chỉ có Trung Quốc đối mặt với sự không chắc chắn. Việc Nga ngừng nguồn cung khí đốt và các lệnh trừng phạt đang tạo ra lạm phát phi mã và kìm hãm tăng trưởng trên toàn cầu.

Các nền kinh tế phát triển từ Mỹ tới châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang chuẩn bị đối mặt với một mùa đông tăm tối.

Lạm phát toàn cầu đều tăng nhanh.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong vòng 50 năm đang dần bao trùm lên các quốc gia phương Tây và dường như chắc chắn sẽ dẫn tới nhu cầu hàng hóa Trung Quốc giảm, khi các hộ gia đình phải tập trung chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm hay nhiên liệu.

Vào hôm 26/8, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell khiến thị trường chứng khoán chao đảo khi tuyên bố các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm đau đớn bởi lãi suất cao cho đến khi lạm phát được đẩy lùi.

Ông David Llewellyn-Smith, chiến lược gia trưởng tại Nucleus Wealth, cho biết nhu cầu quốc tế giảm sẽ là “vấn đề tiếp theo” của Trung Quốc và sẽ đẩy nước này vào tình trạng nguy kịch.

“Khu vực tư nhân đang chịu đòn từ Omicron, khu vực nước ngoài bị ảnh hưởng từ sự suy yếu trên toàn cầu. Khu vực công đang làm những gì có thể để vực dậy nền kinh tế nhưng phải đối mặt với nhiều hạn chế về chính sách tài khóa”, ông nói. “Sự kết hợp này hết sức tồi tệ và khó có thể được kiểm soát”. 

 

Tương lai bất định

Ông Roland Rajah, nhà kinh tế hàng đầu tại Viện Lowy, cho rằng không thể biết rõ liệu thế giới sẽ cảm thấy “ớn lạnh như thế nào”, nhưng cảnh báo của ông Nhậm đã bổ sung thêm một yếu tố chưa xác định vào hỗn hợp các vấn đề vốn đã nguy hiểm.

Những vấn đề này bao gồm: biến động địa chính trị gia tăng, chuỗi cung ứng mỏng manh, rối loạn chính trị tại Mỹ, chuyển đổi công nghệ gây gián đoạn và biến đổi khí hậu. Những thách thức trên thậm chí đã khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải tuyên bố về "hồi kết của sự dư giả".

Trở lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, Trung Quốc đã đứng ra giải cứu nền kinh tế thế giới bằng một khoản kích thích trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ. 

Nhưng với việc Bắc Kinh đang trong quá trình tách khỏi trật tự thế giới do phương Tây dẫn đầu và tăng trưởng dựa vào nợ bị thất sủng, khả năng Trung Quốc giang tay giải cứu sẽ rất khó xảy ra.

Thay vào đó, Bắc Kinh phải đối mặt với “nhiều thập kỷ mất mát” theo kiểu Nhật Bản khi nước này cố gắng hút hàng tỷ USD từ khoản vay bất động sản.

Ông Rajah nói: “Trong ngắn hạn, nền kinh tế Trung Quốc đang chịu tác động mạnh. Các tác động trong trung và dài hạn cần thời gian để xem xét”.

Khủng hoảng nhân khẩu học đang đe dọa sự phát triển triển của Trung Quốc trong dài hạn.

Trong dài hạn, Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn từ sự suy giảm nhân khẩu học, già hóa dân số và các mối quan hệ đối ngoài rạn nứt".

Và khi Trung Quốc đạt đến ngưỡng không thể quay trở lại trong cuộc khủng hoảng bất động sản, nền kinh tế thế giới cũng đang ở ngã ba đường. Ông Rajah nói: “Nền kinh tế thế giới dường đang đứng trước một bước ngoặt”.

“Mọi người phải chuẩn bị cho một thế giới bất định hơn nhiều nhưng cũng cần kỳ vọng nhiều hơn vào các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách, bởi những chính sách khôn ngoan sẽ ngày càng cần thiết”.

Minh Quang