Dân Trung Quốc thất nghiệp vì COVID, chuyển sang bán hàng rong để kiếm sống
Định kiến xưa cũ
Đại dịch COVID-19 buộc anh Wang Wei phải đóng cửa công ty du lịch. Mất kế sinh nhai, anh đổ sạch số tiền tiết kiệm 80.000 nhân dân tệ (khoảng 11.785 USD) vào việc bán cafe trên chiếc xe tải Suzuki nhỏ ở Bắc Kinh. Kể từ tháng 6, anh đã rong ruổi khắp các hội chợ ở Trung Quốc, phục vụ khách hàng những cốc cafe pha chế với rượu.
Nhiều người Trung Quốc từng coi bán hàng rong trên đường phố là công việc thấp kém. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này đã có sức hấp dẫn mới khi nhiều người mất việc tìm cách mới để kiếm tiền.
Ngành khách sạn, du lịch và dạy thêm chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch. Anh Wang phải từ bỏ cửa hàng café ở Thiên Tân vào năm 2020 khi đại dịch ập đến. Các chuyến du lịch cho khách quốc tế mà anh thường tổ chức cũng bị hủy trong năm đó, khiến anh mất hàng trăm nghìn nhân dân tệ thu nhập.
- TIN LIÊN QUAN
-
Kinh tế Trung Quốc bị bủa vây trong rắc rối và chưa tìm được lối thoát 22/08/2022 - 11:13
Sự lây lan của Omicron tại Trung Quốc năm nay là cú đánh hạ gục triển vọng về các chuyến du lịch tới miền quê Trung Quốc, buộc anh đóng cửa công ty.
Wang bắt đầu bán cafe trên xe vào màu hè năm nay, sau khi các hội chợ bán hàng lưu động bằng xe tải nổi lên tại những thành phố lớn ở miền nam như Thành Đô, Trùng Khánh và Quảng Châu.
Dưới vòm che được kéo ra từ chiếc xe của anh Wang, khách hàng thư giãn trên những chiếc ghế cắm trại, ánh sáng dịu nhẹ vào buổi tối hoàn thiện trải nghiệm thú vị.
Anh Wang nói với Reuters: “Sự ưa chuộng dành cho thị trường bán hàng lưu động trên xe đã giúp tôi vượt qua khoảng thời gian khó khăn nhất”. Anh ước tính mỗi ngày kiếm được khoảng 1.000 nhân dân tệ.
Người trẻ thất nghiệp
GDP quý II của Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ leo lên mức cao chưa từng thấy 19,9% vào tháng 7, phá vỡ kỷ lục trong 4 tháng liên tiếp.
Anh Pan, 25 tuổi, đóng quán bar ở Thâm Quyến sau đợt bùng phát COVID-19 hồi tháng 3. Những gì anh còn lại là khoản nợ 100.000 nhân dân tệ. Anh kể : “Tôi đã rất chán nản. Bạn gái khích lệ bằng cách đưa tôi đến một quán bar ấm cúng có nhạc nhẹ và ánh sáng dễ chịu”.
Khi đó, anh nhìn thấy một cặp đôi bán rượu ở quầy ngoài trời. Anh nhận ra mình muốn làm điều tương tự - nhưng là trên chiếc Tesla của mình.
Anh Pan thuật lại: “Người bạn thân cho tôi vay 3.000 nhân dân tệ, số tiền đó trở thành khoản đầu tư đầu tiên cho quán rượu di động của tôi”. Anh và bạn gái hết sạch tiền ngay trong tuần đầu. Nhưng quyết tâm của họ đã được đền đáp, với doanh thu hàng ngày có lúc lên đến 7.800 nhân dân tệ.
Anh chia sẻ dự định: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ đi khắp đất nước và bán rượu trên chiếc Tesla ở những thành phố mình thích nhất’.
“Không xu dính túi”
Các nhà hoạch định chính sách có vẻ đang ngầm thừa nhận rằng người dân ngày càng khó kiếm việc và đã khuyến khích việc làm “linh hoạt" trong nền kinh tế phi chính thức. Đến cả Bắc Kinh cũng nhắm mắt làm ngơ trước những chiếc xe bán hàng lưu động, dù nơi này đã luôn coi các khu chợ tạm bợ là không xứng tầm với thủ đô.
Cô Liu, 30 tuổi, từng kiếm sống bằng cách dạy trẻ em Bắc Kinh giải khối rubik. Nhưng sau khi việc dạy học trực tiếp bị COVID-19 chặn lại, cô trở nên “không xu dính túi”.
Bây giờ, cô bán cafe trên chiếc xe tải nhỏ và hy vọng công việc kinh doanh sẽ giúp mình thoát khỏi khó khăn tài chính. Cô cho biết: “Ở giai đoạn này, chúng tôi vẫn đang bị lỗ. Hầu như tôi còn chẳng kiếm được đến 100 nhân dân tệ mỗi ngày, không đủ cho tiền ăn và xăng xe. Nhưng tôi vui vì ít nhất mình cũng có việc làm”.