|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Doanh nghiệp ngại gánh thêm nợ, các ngân hàng Trung Quốc nghĩ đủ cách để bơm thổi số liệu cho vay

16:07 | 23/08/2022
Chia sẻ
Các ngân hàng Trung Quốc đang sử dụng một số cách thức khác lạ để tăng khối lượng cho vay nhằm đáp ứng các yêu cầu của chính phủ về việc bơm thêm tín dụng vào nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Xoay xở để bơm thêm tín dụng

Theo đưa tin từ Bloomberg, các ngân hàng thương mại tại Trung Quốc đang sử dụng một số phương pháp bất thường để tăng khối lượng cho vay. Họ hiện rất vất vả để đáp ứng yêu cầu của chính phủ về việc bơm thêm tín dụng vào nền kinh tế đang bị bầm dập bởi các đợt phong toả và sự lao dốc của thị trường bất động sản.

Giám đốc tại 6 ngân hàng cho biết, trong bối cảnh người đi vay ngần ngại gánh thêm nợ nần khi tăng trưởng kinh tế chững lại, một số ngân hàng quốc doanh lớn đã mở rộng các khoản vay cho doanh nghiệp và sau đó cho phép doanh nghiệp gửi tiền với lãi suất tương tự.

Một số khác thì vay nợ lẫn nhau thông qua các thoả thuận tài chính ngắn hạn có thể được coi là các khoản vay mới để gia tăng khối lượng cho vay, các giám đốc thông tin thêm với Bloomberg.

Hiện chưa rõ xu hướng hoạt động này đã trở nên phổ biến hơn hay chưa. Uỷ ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) chưa trả lời yêu cầu bình luận của Bloomberg.

(Ảnh minh hoạ: Xinhua).

Các động thái nêu trên cho thấy sự dè dặt trong cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc. Họ không muốn đi vay trong một môi trường kinh tế khó đoán định. Một số cơ quan dự báo cho rằng nền kinh tế tỷ dân năm nay sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 3% và tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ sẽ leo lên mức kỷ lục 20%.

Việc PBoC cắt giảm lãi suất chính sách và khuyến khích ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay đối với các nhà phát triển địa ốc, chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhỏ đến nay đã không thể ngăn chặn đà suy giảm của tăng trưởng cho vay.

Tháng trước, hoạt động tín dụng tại Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng nhỏ nhất trong ít nhất 5 năm, trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007.

Tại tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc, một nhà cung cấp thiết bị điện tử cho các công ty lớn như Schneider Electric là một ví dụ cho thấy vấn đề mà các ngân hàng đang gặp phải.

Công ty này đã nhận được lời mời vay vốn từ hàng chục ngân hàng với lãi suất thấp kỷ lục nhưng họ không có kế hoạch hoặc nhu cầu vay vốn do triển vọng kinh doanh không mấy khả quan.

CEO của công ty chia sẻ: “Chúng tôi không cân nhắc vay vì tiền mặt của công ty đủ để trang trải các hoạt động chính và giúp chúng tôi tăng trưởng khiêm tốn. Đại dịch COVID bùng phát và thị trường địa ốc suy sụp đã tác động lên chúng tôi’.

 

Đầu tuần này, PBoC đã ra một tuyên bố. Trong đó, cơ quan này nói ngoài việc giúp đỡ nền kinh tế thực, các ngân hàng thương mại cũng nên tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các công ty nhỏ và siêu nhỏ, các dự án phát triển xanh, đổi mới khoa học và công nghệ cũng như một số lĩnh vực khác.

“Chúng ta phải củng cố nền tảng cho công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế với tinh thần khẩn trương, ta không có thời gian chờ đợi”, tuyên bố có đoạn. Theo Bloomberg, văn bản này được ban hành sau cuộc họp do Thống đốc PBoC Dịch Cương chủ trì.

Khi các dữ liệu như tăng trưởng tín dụng và doanh số bán lẻ cho thấy nền kinh tế tỷ dân đang chậm lại đáng kể, các nhà hoạch định chính sác đã công bố một loạt bước đi để củng cố tăng trưởng và hoạt động cho vay.

PBoC đã bắt ngờ cắt giảm lãi suất chính sách chủ chốt trong tháng này, trong khi giới chức Bắc Kinh đang lên kế hoạch cho các khoản vay đặc biệt trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 29,3 tỷ USD) dành cho các doanh nghiệp địa ốc.

Đương đầu với áp lực

Tuần này, lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, các ngân hàng thương mại tại Trung Quốc đã hạ một số lãi suất cho vay cơ bản để thu hút người đi vay.

Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng Trung Quốc đang đối mặt với một “bẫy thanh khoản” khi nhu cầu đi vay giảm mà cung tiền lại cho thấy các ngân hàng đang ngồi trên núi tiền mặt.

Cùng lúc, tiền gửi của các hộ gia đình trong nước đã tăng gần 13% trong nửa đầu năm, mức tăng lớn nhất từng được ghi nhận.

Ông Liao Zhiming, chuyên gia phân tích tại công ty môi giới chứng khoán China Merchant Securities, đánh giá: “Ngành ngân hàng đang phải chịu áp lực rất lớn khi nền kinh tế đi xuống và tăng trưởng lợi nhuận của ngành này có thể sẽ suy yếu”.

Ngoài áp lực phải đẩy mạnh hoạt động cho vay, các ngân hàng còn phải đương đầu với cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản. Nhiều chủ đầu tư đã rơi vào tình cảnh nguy ngập, và ngày càng có nhiều người mua nhà từ chối thanh toán nợ vay thế chấp.

Tóm lại, các ngân hàng thương mại phải cố gắng cân bằng để đáp ứng kỳ vọng của Bắc Kinh: vừa đóng vai trò tích cực hơn trong công cuộc bảo vệ tăng trưởng kinh tế vừa phải hạn chế các khoản nợ xấu.

 

S&P Global Ratings ước tính, trong kịch bản tồi tệ nhất, cuộc tẩy chay nợ vay thế chấp có thể khiến các ngân hàng thiệt hại 350 tỷ USD. Hồi tháng 6, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực địa ốc đã giảm lần đầu tiên trong thập kỷ qua. Trong nửa đầu năm, nợ xấu tăng gần 107 tỷ nhân dân tệ lên 2.950 tỷ nhân dân tệ.

Ngân hàng là đối tượng tiếp xúc nhiều nhất với lĩnh vực bất động sản và các khoản cho vay thế chấp tại một số ngân hàng chiếm hơn 30% tổng các khoản cho vay.

Theo dữ liệu của PBoC, đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay thế chấp của Trung Quốc đạt khoảng 39.000 tỷ nhân dân tệ và các khoản vay dành cho các công ty địa ốc là khoảng 12.000 tỷ nhân dân tệ.

Do có liên hệ mật thiết với lĩnh vực bất động sản đang lao dốc, các ngân hàng cũng ngần ngại chấp nhận thêm rủi ro khi cho các doanh nghiệp nhỏ vay vốn. Điều kiện kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này đã thu hẹp tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7 vừa qua, theo một khảo sát của Trường Kinh doanh Cheung Kong.

Phần lớn các cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ ở Trung Quốc không thể vay vốn ngân hàng vì họ không có tài sản thế chấp hoặc hồ sơ tín dụng hợp lệ. Các công ty tín dụng trực tuyến với lãi suất cho vay cao ngất là lựa chọn duy nhất của họ.

Một nhà sản xuất linh kiện xe điện nhỏ ở tỉnh An Huy (miền đông Trung Quốc) cho biết công ty chỉ được cấp 60% khoản vay ngân hàng mà họ đã đăng ký. Nguyên nhân là vì các khách hàng của công ty thường thanh toán trễ, gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của họ trong mắt các ngân hàng.

Ông Liu Peiqian, kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc tại NatWest Group, cho biết việc cắt giảm lãi suất chính sách của PBoC “không thể đảo ngược đà đi xuống của tăng trưởng tín dụng”.

“Sự chững lại của lĩnh vực bất động sản và các chính sách COVID vẫn là lực cản chính đối với nhu cầu tín dụng, bởi tâm lý doanh nghiệp và các hộ gia đình đều đang rất mong manh”, ông nhấn mạnh.

Yên Khê