Một cuộc chiến thương mại đang diễn ra trong lòng Trung Quốc
Chuyện từ những chiếc taxi
Các phóng viên của tờ The Economist đã thu thập được rất nhiều thông tin thú vị từ các tài xế taxi và bản thân những chiếc xe. Hầu hết taxi ở Bắc Kinh là Hyundai Elantras. Tại Thượng Hải, xe taxi thường là Volkswagen Touran hoặc Passat. Còn ở Vũ Hán, tài xế thường lái Citroën Elysées.
Dù ở địa phương nào, cách giải thích của các bác tài cũng thường giống nhau: những thương hiệu ngoại này liên doanh với các nhà sản xuất xe thuộc sở hữu của chính quyền địa phương. Chính quyền thành phố cổ vũ cho những thương hiệu đó dù cho các nhà sản xuất xe khác và khách hàng có thể phải chịu thiệt.
Trên đây là một trong những ví dụ nổi bật của tình trạng “bảo hộ địa phương” tại Trung Quốc. Nhiều tỉnh thành đang cố gắng bảo vệ doanh nghiệp địa phương khỏi sự cạnh tranh từ các đối thủ bên ngoài.
Những biện pháp này đang chia thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc thành nhiều mảnh nhỏ hơn. Ông Jörg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc nhận xét: “Trung Quốc giống với EU trên nhiều phương diện. Chúng tôi có 27 thành viên, còn họ có 31”.
EU đã cố gắng thống nhất các thị trường trong suốt ba thập kỷ qua, và thường xuyên phải đương đầu với sự ganh đua và bực tức của các quốc gia thành viên. Trung Quốc cũng phải chiến đấu với xu thế bảo hộ địa phương trong khoảng thời gian dài tương tự.
Tác giả Andrew Wedeman thuật lại trong cuốn sách “From Mao to Market” (tạm dịch: Từ Mao Trạch Đông đến thị trường) rằng báo chí những năm 1991 đầy những câu chuyện về việc các “lãnh chúa kinh tế” phân chia Trung Quốc thành các “lãnh địa” và bảo vệ chúng đằng sau những “thành lũy tre”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Kinh tế Trung Quốc bị bủa vây trong rắc rối và chưa tìm được lối thoát 22/08/2022 - 11:13
Một số thành lũy vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Chủ tịch Wuttke cho biết các hình thức của xu hướng bảo hộ địa phương rất “đa dạng”.
Ví dụ, chính quyền có thể phát hành hồ sơ mời thầu với các yêu cầu tùy chỉnh mà chỉ doanh nghiệp địa phương có thể đáp ứng. Giới chức cũng có thể thực thi các quy định về an toàn hoặc cạnh tranh không lành mạnh nghiêm ngặt với các công ty bên ngoài.
Trong quá khứ, một số chính quyền thậm chí còn cho xe được sản xuất tại địa phương được ưu tiên khi đi vào các làn đường cao tốc, theo nghiên cứu của các học giả tại Đại học Cornell.
Một số rào cản mới hơn được ghi nhận bởi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) vào tháng 5. Ví dụ, tỉnh Cát Lâm yêu cầu các công ty phân bón phải tốn công mang sản phẩm đến một viện địa phương để kiểm tra.
Thành phố Mã An Sơn bắt các công ty tư nhân phải có được 7 con dấu từ các phòng ban của địa phương thì mới được phép đầu thầu quyền khai thác đá dolomit. (Hầu như các công ty xin phép rồi sẽ không được cấp dấu vì các cán bộ “không hiểu rõ thực trạng của doanh nghiệp”, tờ Economist cho hay).
Thành phố Thái Nguyên yêu cầu xe tải chỉ rõ tuyến đường khi xin giấy phép, khiến những người lái xe từ nơi khác gặp bất lợi.
Theo NDRC, các trường hợp sai phạm trên đều đã được sửa chữa. Nhưng Ủy ban hy vọng rằng việc công bố chúng sẽ giúp ngăn chặn hành động can thiệp của chính quyền địa phương ở những nơi khác.
Chuẩn bị cho hồi kết
Muốn biết các ranh giới mà xu hướng bảo hộ địa phương đã vạch ra tại thị trường tỷ dân trông ra sao, chúng ta có thể nhìn vào thực tế khi các ranh giới đó được gỡ bỏ.
Đôi khi các đơn vị hành chính ở Trung Quốc (với dân số trung bình khoảng 500.000 người) được sáp nhập vào các đơn vị lớn hơn (có hàng triệu cư dân), biên giới hành chính giữa họ sẽ được xoá bỏ.
Khi điều này xảy ra, đơn vị được sáp nhập thường sẽ trở nên thịnh vượng. Giáo sư Yi Han tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cùng các đồng tác giả cho biết GDP bình quân đầu người của những đơn vị này cao hơn 12,6% so với những khu vực xin được sáp nhập nhưng bị từ chối.
Các khu vực nhỏ hưởng lợi khi tham gia thị trường lớn hơn, giống như những quốc gia châu Âu nhỏ gặt hái lợi ích khi gia nhập thị trường chung của EU.
Nỗ lực nhằm dỡ bỏ các “thành lũy tre” đã được củng cố trong những năm gần đây. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, chiến tranh thương mại và đại dịch, giới lãnh đạo Trung Quốc kết luận rằng nền kinh tế không thể tiếp tục phụ thuộc vào thị trường ngoại nữa.
Họ đang cố gắng xoay chuyển nền kinh tế khỏi mô hình tăng trưởng da jin da chu - “vào lớn, ra lớn” - tức là nhập khẩu lượng lớn hàng hóa và linh kiện rồi xuất khẩu lượng lớn thành phẩm. Sự chú ý của giới lãnh đạo đã chuyển từ các thị trường khó đoán ở nước ngoài sang thị trường ngay trước mặt.
Vào tháng 4, ủy ban trung ương của Đảng Cộng sản và Hội đồng Nhà nước của chính phủ Trung Quốc đã cùng kêu gọi xây dựng “thị trường quốc gia thống nhất”. Các nhà lãnh đạo phê phán “sự phân mảnh thị trường”, “các công trình cấp thấp lặp đi lặp lại” và “sự cạnh tranh khốc liệt trong xúc tiến đầu tư”.
Thật không may, thời điểm giới lãnh đạo hô hào dỡ bỏ các "thành lũy tre" lại diễn ra đúng lúc các hàng rào sắt xuất hiện tại những khu vực bùng dịch tại Thượng Hải. Nhưng dẫu sao thì chủ trương này cũng được hoan nghênh.
Chủ tịch Wuttke của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc nhận xét: “Trung Quốc nhận ra phép màu xuất khẩu sẽ kết thúc. Họ đang tìm kiếm các cách khác để giúp nền kinh tế phát triển. Dỡ bỏ các bức tường bảo hộ không phải ý kiến tồi”.