|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sông ngòi khô cằn, kinh tế Trung Quốc đã mong manh lại càng thêm dễ vỡ

13:58 | 24/08/2022
Chia sẻ
Rất nhiều địa phương tại Trung Quốc đang phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất để tiết kiệm năng lượng, tránh làm quá tải lưới điện. Giới chuyên gia dự đoán, có thể Trung Quốc sẽ lại dựa vào một loại nhiên liệu hoá thạch gây ô nhiễm môi trường để vượt qua khủng hoảng.

Mùa hè ác mộng

Hầu như mỗi ngày trong 10 năm qua, ông cụ 62 tuổi đã về hưu tên Wan Jinjun đều bơi trên sông Dương Tử, đoạn chạy qua thành phố Vũ Hán. Ông cho biết chưa bao giờ mình thấy hạn hán như thế này trước kia.

Dương Tử là con sông dài nhất châu Á. Nó cấp nước tưới tiêu cho các trang trại cung ứng phần lớn thực phẩm cho người dân Trung Quốc.

Đồng thời, Dương Tử cũng cấp nước cho các trạm thuỷ điện lớn, bao gồm Thuỷ điện Tam Hiệp - nhà máy thuỷ điện lớn nhất thế giới.

Một mùa hè khắc nghiệt đã gây thiệt hại nặng nề cho con sông. Một năm trước, nước dâng cao gần tới bờ sông, nơi ông Wan thường bơi.

Hiện tại, mực nước đang ở mức thấp nhất vào thời điểm này trong năm kể từ khi chính quyền địa phương bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1865. Nước rút để lộ ra những vũng cát, đá và bùn nâu rỉ ra mùi tanh của cá thối rữa.

“Mực nước vẫn tiếp tục xuống thấp”, ông Wan kể. Tuần trước, Wan phải đi xuống gần 100 bậc thang để giải nhiệt vào một ngày oi bức tới 40 độ C. Thông thường, những bậc thang sẽ ẩn dưới dòng nước của sông Dương Tử.

Bờ sông Hàn gần hợp lưu với sông Dương Tử lộ thiên do mực nước xuống thấp kỷ lục. (Ảnh: Bloomberg).

Nước rút trên con sông đã làm ảnh hưởng đến việc phát điện tại nhiều nhà máy thuỷ điện quan trọng, gây ra tình trạng thiếu hụt điện năng tại không ít địa phương. Các thành phố lớn như Thượng Hải phải tắt đèn, thang cuốn và giảm bớt điều hoà nhiệt độ.

Tesla cảnh báo về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng tại nhà máy của hãng xe điện này tại Thượng Hải. Các công ty quốc tế khác như Toyota Motor và Contemporary Amperex (nhà sản xuất pin xe điện hàng đầu thế giới) phải tạm đóng cửa nhà máy.

Cuộc khủng hoảng điện năng năm nay ít nghiêm trọng hơn nhiều so với năm ngoái - khi cú sốc thiếu than dẫn đến vấn nạn cắt điện trên toàn quốc.

Tuy nhiên, nó vẫn làm tăng thêm những thách thức mà giới chức trách Trung Quốc phải đối mặt khi phục hồi nền kinh tế bị vùi dập bởi các đợt phong toả COVID và sự sa sút của ngành bất động sản.

Thời điểm xảy ra khủng hoảng năng lượng cũng không thể khó xử hơn, khi chỉ còn vài tháng trước khi ông Tập Cận Bình tìm kiếm nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba.

Đồng thời, đây còn là một phút bối rối cho các quan chức hàng đầu chính phủ, bao gồm Chủ tịch Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường - những người từng cam kết sẽ không để sự việc lặp lại.

Trung tâm thương mại tại thành phố Vũ Hán tắt thang cuốn, khách mua sắm phải đi bộ. (Ảnh: Bloomberg).

Tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc đang phải trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ những năm 1960. Cho đến nay, đây là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tỉnh này phụ thuộc nhiều vào thuỷ điện.

Trong khi công suất thuỷ điện ở Tứ Xuyên đã giảm khoảng một nửa, đợt nắng nóng gần đây lại khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng lên khoảng một phần tư. Điều đó đã tạo thêm áp lực lên lưới điện.

Theo Bloomberg, lưới điện của Tứ Xuyên đang phục vụ dân số có quy mô tương đương nước Đức, đồng thời cung cấp điện năng cho các trung tâm công nghiệp lớn - nơi đặt nhà máy của nhiều nhà cung ứng của Tesla.

Quay về với điện than?

Thuỷ điện là nguồn năng lượng sạch lớn nhất của Trung Quốc, chiếm khoảng 18% sản lượng điện của nước này vào năm 2020, theo BloombergNEF. Trung Quốc cũng có hệ thống pin mặt trời và tuabin gió lớn nhất thế giới.

Nhìn chung, chính phủ Trung Quốc đang đầu tư mạnh tay vào năng lượng tái tạo để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch. Trong nửa đầu năm nay, các công ty Trung Quốc đã rót 98 tỷ USD vào năng lượng sạch, hơn hai lần cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Wei Hanyang - một nhà phân tích của BloombergNEF, tình trạng thiếu điện ở Tứ Xuyên cho thấy thuỷ điện - thường được xem là nguồn năng lượng tái tạo ổn định nhất, vẫn chưa đủ tin cậy bằng than đá.

Điều đó đặt ra câu hỏi là, Trung Quốc có thể chuyển đổi sang năng lượng sạch như thế nào, khi năng lượng gió và mặt trời thậm chí còn kém ổn định hơn cả thuỷ điện, ông Wei nhấn mạnh.

Sau cuộc khủng hoảng năm ngoái, Trung Quốc đã lên kế hoạch tăng công suất điện than hơn nữa. Dưới áp lực nặng nề của chính quyền trung ương, các mỏ than đã nâng sản lượng thêm 11% trong năm nay.

Các nhà máy điện than tại tỉnh Thiểm Tây. (Ảnh: Alamy).

Theo nhà phân tích Li Shuo của nền tảng Greenpeace, tình hình ở Tứ Xuyên hiện giờ gợi nhớ đến đợt mất điện ở tỉnh Hồ Nam cuối năm 2020, khi thời tiết lạnh giá làm giảm công suất điện gió và kéo nhu cầu tiêu thụ điện để sưởi ấm lên cao.

Trong báo cáo được công bố hồi tháng trước, Greenpeace cho biết, chính phủ Trung Quốc khi đó đã phản ứng bằng cách phê duyệt một loạt nhà máy điện than tại Hồ Nam.

“Tôi hy vọng giải pháp mà Trung Quốc rút ra từ cuộc khủng hoảng lần này không phải là xây dựng nhiều nhà máy điện than hơn. Dù vậy, tôi lo sợ rằng đây có thể là điều họ đang hướng tới”, ông Li bày tỏ.

Các kho dự trữ than đầy ắp đã giúp cuộc khủng hoảng không lan sang những khu vực khác của Trung Quốc, nhưng chẳng giúp ích được gì nhiều cho Tứ Xuyên - nơi thuỷ điện chiếm hơn 75% công suất phát điện.

Một số địa phương bên ngoài tỉnh Tứ Xuyên cũng cảm nhận được tác động. Bờ sông bến Thượng Hải đã tắt điện ngoài trời và Vũ Hán ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc đã tạm dừng màn trình diễn ánh sáng nổi tiếng trên sông Dương Tử.

Cuộc khủng hoảng lần này được dự đoán sẽ ít đau đớn hơn năm ngoái vì các biện pháp kiểm soát điện năng nghiêm ngặt nhất chủ yếu được giới hạn ở Tứ Xuyên - tỉnh chỉ chiếm khoảng 5% GDP của cả nước.

Song, nó có thể gây rủi ro cho nền kinh tế trị giá 18.000 tỷ USD của Trung Quốc. Giới chuyên gia đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của nước này xuống chưa tới 4%, thấp hơn hẳn mục tiêu 5,5% của chính phủ.

 

Trung Quốc không đơn độc

Trung Quốc không phải là nước duy nhất phải đối phó với nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán trong mùa hè năm nay.

Hạn hán ở Ấn Độ khiến diện tích trồng lúa giảm 13% trong năm 2022, đe doạ nguồn cung lương thực toàn cầu, tờ Bloomberg liệt kê thêm.

Tại châu Âu, nhiệt độ cao đã góp phần làm sông Rhine khô cằn, mực nước tại một điểm tắc nghẽn chính thậm chí xuống thấp tới 30 cm, gây ảnh hưởng đến vận tải đường thuỷ trên con sông.

Nhà khoa học khí hậu Andrea Toreti tại Trung tâm Nghiên cứu chung của Uỷ ban châu Âu (EU) đánh giá đây là đợt hạn tồi tệ nhất trong 500 năm qua.

Thời tiết nắng nóng bất thường và hạn hán cũng buộc Pháp phải giảm sản lượng tại nhiều nhà máy điện hạt nhân vì nước sông để làm nguội các lò phản ứng đang quá ấm.

Đức - nước châu Âu tiêu thụ nhiều khí đốt của Nga nhất, dự kiến sẽ đốt nhiều than đá hơn để sản xuất điện, nhưng nước sông Rhine quá thấp khiến tàu thuyền khó vận chuyển mặt hàng này.

Một con sông khô cằn ở châu Âu vô tình làm lộ ra những chiếc xe đạp từng bị vứt xuống sông. (Ảnh: Reuters).

Tương tự, một nghiên cứu của Đại học California cho thấy, tại miền tây nước Mỹ, trận hạn hán bắt đầu cách đây hai thập kỷ có vẻ là đợt hạn nghiêm trọng nhất trong 1.200 năm.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tạo ra những mô hình thời tiết ngày càng bất ổn, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới có thể sẽ phải đối mặt với các đợt nắng nóng và hạn hán thường xuyên, dai dẳng hơn trong những năm tới.

Yên Khê

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.