|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc thiếu nước ngọt từ nhiều năm trước đợt hạn hán 2022, làm các nước hàng xóm cũng đứng ngồi không yên

16:23 | 23/08/2022
Chia sẻ
Việc thiếu nước ngọt có thể buộc Trung Quốc phải xây đập hay chuyển hướng dòng chảy các con sông lớn, ảnh hưởng tới không chỉ sự ổn định trong nước mà còn cả khu vực Đông Nam Á và Nam Á.

Theo Bloomberg, nhà sử học Geoffrey Parker đã từng lập luận rằng thời tiết thay đổi đã thúc đẩy chiến tranh, cách mạng và biến động vào thế kỷ 17.

Tài nguyên thiên nhiên luôn là nhân tố quan trọng đối với kinh tế và sức mạnh của các quốc gia. Vào thế kỷ 19, Anh đã dẫn đầu châu Âu trong Cuộc cách mạng công nghiệp bởi lượng than dồi dào và dễ khai thác.

Sự phát triển của Trung Quốc trong quá khứ và hiện tại cũng dựa một phần lớn vào địa lý và tài nguyên thiên nhiên. Trong giai đoạn từ 1970 đến 2000, Trung Quốc có đủ đất, nước, nguyên liệu thô và nhân công giá rẻ để trở thành công xưởng của thế giới.

Tuy nhiên, sự giàu có về tài nguyên của Trung Quốc đã là dĩ vãng.

Tài nguyên bốc hơi

Một thập kỷ trước, Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp lớn nhất thế giới. Diện tích đất nông nghiệp của quốc gia này đang ngày càng thu hẹp do sử dụng quá mức. Sự phát triển đột phá cũng biến Bắc Kinh trở thành nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.

Tình hình tài nguyên nước ngọt của Trung Quốc đặc biệt tồi tệ. Trung Quốc chiếm 20% dân số thế giới nhưng chỉ có 6% lượng nước ngọt. Phía bắc Trung Quốc chịu cảnh khan hiếm nước còn nghiêm trọng hơn so với vùng Trung Đông khô cằn.

Trên thực tế, khu vực phía bắc đông dân, hiếm nước của Trung Quốc có lượng nước trung bình dưới 500m3/ người.

Thống kê năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng tổng tài nguyên nước tái tạo cho mỗi người dân Trung Quốc chỉ là 2.005 m3/năm, ít hơn 75% so với trung bình toàn cầu.

Hàng nghìn con sông đã biến mất, trong khi quá trình công nghiệp hóa và ô nhiễm đã làm hỏng phần lớn lượng nước còn lại. Theo một số ước tính, 80% đến 90% nước ngầm và một nửa nước sông của Trung Quốc là quá bẩn để uống. 

Chỉ có loại nước Bậc 1-3 là có thể được sử dụng bởi con người. Bậc 4 chỉ sử dụng trong công nghiệp, Bậc 5 chỉ sử dụng cho nông nghiệp.

Tình trạng thiếu hụt nước và nông nghiệp không bền vững đang gây ra sa mạc hóa nhiều diện tích đất đai. Khủng hoảng năng lượng liên quan đến nước đã trở nên phổ biến trên toàn quốc.

Năm 2005, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố rằng tình trạng khan hiếm nước đe dọa “sự tồn vong của Trung Quốc”. Một Bộ trưởng Tài nguyên nước tuyên bố rằng Trung Quốc phải “chiến đấu cho từng giọt nước hoặc chết”.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng 

Theo Earth.org, Biến đổi khí hậu là tác nhân quan trọng trong cuộc khủng hoảng nguồn nước ở Trung Quốc. Trong hàng nghìn năm, các nền văn minh dọc theo sông Dương Tử và Hoàng Hà được nuôi dưỡng bằng nước băng từ cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, còn được gọi là “Cực thứ Ba” của Trái Đất.

Tuy nhiên, do sự nóng lên toàn cầu, nhiệt độ khu vực này đã tăng lên 3,5 độ C trong nửa thế kỷ qua, làm khối băng trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng không còn có thể cung cấp nhiều nước như trước kia.

Một nghiên cứu của Greenpeace vào năm 2018 tiết lộ rằng 82% sông băng của Trung Quốc đã rút đi và hơn 1/5 lớp băng đã biến mất kể từ những năm 1950.

Kết quả là, chỉ riêng dòng chảy vào sông Dương Tử đã mất đi 13,9% kể từ những năm 1990, dẫn đến sụt giảm lượng nước ngọt sẵn có. Greenpeace dự đoán tình hình thiếu hụt sẽ trở nên trầm trọng sớm nhất vào năm 2030, khi tốc độ tiêu thụ nước vượt quá nguồn cung,

Trong khi đó, nhiệt độ tăng cũng đã làm thay đổi hoàn lưu khí quyển. Các đợt gió mùa hè ẩm ướt ngày càng khó tiếp cận các khu vực phía bắc và nội địa, dẫn đến lượng mưa không ổn định.

Miền bắc Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải) là những đầu tàu kinh tế quan trọng, tuy nhiên lại đang đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Vài năm gần đây, Bắc Kinh phải chịu những đợt khô hạn bất thường. Vào tháng 10/2017 đến tháng 2/2018, thủ đô Trung Quốc không hề nhận được một giọt mưa hay tuyết. Hạn hán kéo dài 116 ngày, dài chưa từng thấy trong lịch sử đất nước.

Sự phân bố tài nguyên không đồng đều của Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm vấn đề khan hiếm: 80% lượng nước tập trung ở miền nam, nhưng miền bắc lại là trụ cột kinh tế.

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng nước ngọt đã buộc Trung Quốc phải phát triển các chương trình cấp nước khác nhau, trong đó quy mô nhất là Dự án Vận chuyển nước Nam-Bắc (SNWTP).

Theo New York Times, dự án này được nghiên cứu lần đầu vào những năm 1950, sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố: “Nước ngọt ở phía nam rất dồi dào, còn phía bắc thì khan hiếm. Nếu có thể, mượn một chút cũng không sao”.

Dự án SNWTP dự kiến sẽ kết nối nhiều con sông lớn để cấp nước cho miền bắc Trung Quốc.

Mặc dù ý tưởng được hình thành từ 70 năm trước, phải mãi đến năm 2003, dự án mới được khởi công do yêu cầu kỹ thuật và chi phí tốn kém. Dự án SNWTP dự kiến sẽ tiêu tốn 62 tỷ USD khi hoàn thành vào năm 2050, gần gấp đôi Đập Tam Hiệp.

SNWTP giải quyết vấn đề thiếu nước ở miền bắc Trung Quốc bằng cách chuyển nước từ sông Dương Tử ở miền nam qua 1 con kênh dài 500 km.

Tuy nhiên, đợt hạn hán năm nay đã làm bộc lộ điểm yếu của dự án. Trong trường hợp toàn bộ Trung Quốc cùng gặp khô hạn, việc đưa nước lên những vùng kinh tế quan trọng ở phía bắc đồng nghĩa đẩy miền nam vào tình cảnh hạn hán trầm trọng hơn.

Hàng xóm đứng ngồi không yên

Dự án khổng lồ trải dài khắp Trung Quốc không chỉ phá hoại cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên mà còn gây ra sự bất ổn.

Tranh chấp nguồn nước cấp tỉnh của Trung Quốc đã gây ra sự cố 'chặn đập' năm 2001. Các ngành công nghiệp ở thượng nguồn tỉnh Giang Tô đã làm suy giảm nguồn nước chung của tỉnh Chiết Giang kể từ những năm 1990.

Không chỉ Trung Quốc mà các quốc gia khác cũng đang chặn dòng chảy của sông Mê Kông.

Các nước láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc đang lo cho nguồn tài nguyên nước của mình. Lãnh thổ Trung Quốc là đầu nguồn của nhiều con sông quan trọng trong khu vực. 

Ví dụ, sông Mekong bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng và chảy qua miền tây Trung Quốc trước khi đến Lào, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar. Brahmaputra chảy qua ranh giới của Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ.  

Do vậy, những thay đổi của Trung Quốc ở thượng nguồn có thể tác động đáng kể đến nguồn nước của các quốc gia hạ nguồn.

Các nước láng giềng lo sợ Bắc Kinh sẽ kiểm soát nguồn nước bởi Trung Quốc thường không muốn ký kết các thỏa thuận quốc tế về quả lý nước xuyên biên giới. SNWTP cũng ảnh hưởng tới sông Mê Kông, sông Nu và Brahmaputra, nhưng Bắc Kinh không hề tham khảo ý kiến từ các quốc gia có liên quan.

Minh Quang