|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế toàn cầu có thể mất 2.600 tỷ USD nếu phương Tây trừng phạt Trung Quốc

21:16 | 23/08/2022
Chia sẻ
Trong trường hợp phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc tương tự như đã làm với Nga, nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại hàng nghìn tỷ USD. Bắc Kinh đã có những biện pháp nhằm chuẩn bị nền kinh tế trước nguy cơ này.

Theo Nikkei Asia, vào tháng 4, một báo cáo về tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đến Trung Quốc đã gây ra một làn sóng chấn động trong Quốc vụ viện (Chính phủ Trung Quốc).

Báo cáo do Bộ Công an và Bộ An ninh Quốc gia chuẩn bị đã phân tích điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản phản ứng với tình trạng khẩn cấp trên đảo Đài Loan bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc, như đã từng làm với Nga.

Báo cáo viết: “Nếu Mỹ và đồng minh áp dụng các biện pháp trừng phạt, đất nước chúng ta sẽ trở lại nền kinh tế kế hoạch đóng cửa với thế giới”.

Mặc dù là cường quốc nông nghiệp, Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào các nông sản nhập khẩu, chẳng hạn như đậu tương. Nếu nguồn nhập khẩu bị cắt đứt, Trung Quốc có thể đổi mặt với khủng hoảng lương thực.

Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào đậu tương nhập khẩu từ Mỹ và Brazil.

Thiệt hại khổng lồ cho cả hai bên

Vào giữa tháng 6, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Robert Menendez - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã đề xuất một dự luật lưỡng đảng để trừng phạt Trung Quốc trong trường hợp khẩn cấp trên đến đảo Đảo Loan.

Dự luật gồm các biện pháp như loại trừ Trung Quốc khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, dự luật này sẽ khó mà được thông qua bởi Mỹ có quá nhiều thứ để mất nếu trừng phạt Trung Quốc.

Sử dụng cơ sở dữ liệu về Thương mại Giá trị Gia tăng (TiVA) của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), Nikkei Asia đã ước tính mức thiệt hại kinh tế trong trường hợp thương mại giữa Trung Quốc và các nước lớn bị đình trệ.

Theo ước tính, 2.610 tỷ USD, tương đương 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới sẽ biến mất. 

Các nước phương Tây, đặc biệt là châu Âu, đã phải khốn đốn vì các lệnh trừng phạt chống lại Nga, với lạm phát nhiều quốc gia vượt hai con số. Thế nhưng, quy mô kinh tế Nga mới chỉ bằng 1/10 Trung Quốc, và Bắc Kinh tự hào là quốc gia có tổng giá trị thương mại hàng đầu thế giới.

Dựa trên phân tích sử dụng dữ liệu năm 2018, nếu xuất khẩu của Trung Quốc sang Nhật Bản, Mỹ và châu Âu trở nên bất khả thi, 1.600 tỷ USD (tương đương 7,6% GDP danh nghĩa) của Trung Quốc sẽ bốc hơi.

Trung Quốc nhập siêu từ Nhật Bản và EU những lại xuất siêu rất lớn tới Mỹ.

Nhật Bản sẽ chịu thiệt hại về tỷ lệ GDP lớn hơn Mỹ và châu Âu. Nếu xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc bị dừng lại, quy mô kinh tế của nước này sẽ giảm 190 tỷ USD, tương đương 3,7% GDP. Châu Âu sẽ mất 2,1% GDP, trong khi Mỹ chỉ mất 1,3%.

Nếu thương mại giữa Nhật Bản, Mỹ và châu Âu với Trung Quốc đều bị gián đoạn, khoảng 1.910 tỷ USD giá trị gia tăng sẽ biến mất, tương đương 2,2% GDP thế giới. 

Trong kịch bản tồi tệ hơn, nếu Trung Quốc đối đầu với cả 38 quốc gia thành viên OECD, tác động sẽ làm biến mất 2.610 tỷ USD giá trị gia tăng. Trong đó bao gồm: 1.340 tỷ USD giá trị gia tăng mà Trung Quốc thu được từ xuất khẩu sang các quốc gia thành viên OECD và 1.270 tỷ USD theo chiều ngược lại.

Thương mại toàn cầu đã sụt giảm 8% do ảnh hưởng của dịch COVID. Sự suy giảm thương mại toàn cầu do COVID tính theo tỷ GDP là 2%. Một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ gây ra một cuộc suy thoái còn tồi tệ hơn.

Nikkei Asia kết luận rằng tất cả quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân đều có liên quan tới Trung Quốc theo cách này hay cách khác.

Bài học từ cuộc khủng hoảng Ukraine

Một số doanh nghiệp đã bắt đầu chuẩn bị cho kịch bản có thể xảy ra, trong đó việc nhập khẩu từ Trung Quốc bị đóng băng và việc tàu bè không thể qua eo biển Đài Loan.

Trung Quốc cũng đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD sau khi có được bài học từ sự trừng phạt của phương Tây đối với Nga sau xung đột Ukraine.

Giám đốc điều hành của một hãng ô tô Nhật Bản cho biết: "Chúng ta cần giả định cả tình huống không thể bán sản phẩm ở Trung Quốc. Chúng ta phải phát triển các thị trường châu Á khác ngoài Trung Quốc".

Một triển lãm ô tô tại Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images).

Tỷ lệ doanh số bán hàng tại thị trường Trung Quốc ngày càng tăng, nhà sản xuất ô tô này đã yêu cầu nhân viên chuẩn bị cho các rủi ro địa chính trị khác nhau.

Xung đột Ukraine có nguy cơ làm rạn nứt nền kinh tế toàn cầu vốn từng gắn bó chặt chẽ với nhau. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính xuất khẩu từ Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), dẫn đầu là Nga, sẽ giảm 12% trong năm 2022.

Mỹ cũng đã cắt giảm 80% xuất khẩu sang Nga vào tháng 3 và cấm bán những mặt hàng công nghệ cao. Moscow mặc dù kiếm bộn tiền từ năng lượng nhưng đang gặp khó khăn trong thu mua linh kiện điện tử và hàng hóa từ nước ngoài.

Các ước tính thường chỉ xét đến việc ngừng dòng chảy thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế, đầu tư giữa Trung Quốc và các quốc gia khác cũng sẽ bị tạm ngừng và hỗn loạn sẽ lan rộng trên thị trường tài chính.

Tác động của các biện pháp trừng phạt toàn diện sẽ gây ra gián đoạn logistics toàn cầu và các tác động gián tiếp khác. Bắc Kinh có những động thái như thể đang chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính do Washington dẫn đầu.

Thoát khỏi sức mạnh đồng bạc xanh

Một trong những động thái gần đây của Trung Quốc là tăng cường khả năng chống chịu trước sức mạnh của đồng bạc xanh. Đồng USD chiếm 40% thanh toán quốc tế cho các mục đích như thương mại và đầu tư. Giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào USD có tác dụng tăng cường an ninh quốc gia của đất nước tỷ dân.

Tỷ lệ sử dụng nhân dân tệ trong các khoản thanh toán quốc tế của Trung Quốc, bao gồm cả các giao dịch với Hong Kong, đã tăng lên khoảng 50% vào năm 2020. Nhân dân tệ được sử dụng làm đồng tiền thanh toán cho gần 20% hoạt động ngoại thương của Trung Quốc.

Nhân dân tệ ngày càng được Trung Quốc sử dụng rộng rãi.

Sử dụng sức mạnh đàm phán của mình với tư cách là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang thúc giục nhiều quốc gia chấp nhận thanh toán bằng nhân dân tệ.

Công ty khai thác mỏ khổng lồ Vale của Brazil đã đồng ý xuất khẩu bằng đồng nhân dân tệ, trong khi một số thông tin hồi tháng 3 cho biết Arab Saudi sẽ xem xét giao dịch dầu thô bằng đồng nhân dân tệ.

Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ mở rộng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ đối với các mặt hàng như lithium, kim loại được sử dụng để sản xuất pin cho máy tính, điện thoại và xe điện.

Nga cũng đã tăng cường xuất khẩu than và các mặt hàng khác bằng nhân dân tệ. Theo hãng tin Reuters, một công ty xi măng lớn của Ấn Độ cũng đã dùng nhân dân tệ để thanh toán tiền than cho một công ty Nga.

Ông Yosuke Tsuyuguchi, giáo sư tại Đại học Teikyo cho biết "các cơ quan liên quan ở Trung Quốc được cho là đã chấp thuận giao dịch bằng đồng nhân dân tệ giữa các nước thứ ba".

Ông nói thêm: “Động thái này có thể trở thành động lực chính cho quá trình quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ”.

Nhân dân tệ vẫn không dễ sử dụng bên ngoài Trung Quốc, do các giao dịch vốn bị hạn chế và tỷ giá hối đoái bị kiểm soát bởi chính phủ Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Tsuyuguchi nói, "có khả năng nhân dân tệ sẽ trở thành một loại tiền tệ thanh toán trong các giao dịch thương mại ở châu Á".

Minh Quang