Một biểu đồ cho thấy sự thống trị của USD đang hao mòn dần
Theo Bloomberg, vị trí tiền tệ thế giới của USD đã đi xuống trong suốt 20 năm qua. Các ngân hàng Trung ương đang tìm tới những tiền tệ phi truyền thống, bao gồm cả nhân dân tệ, nhằm đa dạng hóa tài sản.
Các nhà quản lý quỹ dự trữ đã thay thế USD theo hai hướng. 1/4 trong số này chuyển sang nhân dân tệ, 3/4 còn lại lựa chọn những loại tiền tệ của các quốc gia nhỏ, ít khi được sử dụng như tài sản dự trữ.
Nghiên cứu về vấn đề này được Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) xuất bản với dòng tiêu đề: “Sự xói mòn ngấm ngầm của USD: Đa dạng hóa và trỗi dậy của tiền tệ dự trữ phi truyền thống”. Nghiên cứu được đồng tác giả bởi Serkan Arslanalp của IMF, Barry Eichengreen của Đại học California Berkeley và Chima Simpson-Bell cũng thuộc IMF.
“Đặc điểm của hệ thống dự trữ quốc tế trong 20 năm qua là sự dịch chuyển dần ra khỏi USD, sự gia tăng dù chỉ ở mức khiêm tốn về dự trữ bằng nhân dân tệ, và những thay đổi về tính thanh khoản của thị trường, lợi nhuận tương đối và quản lý dự trữ”, các tác giả viết.
“Những quan sát này cung cấp những gợi ý về cách hệ thống quốc tế có thể phát triển trong tương lai.” Biểu đồ dưới đây cho thấy tỷ trọng của USD trong dự trữ ngoại tệ toàn cầu đã giảm đáng kể trong hơn hai thập kỷ gần đây.
Theo báo cáo của IMF, tỷ lệ dự trữ nhân dân tệ đang tăng lên, đồng thời có một sự thay đổi đáng chú ý đối với các loại tiền tệ khác bao gồm đồng AUD của Australia, CAD của Canada, SGD của Singapore, KRW của Hàn Quốc và SEK của Thụy Điển.
Báo cáo cho biết: “Sự thay đổi này xảy ra trên phạm vi rộng: chúng tôi xác định 46 ngân hàng đã chuyển đổi danh mục đầu tư bằng cách nắm giữ ít nhất 5% dự trữ bằng các loại tiền tệ phi truyền thống”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Tại sao Mỹ không phá giá USD mà chấp nhận thâm hụt thương mại triền miên, để hàng triệu việc làm sang Trung Quốc? 01/01/2022 - 15:29
Nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh các lệnh trừng phạt toàn cầu chống lại Nga đã gây ra cuộc tranh luận về sự thống trị của USD với tài chính, thương mại toàn cầu và liệu xung đột có đẩy nhanh việc sử dụng các đồng tiền của đối thủ, chẳng hạn như nhân dân tệ hay không.
Tuy nhiên, tiền tệ của Trung Quốc đã gặp khó khăn trong việc giành thị phần giao dịch toàn cầu khi Bắc Kinh thực thi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với dòng tiền vào và ra khỏi đất nước.
Dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu cho thấy nhân dân tệ vẫn được xếp hạng là đồng tiền được sử dụng rộng rãi thứ 5 trong các giao dịch toàn cầu - thứ hạng không thay đổi so với năm ngoái.