|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc sẽ là nạn nhân lớn nhất nếu mô hình kinh doanh của châu Á đổ vỡ

14:10 | 26/08/2022
Chia sẻ
Quá trình đảo ngược của xu hướng toàn cầu hoá, đặc biệt là tại khu vực châu Á, sẽ giáng những cú đánh đau đớn vào Trung Quốc - nền kinh tế được cho là hưởng lợi nhiều nhất trong giai đoạn trước đó.

 

(Hình minh họa: Shutterstock). 

Từ kẻ thắng thành người thua

Theo tờ Nikkei Asia, châm ngôn của giới đầu tư trong phần lớn thập kỷ qua là “Mỹ thiết lập thanh khoản, Trung Quốc quyết định tăng trưởng và các nước còn lại đối phó với hậu quả”. Nhưng chân lý này đã thay đổi. Châu Á từng là một trong những khu vực hưởng lợi lớn nhất từ toàn cầu hóa, nhưng nay có thể trở thành kẻ mất mát nhiều nhất.

Châu Á có hai nhóm vấn đề riêng biệt. Về ngắn hạn, châu Á đang phụ thuộc vào đồng USD để có thanh khoản và tạo đà cho thương mại. Đây là hậu quả tất yếu từ việc Mỹ hấp thụ lượng lớn thặng dư thương mại của châu Á.

Mô hình này từng hoạt động tốt sau khủng hoảng năm 2008, trong bối cảnh Mỹ duy trì lãi suất cực thấp và bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính toàn cầu. Chính sách tiền tệ của Mỹ đã thúc đẩy dòng vốn chảy vào châu Á.

Các nhà đầu tư mong muốn tìm tài sản sinh lời cao hơn đã vung tiền cho mọi thứ, từ trái phiếu trả lợi suất cao cho đến các tài sản tư nhân kém thanh khoản và bất động sản đầu cơ.

Song giờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất, thanh khoản bị hút ngược trở lại và dòng vốn chảy ra. Châu Á buộc phải chọn một trong hai lựa chọn.

Một là ngân hàng trung ương giữ lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế nội địa và chấp nhận sự thất thoát của dự trữ ngoại hối, hy vọng có thể cầm cự cho đến khi chu kỳ điều chỉnh lãi suất của Mỹ kết thúc.

Hai là các nhà hoạch định chính sách tăng lãi suất để cố gắng chặn dòng tiền chảy ra – đây là con đường nguy hiểm đối với các nền kinh tế yếu.

Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ tiền rẻ. Nước này đã trở nên ngày càng dựa dẫm vào các khoản nợ giá rẻ để tài trợ cho ngành xây dựng khổng lồ.

Cơn sốt bất động sản ở thị trường tỷ dân hút tài nguyên từ khắp nơi trên thế giới và tạo dựng hình ảnh cường quốc đang trên đà phát triển.

Nhưng trong thực tế, Trung Quốc có thể đang ở trong một bong bóng bất động sản khổng lồ được thổi phồng bằng nợ nần.

Khi đối mặt với loạt rắc rối trong thị trường địa ốc, Trung Quốc hiện nay cần chính sách tiền tệ ngược với Mỹ.

Nhưng Bắc Kinh cũng không thể để cho dòng vốn chảy ra, đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ duy trì các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt.

Đà giảm tốc của Trung Quốc thử thách châu Á đúng thời điểm thanh khoản gặp áp lực. Tốc độ tăng trưởng vượt trội của Trung Quốc trong thời gian qua đã kéo nhiều quốc gia vào quỹ đạo kinh tế của nước này.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc tìm cách tái cân bằng, nhu cầu dành cho hàng nhập khẩu nhiều khả năng sẽ giảm sút, tạo ra thách thức không nhỏ cho thương mại khu vực.

Trong dài hạn, châu Á có thể còn gặp rắc rối lớn hơn nếu xu hướng toàn cầu hóa đảo ngược. Sự mỏng manh của chuỗi cung ứng toàn cầu đã lộ rõ trong khủng hoảng COVID-19, và càng trở nên nổi bật bởi chiến sự giữa Nga và Ukraine.

Điểm yếu của các nước phương Tây đang lộ ra vì họ đã quá phụ thuộc vào nguồn cung của các nước có quan điểm chính trị khác biệt. Có vẻ như doanh nghiệp phương Tây sẽ đẩy nhanh tốc độ rời khỏi Trung Quốc.

Về mặt này, mất mát của Trung Quốc có thể không đem lại lợi ích cho các nước châu Á khác. Một số người đang kỳ vọng rằng việc chuyển sản xuất sang các quốc gia thân thiện hơn trong khu vực như Việt Nam hay Ấn Độ (hay quá trình "friendshoring) là một giải pháp.

Tuy nhiên, giả định trên có thể không đúng. Từ góc độ của người dùng đầu cuối ở phương Tây, chuyển hoạt động sang các nước châu Á khác cũng không giải quyết được sự mong manh của các chuỗi cung ứng lớn.

Ít sự lựa chọn 

Rắc rối lớn hơn nữa là thay đổi trong môi trường chính trị của phương Tây. Từ ông Donald Trump cho đến Brexit, có vẻ cử tri ngày càng ủng hộ các chính sách kinh tế kém cởi mở hơn. Đây là điều đáng chú ý bởi Mỹ và Anh là hai nước có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất.

Điều đó đồng nghĩa với việc hai nước này là thị trường tiêu dùng quan trọng bậc nhất của thế giới, cho phép những nước như Trung Quốc có thặng dư lớn.

Các rắc rối trên đã đủ tệ, nhưng vẫn còn một vấn đề nữa cần phải nhắc đến. Phong trào môi trường đang ngày càng lớn mạnh và đặt ra câu hỏi về việc sản xuất tại những khu vực không tuân thủ tiêu chuẩn môi trường của phương Tây.

Sự tiếp diễn của xu hướng này sẽ đem đến thách thức mới với châu Á và đặc biệt là Trung Quốc, bởi nước này có quy mô lớn và một trong những nguồn phát thải lớn nhất lại là các hoạt động liên quan tới xây dựng.

Trung Quốc cần tái cân bằng kinh tế trên quy mô lớn. Sự trỗi dậy của xu hướng phi toàn cầu hóa càng khiến lĩnh vực xuất khẩu khó có thể giúp ích cho quá trình tái cân bằng kinh tế này. 

Các lựa chọn khác có vẻ cũng không khả thi. Trung Quốc có lẽ muốn cấp tín dụng để những bộ phận năng suất và tiên tiến nhất thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ trọng của những lĩnh vực này trong nền kinh tế thấp hơn hẳn ngành xây dựng và có thể không thay thế được cho đóng góp của ngành bất động sản tới tăng trưởng.

Ý tưởng hướng nền kinh tế tới người tiêu dùng nội địa có thể sẽ đòi hỏi công cuộc tái cấu trúc ngành lớn hơn và đau đớn hơn nhiều những gì Bắc Kinh tưởng. Sức ì của nền kinh tế khổng lồ và các nhóm lợi ích đồng nghĩa với việc thay đổi sẽ cực kỳ khó khăn, khiến tăng trưởng có nguy cơ trì trệ trong thời gian dài.

Hơn thế nữa, hai cuộc khủng hoảng 1997-1998 và 2008 cho thấy các nhà kinh tế thường không đánh giá đủ ảnh hưởng của rắc rối tới hệ thống tài chính. Trung Quốc đã đương đầu với nhiều thách thức trong quá khứ, nhưng sự thay đổi trong lĩnh vực thương mại và tài chính hiện nay có thể sẽ diễn ra nhanh hơn hẳn dự kiến của nhiều người.

Nhà lãnh tụ cách mạng Vladimir Lenin từng nói: “Có những thập kỷ trôi qua mà chẳng có điều gì xảy ra. Lại có những tuần lễ mà như chuyện của hàng thập kỷ đã diễn ra”. Những tuần lễ trọng đại như vậy có thể đang đến gần.

Giang

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.