|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PGS. TS Phạm Thế Anh: Phấn đấu tăng trưởng cao khi thuế quan khốc liệt, cẩn trọng rủi ro bong bóng tài sản

12:20 | 10/04/2025
Chia sẻ
Theo PGS. TS Phạm Thế Anh, nếu quá dễ dãi với tín dụng, chính sách tiền tệ, giải ngân đầu tư công để bằng mọi giá đạt mục tiêu tăng trưởng thì sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế, nguy cơ lạm phát, mất giá tiền tệ, thâm hụt ngân sách và đặc biệt là bong bóng giá tài sản sẽ xuất hiện.

Sáng 10/4, đã diễn ra Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 " Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới " và Công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024 do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức.

 Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025. (Ảnh: Hạ An).

Tại Hội thảo, GS.TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân đã phác hoạ bức tranh bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực cũng như dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025.

Về thách thức từ thế giới, ông Thành cho biết, căng thẳng địa chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp; Chiến tranh và xung đột chính trị làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, gây ra ảnh hưởng đến nguồn cung, chi phí logistics, giá dầu và lương thực.

Bên cạnh đó, nguy cơ kinh tế thế giới suy giảm cùng cuộc chiến thuế quan và thương mại toàn cầu cũng như chính sách thuế quan của Mỹ và phản ứng của quốc gia hay nhóm quốc gia đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam.

Ở trong nước, mô hình tăng trưởng truyền thống, thiếu động lực mới, thiếu bền vững về môi trường; Khu vực tư nhân và doanh nghiệp còn đang đối mặt với nhiều khó khăn; Tính lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ và rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt.

Xuất khẩu, đầu tư FDI bị ảnh hưởng tiêu cực

Đối với các động lực tăng trưởng kinh tế, cả ba động lực chính gồm: Xuất khẩu - Đầu tư - Tiêu dùng đều đang kém tích cực. Trong đó, đầu tư tư nhân khó tăng mạnh do những khó khăn của khu vực doanh nghiệp; Xuất khẩu và FDI trong quý I tăng trưởng tốt, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nhưng mới đây lại phải đối diện sức ép lớn từ chính sách của Mỹ.

Hiện tăng trưởng chủ yếu được hậu thuẫn bởi các chính sách tiền tệ mở rộng, đầu tư công và tiêu dùng cuối cùng khu vực tư nhân đóng vai trò chủ chốt, ông Thành nhận định.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% hoặc cao hơn được đặt ra từ đầu năm và chưa tính đến những diễn biến hiện tại trên thị trường quốc tế đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ đối với tất cả các đối tác thương mại trong đó có Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và khu vực FDI hướng ra xuất khẩu. Vì vậy, những chính sách thuế quan hiện nay làm cho hàng hoá của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ trở lên đắt đỏ hơn. Đây là một rào cản rất lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Ngoài ra, chính sách thuế quan của Mỹ còn tạo ra sự bất ổn, phá vỡ những quy tắc, luật chơi trên thị trường quốc tế từ trước đến nay. Điều này tạo ra sự bất ổn, khiến cho dòng vốn FDI có thể chững lại hoặc suy giảm. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế có lẽ cần điều chỉnh.

"Có thể coi mục tiêu này là để phấn đấu chứ không phải đạt được bằng mọi giá", ông Thế Anh phân tích.

Đạt tăng trưởng 8% bằng cách nào?

Ở góc độ vĩ mô, muốn đạt được tăng trưởng cao 8% hoặc thậm chí cao hơn, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi như vậy thì cần tập trung vào thúc đẩy các động lực tăng trưởng trong nước để đạt cao hơn.

Trước mắt trong ngắn hạn, xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chính sách thuế quan của Mỹ. Tiêu dùng cũng không phải là một động lực tăng trưởng có thể bứt phá trong năm nay khi thu nhập của người dân không tăng nhanh trong mấy năm vừa qua khiến sức mua của người dân đã bị hạn chế đi rất nhiều, chuyên gia phân tích.

Theo ông, sự tăng nóng của thị trường bất động sản, thuế thu nhập cá nhân bất hợp lý đều làm giảm khả năng tiêu dùng của người dân.

"Chúng ta có thể bù đắp một phần từ thị trường quốc tế nếu Việt Nam thích ứng nhanh thì có thể nới lỏng thêm điều kiện về thị thực, phát triển du lịch quốc tế để bù đắp một phần tác động tiêu cực từ xuất khẩu", Chuyên gia Phạm Thế Anh nói.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: Hạ An). 

Về đầu tư, ông Thế Anh cho rằng từ nay đến cuối năm sẽ là giai đoạn khó khăn của đầu tư FDI bởi bối cảnh thế giới càng bất ổn, doanh nghiệp càng chần chừ đầu tư. Trước đây Việt Nam là nơi hấp dẫn để thu hút FDI đến sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ cũng như các thị trường khác nhưng giờ đây các doanh nghiệp sẽ cẩn trọng hơn bởi Việt Nam không còn là điểm đến an toàn trong việc né tránh thuế quan nữa.

Có thể các doanh nghiệp FDI vẫn vào Việt Nam để tận dụng các FTA, lao động giá rẻ nhưng họ đang gặp rào cản ở thị trường lớn nhất là thị trường Mỹ. Vì vậy, đây sẽ không phải một yếu tố trở thành động lực tăng trưởng cho năm nay.

Về đầu tư tư nhân, doanh nghiệp nội địa vẫn gặp rất nhiều khó khăn từ bất ổn chính sách ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Vì vậy, để thu hút được đầu tư tư nhân cần phải tạo môi trường kinh doanh, thể chế ổn định trong nhiều năm, nhiều thời kỳ kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, chứ nếu thay đổi quá thường xuyên thì các doanh nghiệp trong nước sẽ không đầu tư lâu dài.

Năm nay là năm khởi đầu đặt ra tham vọng tăng trưởng cao, thế nên chưa thể tác động ngay đến khu vực đầu tư tư nhân. Nếu các chính sách giảm được thủ tục hành chính, gỡ bỏ rào cản kinh doanh và thể hiện được sự cam kết của Chính phủ thì đầu tư tư nhân sẽ tăng trở lại trong các năm tiếp theo.

"Trong bối cảnh thế giới bất ổn như hiện nay thì môi trường đầu tư trong nước phải rất an toàn thì các doanh nghiệp mới đầu tư lâu dài", ông Thế Anh phân tích.

Cuối cùng là đầu tư công, yếu tố này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực chủ quan trong triển khai. Nếu gỡ bỏ các rủi ro về pháp lý, khơi thông các dự án đầu tư công thì sẽ đem lại động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, đầu tư công sẽ chỉ bù đắp được phần nào tác động tiêu cực từ bên ngoài. Việc đạt được tăng trưởng GDP hai con số hay trên 8% rất thách thức và rủi ro bởi nếu "ép giải ngân" sẽ khó mang lại hiệu quả thu hút đầu tư tư nhân.

Nếu quá dễ dãi với tín dụng, chính sách tiền tệ, giải ngân đầu tư công để bằng mọi giá đạt mục tiêu tăng trưởng thì sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế, nguy cơ lạm phát, mất giá tiền tệ, thâm hụt ngân sách và đặc biệt là bong bóng giá tài sản sẽ xuất hiện.

"Trường hợp tiền sẽ không đi vào sản xuất mà đi vào các bong bóng giá tài sản khiến chúng ta thất bại trong việc thu hút các nguồn lực tư nhân vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, đổi mới công nghệ tạo ra tăng trưởng thực trong dài hạn", chuyên gia phân tích.

Nguồn lực đầu tư trong dài hạn phải đến từ khu vực tư nhân chứ không phải khu vực đầu tư công bởi so với nền kinh tế khu vực này rất nhỏ và ngân sách cũng không để dồi dào để tài trợ ở mức cao cho các dự án này.

Kiến nghị chính sách để tăng trưởng bền vững, GS. TS Tô Trung Thành cũng nhấn mạnh rằng tăng trưởng cao phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cần cẩn trọng sử dụng chính sách tiền tệ, tăng cường chính sách lành mạnh tài chính.

Các chính sách tài khóa mở rộng, tập trung vào tăng hiệu quả giải ngân đầu tư công, giảm thuế có chọn lọc và tăng cường chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, cần tập trung vào nội lực, tạo môi trường cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thu hút FDI chất lượng cao, khu vực trong nước tham gia sâu vào chuỗi toàn cầu; Tận dụng các FTA để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển kinh tế số, kinh tế dữ liệu; tập trung các ngành công nghiệp chiến lược

Hạ An