Chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam hay Mỹ không hề dễ dàng
Theo Bloomberg, đã có nhiều cuộc thảo luận về việc chuyển chuỗi cung ứng sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nhiều quốc gia muốn cắt giảm sự phụ thuộc vào “công xưởng của thế giới”, lo lắng rằng Bắc Kinh sở hữu quá nhiều quyền lực với nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, việc tái cấu trúc ngành sản xuất và thay thế Bắc Kinh không phải là công việc dễ dàng. Xây dựng đường cao tốc và dây chuyền sản xuất hoạt động trơn tru, với mạng lưới các nhà cung ứng liên kết chặt chẽ, là một nhiệm vụ khổng lồ.
Trong hai thập kỷ qua, Bắc Kinh đã phục vụ các nhà sản xuất toàn cầu bằng cơ sở hạ tầng được xây dựng tỉ mỉ và năng lực công nghiệp dồi dào.
Khoản nợ mà các doanh nghiệp nhà nước vay để xây dựng đường cao tốc cuối cùng đã đảm bảo logistics và chuỗi cung ứng hoạt động thông suốt. Dù Trung Quốc đang có sự mất cân bằng về kinh tế, nhưng sức thống trị của nước này trong nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể bị thay đổi nhanh chóng.
Sự hiệu quả của Trung Quốc
Các quốc gia như Mỹ, Việt Nam và Indonesia đều đang cố gắng thể hiện mình là lựa chọn thay thế cho đất nước tỷ dân.
Đạo luật CHIPS trị giá 53 tỷ USD là một nỗ lực của Nhà Trắng nhằm kéo hoạt động sản xuất chip bán dẫn về Mỹ. Washington cũng lên kế hoạch chi tiết nhằm xây dựng chuỗi cung pin lithium-ion vào cuối thập kỷ này.
Việt Nam được quốc tế ca ngợi như lựa chọn khả thi trong ngành điện tử. Indonesia, nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, cũng muốn nắm bắt giá trị gia tăng từ quá trình chuyển đổi sang xe điện trên toàn cầu.
Các bộ phận trong chuỗi cung ứng có thể dịch chuyển khỏi Trung Quốc, nhưng hiện tại, không quốc gia nào có thể xây dựng một mạng lưới phức tạp, bao gồm các nhà máy, doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực như Bắc Kinh.
Thay đổi các hợp đồng và nhà cung ứng hay thiết lập hệ thống vận hành đã hoạt động trong nhiều năm không phải là câu chuyện một sớm một chiều.
Việt Nam là một ví dụ điển hình cho thấy chuỗi cung ứng của Trung Quốc hiệu quả đến mức nào. Hon Hai Precision Industry (hay còn gọi là Foxconn) là một nhà cung ứng lớn của Apple và có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất toàn cầu nhận ra rằng, Việt Nam có thể dễ dàng rơi vào cảnh thiếu hụt nguyên liệu. Hiện tại, những vật liệu xây dựng như bệ cửa sổ bằng nhôm, vốn luôn có sẵn tại Trung Quốc, lại rất khó kiếm ở Việt Nam.
Nguyên nhân là do Việt Nam, cũng như phần còn lại của châu Á, nhập khẩu rất nhiều sản phẩm công nghiệp cơ bản như hóa chất, nhựa từ người hàng xóm phương bắc.
- TIN LIÊN QUAN
-
Xuất nhập khẩu biên giới với Trung Quốc giảm sâu vì chính sách 'Zero COVID' 04/07/2022 - 07:52
Ngay cả khi nền kinh tế Việt Nam đã hoạt động bình thường trở lại từ tháng 3/2022, chỉ cần Trung Quốc tiếp tục chính sách Zero COVID, chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn sẽ tắc nghẽn.
Chỉ số thời gian giao hàng của các nhà cung ứng tại Việt Nam, cho biết mức độ chậm trễ của chuỗi cung ứng trong một nền kinh tế, tiếp tục giảm trong tháng 7 (giảm đồng nghĩa với thời gian giao hàng lâu hơn). Chỉ số thời gian giao hàng chiếm 15% trọng số trong Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã dần leo lên chuỗi giá trị bằng cách sản xuất những hàng hóa và sản phẩm cao cấp hơn.
Bắc Kinh đã xây dựng một lĩnh vực sản xuất rộng lớn, cung cấp một tỷ lệ đáng kể các thành phần, hoặc hàng hóa trung gian được sử dụng trong thành phẩm. Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới tính theo giá trị của hàng hóa trung gian.
Bởi vậy, việc loại các nhà sản xuất của Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng sẽ là một vấn đề đau đầu với cả châu Á và Mỹ.
Ai chi trả cho hạ tầng?
Trung Quốc đã dùng nợ để xây dựng một mạng lưới giao thông toàn diện bao gồm đường sắt, cảng biển và sân bay, cũng như các trạm phát sóng 5G. Phần lớn gánh nặng tài chính đang do chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước chịu.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nợ của tập đoàn đường sắt Trung Quốc phình to gần 900 tỷ USD, dấy lên lo ngại về nền kinh tế chung 07/07/2022 - 11:08
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu mới nhất, mặc dù không xếp hạng tốt về quản trị hoặc minh bạch thể chế, nhưng Trung Quốc đã thể hiện tốt ở những khía cạnh quan trọng với chuỗi cung ứng như đường bộ, các hãng tàu thủy hay kết nối sân bay. Trung Quốc cũng đã chi rất nhiều tiền cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Trong khi đó, những nỗ lực của Mỹ nhằm mở rộng chuỗi cung ứng xe điện cũng đang làm bật nên những hạn chế về cơ sở hạ tầng của nền kinh tế số một thế giới.
Gần đây, bang Kansas (Mỹ) đã kêu gọi Panasonic xây dựng một nhà máy sản xuất pin trị giá 4 tỷ USD. Một trong những điểm hấp dẫn với tập đoàn Nhật Bản này là chính quyền Kansas đang thúc đẩy việc nâng cấp cơ sở hạ tầng của bang.
Trên thực tế, chẳng có doanh nghiệp nào đủ kiên nhẫn để chuyển hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác, sau đó chờ đợi cơ sở hạ tầng xây xong. Các khu vực sản xuất mới có thể xuất hiện, nhưng hệ thống logistics chắc chắn sẽ không thể hiệu quả trong mắt những doanh nghiệp đã quá quen với Trung Quốc.
Liệu có doanh nghiệp nào sẵn sàng trả tiền để chuyển hoạt động sản xuất đang trơn tru tại Trung Quốc sang một quốc gia khác? Trong chuyến công tác gần đây đến Việt Nam, một doanh nhân cho biết gói hàng chuyển phát nhanh từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh có thể mất đến 4 ngày. Sự chậm trễ này không xảy ra tại Trung Quốc.
Để có được chuỗi cung ứng hiệu quả, Bắc Kinh đã phải trả giá đắt, bao gồm cả khoản nợ doanh nghiệp hơn 200% tổng sản phẩm quốc nội và các khoản tín dụng không hiệu quả.
Bắc Kinh đã trả tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng, và doanh nghiệp nước ngoài đang được trải nghiệm chuỗi cung ứng thông suốt một cách miễn phí. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc trong năm nay.