|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất nhập khẩu biên giới với Trung Quốc giảm sâu vì chính sách 'Zero COVID'

07:52 | 04/07/2022
Chia sẻ
4 tháng đầu năm,xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 509 triệu USD giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2021, nhập khẩu từ Trung Quốc ước đạt 3,6 tỷ USD, giảm 52,5%.

Hoạt động trao đổi thương mại biên giới với Trung Quốc những tháng đầu năm 2022 chịu nhiều ảnh hưởng bởi chính sách Zero COVID-19 của Trung Quốc, báo Đầu tư đưa tin.

Dẫn số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương cho biết, 4 tháng đầu năm 2022 tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc chỉ đạt 4,1 tỷ USD, giảm 64,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 509 triệu USD giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2021.  Nhập khẩu từ Trung Quốc ước đạt 3,6 tỷ USD, giảm 52,5%.

Thương mại biên giới hai chiều giảm sâu là do Chính phủ Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid” và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát hàng hóa, phương tiện,… nhằm phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu biên giới đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền với Trung Quốc.

Thậm chí có thời điểm đã gây ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu, đồng thời là nguyên nhân trực tiếp gây sụt giảm kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua.

Nhiều doanh nghiệp hai nước vẫn lựa chọn xuất khẩu “tiểu ngạch” (hình thức trao đổi cư dân biên giới) vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh toán, kiểm dịch, ép cấp, ép giá, ùn tắc,…

Theo Tạp chí Công thương, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của một số tỉnh biên giới còn thiếu và yếu, đặc biệt là hạ tầng giao thông và các dịch vụ logistics còn hạn chế; cửa khẩu quốc tế đường sắt chưa được phát huy lợi thế do khác biệt về khổ đường ray; hạ tầng thương mại biên giới quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ưng được yêu cầu về trao đổi, lưu thông hàng hóa với phía Trung Quốc. 

Do đó, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ định hướng doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch; kêu gọi doanh nghiệp dịch vụ logistics hỗ trợ các doanh nghiệp nông, thủy sản và trái cây thông qua việc ưu tiên bảo quản các loại trái cây, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm chi phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa,…

Đồng thời, hoàn thiện và phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp tại Báo cáo các quy định, cơ chế chính sách khuyến khích xuất khẩu chính ngạch đối với một số hàng hoá hiện đang ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới.

 

 

Như Huỳnh