|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc cảnh báo mùa màng bị ‘đe dọa nghiêm trọng’, yêu cầu tiết kiệm từng giọt nước

10:57 | 25/08/2022
Chia sẻ
Hạn hán nghiêm trọng ở Trung Quốc đang đe dọa sản xuất lương thực, buộc chính phủ trung ương yêu cầu chính quyền các địa phương phải tìm mọi cách để bảo vệ mùa màng.

Nông dân Trung Quốc cầm lá cây cà chua khô héo vì hạn hán, tháng 8/2022. (Ảnh: Reuters).

Hôm 23/8 vừa qua, 4 cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc đã cùng nhau ra thông báo khẩn cấp để cảnh báo vụ thu hoạch đang bị “đe dọa nghiêm trọng”, đồng thời yêu cầu chính quyền các địa phương đảm bảo “mỗi đơn vị nước đều phải được sử dụng cẩn thận”.

Theo The Guardian, chính quyền trung ương cũng yêu cầu tiết kiệm nước trong tưới tiêu, chuyển hướng sử dụng các nguồn nước mới và làm mưa nhân tạo.

Thông thường, các tháng 6, 7 và 8 là mùa lũ và phía nam cũng là khu vực dư thừa nước của Trung Quốc. Tuy nhiên, đợt nắng nóng kỷ lục cùng với tình trạng hạn hán kéo dài nhiều tháng gần đây đã gây ra những thiệt hại to lớn cho phía nam đất nước tỷ dân.

Nhiều đoạn của sông Dương Tử và hàng chục phụ lưu đã cạn khô, gây gián đoạn tới hoạt động vận tải đường thủy nội địa cũng như các nhà máy thủy điện. Nhiều tỉnh đã phải cắt điện luân phiên và hạn chế tiêu thụ điện. Giờ đây, ngoài những lo ngại về năng lượng, Trung Quốc còn phải tính kế đảm bảo nguồn cung lương thực.

The Guardian dẫn lời bà Even Pay, nhà phân tích chuyên về nông nghiệp tại Trivium China, cho biết lo ngại trước mắt của bà là các loại nông sản tươi.

“Các loại rau tươi thường được cung cấp cho các khu chợ địa phương để người dân mua hàng ngày, loại rau này thường không nằm trong vùng tưới tiêu lớn và nhiều khả năng cũng không được ưu tiên về mặt chiến lược khi Trung Quốc tập trung vào bảo vệ nguồn cung ngũ cốc và dầu thực vật”, bà Pay nói.

Mùa màng thất bát cũng sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và làm trầm trọng thêm các vấn đề về hậu cần, bà Pay cho biết thêm. Nguồn cung lương thực cho một thành phố của Trung Quốc thường được nuôi trồng ở gần thành phố đó, nhưng trong bối cảnh hạn hán mất mùa, lương thực sẽ phải được chuyển từ những nơi xa hơn và dễ bị hư hỏng do thời gian vận chuyển dài.

Nhà phân tích Even Pay cho biết bà lo ngại chủ yếu cho những loại lương thực tiêu thụ trong nước, do nguồn cung loại lương thực cho thị trường quốc tế “đang khá an toàn”. Tuy nhiên, thị trường sẽ cần chú ý đến cây cải dầu nếu như hạn hán vẫn tiếp diễn khi vụ gieo trồng diễn ra vào mùa thu.

Bờ sông Dương Tử khô nứt nẻ vì hạn hán, mực nước xuống thấp, tháng 8/2022. (Ảnh: AP).

Trung Quốc hiện nay đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào sản xuất ngô nội địa sau khi xung đột Nga – Ukraine khiến thị trường toàn cầu bất ổn. Khoảng 4% sản lượng ngô của Trung Quốc đang được trồng tại các tỉnh bị hạn hán nặng như Tứ Xuyên và An Huy.

Nếu cây trồng bị ảnh hưởng thì các trang trại nuôi gia súc cũng sẽ sớm chịu thiệt hại do không có đủ thức ăn.

Bà Pay tỏ ra khá lạc quan về các biện pháp mà chính quyền trung ương Trung Quốc công bố hôm 23/8 và lời kêu gọi mỗi địa phương có giải pháp riêng phù hợp với tình hình cụ thể.

“Đến nay Trung Quốc đã có 35 ngày cảnh báo nắng nóng liên tiếp. Nhiều con sông đang ghi nhận mực nước tương đương hoặc thấp hơn mức trong mùa khô. Tình thế đang rất nguy cấp và chắc chắn mùa màng sẽ bị thiệt hại”, bà Pay nói.

Thông báo hôm 23/8 đặc biệt nhấn mạnh rằng đây là chỉ thị từ cấp cao nhất của chính quyền trung ương, trong tiêu đề có đoạn viết: “Thông báo khẩn cấp về việc triển khai toàn diện tinh thần các chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình”.

Nhà phân tích Even Pay nhận định: “[Thông báo khẩn cấp này] là tín hiệu quan trọng tới các chính quyền địa phương rằng có ý chí chính trị rất lớn đằng sau quyết tâm làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ nông dân và giải cứu mùa màng”.

Động thái mới này cũng là dấu hiệu cho thấy giới cầm quyền Trung Quốc muốn tránh lạm phát và giá thực phẩm tăng cao khi đại hội đảng sẽ diễn ra trong vài tháng tới.

“Chính phủ đang gửi tín hiệu tới thị trường và tất cả những ai đang lo lắng hoặc nghĩ về việc tích trữ lương thực rằng: Này, tất cả đã được huy động và chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể. Quan chức địa phương cũng sẽ phải xuất hiện trước công chúng để mọi người thấy chính quyền đang làm gì đó, kể cả khi không có gì để làm”, bà Even Pay nói.

Tại tỉnh Tứ Xuyên, các nhà máy thủy điện đóng góp khoảng 80% sản lượng điện hàng năm. Trong bối cảnh hạn hán kéo dài và mực nước sông xuống thấp, các nhà máy thủy điện không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Tứ Xuyên và nhiều tỉnh khác đã phải cắt điện luân phiên và yêu cầu hạn chế tiêu thụ điện.

Các nhà máy nhiệt điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch có thể sẽ được Trung Quốc sử dụng nhiều hơn để vượt qua cơn bĩ cực hiện nay, nhưng hành động này sẽ ảnh hưởng tới cam kết môi trường và nỗ lực chuyển sang năng lượng tái cạo của Bắc Kinh.

Đức Quyền