|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

7 chính sách lớn định hướng kinh tế Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình

07:57 | 27/08/2022
Chia sẻ
Trong hai nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có nhiều chính sách kinh tế giúp định hình nền kinh tế Trung Quốc, chuyển từ mô hình tăng nhanh sang phát triển bền vững, công bằng, ổn định hơn.

Theo SCMP, trong nhiệm kỳ đầu tiên từ năm 2013 đến năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nỗ lực giải quyết các vấn đề trong nước như: nợ cao, suy giảm dân số, thừa năng lực công nghiệp, nghèo đói, đồng thời điều chỉnh cơ cấu và giảm thiểu rủi ro của nền kinh tế.

Tới nhiệm kỳ thứ hai, ông Tập đã trở cứng rắn hơn về tư duy kinh tế trong bối cảnh Chiến tranh thương mại với Mỹ, căng thẳng với các nền kinh tế lớn của phương Tây và đại dịch COVID.

“Xiconomics” (chính sách kinh tế của Chủ tịch Tập) bao gồm các nguyên tắc chỉ đạo dài hạn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là trọng tâm của “Tư tưởng Tập Cận Bình”.

Trung Quốc ngày càng chiếm một tỷ trọng lớn trong GDP toàn cầu.

Những chính sách này đã giúp Trung Quốc vươn lên chiếm khoảng 18% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và giúp nước này trên đà vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Những quyết sách của Chủ tịch Tập cũng dẫn đến sự sụp đổ bất ngờ của “ngành công nghiệp dạy thêm”, thắt chặt công ty công nghệ, sự bùng nổ và thất bại của các doanh nghiệp bất động sản cũng như chính sách Zero COVID gây nhiều tranh cãi.

Dưới đây là 7 sự kiện đã thay đổi bối cảnh kinh tế của Trung Quốc trong 10 năm qua.

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (tháng 9/2013)

Ban đầu Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhằm mục đích hồi sinh các tuyến thương mại cổ xưa và khai thác những thì trường mới.

Sau đó, kế hoạch này trở thành một chiến lược tham vọng nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại hơn 60 quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ.

Sáng kiến ​​này ban đầu dựa trên sự kết nối cơ sở hạ tầng như sau đó được mở rộng sang cả lĩnh vực như thương mại và đầu tư, với việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Quỹ Con đường Tơ lụa và Ngân hàng Phát triển Mới (NDB).

Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư phi tài chính tới 57 quốc gia thuộc sáng kiến BRI đã tăng 14,1% hàng năm, từ 14,8 tỷ USD vào năm 2015 lên 20,3 tỷ USD vào năm 2021.

Văn kiện Cải cách (tháng 11/2013)

Văn kiện Cải cách được công bố trong Hội nghị trung ương lần thứ ba vào tháng 11/2013, đề cập đến vai trò “quyết định” của các nguyên tắc thị trường đối với nền kinh tế.

Văn kiện Cải cách đã nêu chi tiết 336 nhiệm vụ cụ thể cần đạt được vào năm 2020, bao gồm thiết lập một danh sách hạn chế hoặc cấm với đầu tư nước ngoài, cải cách tài khóa, cơ chế đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu và mở cửa thị trường tài chính.

Cho đến nay, một số nhiệm vụ đã được hoàn thành, những nhiều mục tiêu quan trọng cuối cùng đã bị gác lại.

“Bình thường mới” (2015)

“Bình thường mới” đặt trọng tâm vào chất lượng hơn là tốc độ mở rộng nền kinh tế khi Bắc Kinh bước vào giai đoạn tăng trưởng trung bình.

Chính sách này không đặt nặng tầm quan trọng của GDP mà tập trung vào giải quyết các vấn đề như nợ gia tăng, ngân hàng ngầm tràn lan và những thách thức về nhân khẩu học.

Các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra các điều chỉnh về cơ cấu phía cung, bao gồm giải quyết tình trạng dự thừa năng lực công nghiệp, điều tiết thị trường bất động sản và tháo gỡ đòn bẩy tài chính.

Cuộc cải cách đã loại bỏ công suất dư thừa tương đương khoảng 150 triệu tấn thép và hàng triệu tấn nhôm, kính trong giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, cuộc cải cách còn nỗ lực thu nhỏ quy mô của các ngân hàng ngầm, giảm bớt rủi ro tài chính của địa phương, các nền tảng cho vay ngang hàng và những ngân hàng gặp nhiều vấn đề.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã định hình lại lĩnh vực bất động sản, một trụ cột tăng trưởng trong những thập kỷ trước, bằng cách đưa ra nguyên tắc rằng nhà là để ở chứ không phải đầu tư.

Bắc Kinh áp dụng các biện pháp kiểm soát vĩ mô, từ hạn chế mua hàng loạt và giới hạn giá cả, đến thắt chặt các yêu cầu thế chấp và siết hoạt động tài chính bất hợp pháp.

Các nhà quản lý tài chính đặt ra ba hạn chế  hay còn gọi là ba ranh giới đỏ, bao gồm giới hạn tỷ lệ nợ của các nhà phát triển bất động sản lớn ở mức 70% vào cuối năm 2020.

Doanh nghiệp nhà nước “mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn” (2016)

Các doanh nghiệp nhà nước (SOE) từ lâu đã trở thành xương sống cho nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Chủ tịch Tập cam kết sẽ làm cho những doanh nghiệp này lớn mạnh hơn.

Kể từ năm 2016, vai trò của các SOE đã được củng cố sau khi Bắc Kinh khởi động một cơ chế toàn quốc nhằm chống lại các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ và đại dịch.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới vào năm 2019.

“[Doanh nghiệp nhà nước] hình thành nền tảng kinh tế và chính trị của hệ thống xã hội chủ nghĩa tại Trung Quốc. [Những doanh nghiệp này] phải được xây dựng mạnh mẽ hơn, tốt hơn và lớn hơn”, ông Tập tuyên bố vào năm 2021. Đồng thời, ông khẳng định vai trò của khu vực nhà nước “không thể bị phủ nhận hay suy yếu”.

Việc tăng cường tầm quan trọng của SOE, cùng với áp lực lên các công ty công nghệ lớn và chiến lược “thịnh vượng chung” của Bắc Kinh đã làm dấy lên lo ngại về tương lai của khu vực kinh tế tư nhân.

Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, tài sản ròng của các công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực phi tài chính đã tăng lên 76.000 tỷ nhân dân tệ (11.000 tỷ USD) vào năm 2019, từ mức 40.100 tỷ nhân dân tệ vào năm 2015.

“Tuần hoàn kép” (tháng 5/2020)

Chiến lược kinh tế “Tuần hoàn kép” đánh dấu sự thay đổi từ mô hình định hướng xuất khẩu kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc sang tập trung vào cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước.

Kế hoạch tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa, hoặc lưu thông nội bộ, nhằm thích ứng với thế giới bên ngoài ngày càng bất ổn và thù địch. Trong tương lai, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu, hay còn gọi là lưu thông bên ngoài, nhưng cũng sẽ không từ bỏ hoàn toàn khía cạnh này.

Chìa khóa của “Tuần hoàn kép” là khai thác tiềm năng của thị trường nội địa khổng lồ và thúc đẩy sự đổi mới trong nước để tạo tăng trưởng.

Bất chấp việc nhấn mạnh vào khả năng tự lực, ông Tập đã nhiều lần khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không đóng cửa với thế giới bên ngoài mà thậm chí còn mở rộng hơn.

“Thịnh vượng chung” (2021)

Mục tiêu chính trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Trung Quốc là theo đuổi sự “Thịnh vượng chung”, trong đó kêu gọi phân phối tài sản một cách công bằng hơn.

“Thịnh vượng chung” đánh dấu sự thay đổi từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh chóng kéo dài hàng thập kỷ, vốn đã đưa hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo đói nhưng cũng làm gia tăng bất bình đẳng.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã không còn ở mức hai con số trong thập kỷ vừa qua. 

Mục tiêu là “Thịnh vượng chung” là phân phối thu nhập để tầng lớp trung lưu chiếm phần lớn tài sản của Trung Quốc.

Để đạt được mục tiêu trên, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã đưa ra những thay đổi thuận lợi về thuế và an sinh xã hội cho những người có thu nhập trung bình; ban hành các chính sách để tăng thu nhập cho người nghèo; và siết chặt những kẽ hở có thể làm phát sinh “thu nhập bất hợp pháp”.

Ông Tập khẳng định tiếp tục bảo vệ quyền sở hữu, đảm bảo Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục phát triển cả khu vực tư nhân và nước ngoài, đồng thời coi sở hữu công là cốt lõi của nền kinh tế Trung Quốc.

Bắc Kinh đang yêu cầu giám sát tài chính tốt hơn, đồng thời trừng phạt hành vi tham nhũng. Chính sách “Thịnh vượng chung” cũng khuyến khích người giàu và các công ty lớn đóng góp lại cho xã hội.

Chiến lược Zero COVID (2022)

Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi sau cú sốc của dịch COVID năm 2020, nhưng việc đưa ra chiến lược Zero COVID vào đầu năm 2022 để chống lại biến thể Omicron đã gây ra thiệt hại đáng kể cho tăng trưởng.

Người dân xếp hàng để xét nghiệm COVID tại Bắc Kinh hồi tháng 4/2022. (Ảnh: Reuters).

Việc kiểm dịch và cách ly nghiêm ngặt đã ảnh hưởng đến lĩnh vực dịch vụ, khiến nhiều công ty nhỏ phải đóng cửa, tác động tới thu nhập hộ gia đình, thị trường việc làm, trả nợ thế chấp và tiêu dùng.

Việc phong tỏa nhiều thành phố lớn, đã gia tăng áp lực lên nền kinh tế trong quý II, dẫn đến tăng trưởng chỉ còn 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Minh Quang