|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khác với Nhật Bản, Trung Quốc không thể phớt lờ chiến dịch nâng lãi suất của Mỹ

07:46 | 29/08/2022
Chia sẻ
Trước đà tăng lãi suất tại Mỹ, Nhật Bản vẫn kiên định theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ để nâng lạm phát lên mức mục tiêu. Tuy nhiên, cách tiếp cận tương tự của Trung Quốc đang tiềm ẩn nguy cơ về “chảy máu” dòng vốn, đồng nội tệ sụt giá và lạm phát phi mã.

Thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Trong bài viết đăng trên trang South China Morning Post (SCMP), nhà bình luận chuyên về kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính, ông Neal Kimberley, nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) “chắc chắn sẽ không dừng lại” và tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2022. (“Chắc chắn sẽ không dừng lại” là một câu thoại nổi tiếng trong bộ phim “Kẻ hủy diệt” công chiếu năm 1984).

Theo ông Kimberley, quyết sách của Fed sẽ làm phức tạp thêm những vấn đề mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang đối mặt, giữa lúc ngân hàng này đang phải tìm cách cân đối giữa nhu cầu trước mắt của nền kinh tế và bức tranh tổng thể.

Chính sách nới lỏng tiền tệ của PBoC có thể có lý khi xem xét đến bản chất của những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc đang đương đầu. Tuy nhiên, vào thời điểm Fed tăng lãi suất, việc áp dụng chính sách này có nguy cơ gây ra hậu quả không mong muốn.

Ông Kimberley cho rằng từ góc độ đầu tư, quỹ đạo chính sách tiền tệ ở các khu vực tài phán khác nhau phải được đánh giá trên cơ sở xuyên biên giới.

Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) kiên trì theo đuổi chính sách tiền tệ siêu lỏng, trong bối cảnh Fed tăng lãi suất những tháng gần đây, đã góp phần khiến đồng yen xuống giá. Giống với Trung Quốc, Nhật Bản là một nhà nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD. Do đó, đà giảm của đồng yen làm gia tăng tác động của lạm phát đối với nền kinh tế Nhật Bản, do giá hàng hóa tăng.

Tuy nhiên, đến nay, điều này vẫn chưa phải là một vấn đề đối với Tokyo, khi các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã nỗ lực đẩy lạm phát lên mức 2% trong nhiều thập kỷ, song vẫn chưa thành công. Có thể nói Nhật Bản là một trường hợp ngoại lệ đối với vấn đề lạm phát.

Tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói nếu nước này có thể duy trì tỷ lệ thất nghiệp dưới 5,5% và lạm phát dưới 3,5% trong cả năm thì giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể sẽ hài lòng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn hoặc thấp hơn một chút so với mục tiêu, tất nhiên là không thể quá thấp.

 

Trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Trung Quốc tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị là 5,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 tại Trung Quốc đã chạm mức kỷ lục 19,9% trong tháng 7. Số liệu này là lý do để PBoC hạ lãi suất repo kỳ hạn 7 ngày từ 2,1% xuống 2% hôm 15/8.

Ông Kimberley lưu ý khi tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 gần 20%, việc hạ lãi suất repo 0,1 điểm phần trăm chẳng khác nào cố gắng “tỉa một cây đại thụ bằng một chiếc kéo nhỏ”. Mặc dù ý định là rõ ràng song tác động sẽ là không đáng kể.

Các vấn đề của kinh tế Trung Quốc có thể biện minh cho chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Song, ông Kimberley cho rằng PBoC phải có tầm nhìn rộng hơn, đặc biệt là khi Fed vẫn đang thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong bối cảnh PBoC nới lỏng chính sách tiền tệ, mức lãi suất tại Mỹ càng cao, rủi ro dòng vốn tháo chạy ra khỏi Trung Quốc càng lớn. Các nhà đầu tư có thể chuyển tiền khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới để theo đuổi lợi suất danh nghĩa cao hơn tại Mỹ.

Quá trình này có thể thúc đẩy đồng NDT giảm giá so với USD trên các sàn giao dịch nước ngoài, làm tăng nguy cơ nền kinh tế Trung Quốc nhập khẩu lạm phát thông qua kênh nhập khẩu hàng hóa.

PBoC cũng sẽ nhận thức được rằng chính sách Zero COVID của chính phủ đang làm giảm hiệu quả của chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ với mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh tế, đồng thời có khả năng gây ra bong bóng trên thị trường bất động sản.

Như kinh nghiệm của Nhật Bản, trong những năm sau khi bong bóng tài sản đổ vỡ vào năm 1989, việc sử dụng chính sách tiền tệ siêu lỏng của BoJ đã cho phép những công ty “xác sống” vẫn hoạt động kinh doanh trên danh nghĩa nhưng lại gây phương hại cho nền kinh tế Nhật Bản nói chung.

Doanh nghiệp “xác sống” là những công ty không có năng lực sản xuất kinh doanh và đã mất khả năng thanh toán.

Fed đã tăng lãi suất 4 lần liên tiếp vào các tháng 3, 5, 6 và 7/2022, có khả năng sẽ tiếp tục tăng vào tháng 9.

Kể từ đầu năm đến nay, Fed đã tăng lãi suất thêm 225 điểm cơ bản lên phạm vi 2,25-2,50%. Tuy nhiên, với CPI của Mỹ vẫn tăng 8,5% trong tháng 7, các nhà hoạch định chính sách của Fed đều thống nhất rằng vẫn cần tiếp tục tăng lãi suất.

Ông Kimberley nhấn mạnh “bóng ma” từ mức lãi suất cao hơn tại Mỹ là điều mà PBoC không thể bỏ qua trong những tính toán về chính sách tiền tệ của ngân hàng này.

Trà My

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.