Trung Quốc sắp bơm vốn khủng vào cơ sở hạ tầng nhưng thị trường hàng hóa vẫn lặng thinh
Thị trường kim loại trầm lặng
Giữa tuần này, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố nhiều biện pháp kích thích mới để củng cố nền kinh tế, ước tính tổng giá trị khoảng 6.800 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.000 tỷ USD).
Trong đó, Bắc Kinh đã tăng hạn ngạch cho chi tiêu cơ sở hạ tầng và đầu tư thêm 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 44 tỷ USD). Hồi cuối tháng 6, chính phủ từng công bố một gói tương tự trị giá 300 tỷ nhân dân tệ.
Các công ty phát điện nhà nước cũng sẽ được phép bán thêm 200 tỷ nhân dân tệ trái phiếu và chính quyền địa phương sẽ được phân bổ 500 tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt từ hạn ngạch chưa sử dụng trước đây.
Gói kích thích mới được Bắc Kinh công bố trong bối cảnh các đợt phong toả COVID và khủng hoảng bất động sản tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế tỷ dân. Một số ngân hàng lớn đã hạ ước tính tăng trưởng GDP năm nay của Trung Quốc xuống còn khoảng 3%.
Giá quặng sắt và thép - hai trong số các mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ các biện pháp kích thích cơ sở hạ tầng, hầu như không xê dịch sau thông báo của chính phủ Trung Quốc, dữ liệu từ các sàn giao dịch như SGX Iron Ore cho thấy.
Ông Atilla Widnell - Giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu hàng hoá Navigate Commodities, nói thị trường hàng hoá không bật tăng nhờ gói kích thích, bởi không ích lợi gì khi bơm tiền nếu người dân và doanh nghiệp không thể chi tiêu.
Vị giám đốc nhấn mạnh rằng nền kinh tế Trung Quốc đang bị kìm hãm bởi các đợt phong toả và hạn chế khác. Điều này gián tiếp đè nén tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp trên khắp cả nước.
Ông Widnell bày tỏ: “Mặc dù các biện pháp đầu tư cơ sở hạ tầng mới là tin đáng hoan nghênh, dữ liệu tần suất cao tiếp tục cho chúng tôi thấy nhu cầu thép xây dựng tại Trung Quốc đang xuống thấp tới đâu”.
“Quan trọng hơn, các đợt bùng phát thường xuyên của COVID-19, xét nghiệm hàng loạt và phong toả diện rộng đang hãm phanh nền kinh tế. Xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến khi chiến lược chống dịch của Trung Quốc có một thay đổi lớn”, ông nói tiếp.
“Để đánh giá hiệu quả của gói kích thích hạ tầng mới, [chúng ta có thể hình dung như] chính phủ đang bơm thêm tiền vào hệ thống mà không ai có thể ra ngoài và tiêu tiền”, Giám đốc của Navigate Commodities giải thích.
Widnell cho biết các thị trường hàng hoá hiểu rằng trừ khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa đúng cách, các kích thích sẽ không thể đảo chiều sự chững lại của chi tiêu và hoạt động kinh tế tại đại lục. Các vấn đề mới như hạn hán và mất điện lại đang làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Thị trường quặng sắt và thép cũng đi xuống vào phiên 25/8, sau khi dữ liệu sản lượng và tiêu thụ thép đều kém xa dự báo. Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc cho biết sản lượng thép thô, gang và các sản phẩm thép trong tháng 8 đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Khó vực dậy kinh tế Trung Quốc
Ông Al Munro tại công ty môi giới Marex nhận định, hiểu một cách đơn giản, các gói kích thích là không đủ để vực dậy nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm thị trường bất động sản đang lún sâu trong khủng hoảng.
“Câu hỏi quan trọng là liệu tiền kích thích của chính phủ có thực sự được chi tiêu hay không”, ông nhấn mạnh với tờ CNBC.
“Phản ứng lặng thinh từ chỉ số bất động sản Thượng Hải cũng đã nói lên nhiều điều về cảm nhận của thị trường hàng hoá đối với các thông báo từ Bắc Kinh. Các thị trường trong nước vẫn phải đối mặt với nguy cơ phong toả”.
“Mới đây, thành phố Zhouzhou ở tỉnh Hà Bắc (nằm ở khu vực phía bắc Trung Quốc) đã áp lệnh phong toả từ ngày 23/8”, vị chuyên gia nêu ví dụ.
Nhà môi giới Zenon Ho, cũng đến từ Marex, cho biết các kim loại cơ bản như thép và quặng sắt sẽ phản ứng mạnh hơn nếu dòng tiền đổ vào nền kinh tế một cách nhanh chóng hơn.
Hơn nữa, các biện pháp kích thích như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng thường “có độ trễ từ 6 đến 9 tháng kể từ thời điểm công bố kích thích và khi chúng tác động thực sự đến nhu cầu”, ông Widnell từ Navigate Commodities nhận xét.
“Thực tế là các biện pháp này đến nay vẫn chưa thể thúc đẩy tăng trưởng. Sự hào hứng của thị trường hàng hoá có xu hướng diễn ra quá ngắn”, ông Raymond Yeung - kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc tại ANZ, đánh giá thêm.
“Đó không phải là lần đầu tiên Hội đồng Nhà nước cam kết ổn định nền kinh tế thông qua đầu tư cho cơ sở hạ tầng”, ông Yeung nói.