|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Toàn cảnh về cuộc khủng hoảng điện tại Trung Quốc: Nguyên nhân và những thiệt hại nặng nề

07:27 | 28/08/2022
Chia sẻ
Hiện tượng thời tiết cực đoan đã kích hoạt một cuộc khủng hoảng điện tại Trung Quốc. Các chuyên gia cảnh báo thiên tai dự kiến diễn ra một cách thường xuyên hơn, trong bối cảnh Trái đất ngày càng ấm lên do biến đổi khí hậu.

Tháng 8/2022, hồ thủy điện tại tỉnh Tứ Xuyên cạn nước so với các năm trước. (Ảnh: VCG)

Khủng hoảng điện

Kể từ giữa tháng 7, phụ tải điện của Trung Quốc đã tăng do nhu cầu sử dụng điều hòa không khí trong giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm của mùa hè. Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) cho biết trong tháng 7, tiêu thụ điện đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với lượng tiêu thụ của các hộ gia đình tăng 26,8%.

Đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin lưới điện của 19 tỉnh đã phá kỷ lục về phụ tải điện. Trong khi đó, Hiệp hội Điện lực Trung Quốc (CEC) dự kiến tiêu thụ điện sẽ tiếp tục tăng trong tháng 8.

Trước tình hình trên, nhiều trung tâm kinh tế và sản xuất dọc lưu vực sông Dương Tử đã phải áp đặt chính sách hạn chế sử dụng điện. Tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh ở thượng nguồn con sông là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Kể từ ngày 15/8, Tứ Xuyên đã cho nhiều nhà máy trong các ngành công nghiệp khác nhau ngừng sản xuất. Một số thành phố trong đó có Thành Đô đã hạn chế tiêu thụ điện đối với cả khu thương mại lẫn dân cư. Chính sách hạn chế sử dụng điện cũng tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại Giang Tô, An Huy, Chiết Giang và Thượng Hải.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng

Trung Quốc đang gánh chịu đợt nắng nóng tồi tệ nhất kể từ năm 1961. Nắng nóng khắc nghiệt đã dẫn đến tình trạng hạn hán ở khu vực miền nam Trung Quốc, khiến mực nước trong các hồ thủy điện hạ thấp.

Trong khi đó, các tỉnh như Tứ Xuyên và Vân Nam phụ thuộc vào thủy điện để cung cấp năng lượng. Thời kỳ khô hạn tạo ra rủi ro cho doanh nghiệp và đặc biệt là những ngành đòi hỏi sản xuất liên tục, như điện phân nhôm.

Mức nước của sông Dương Tử, hồ Động Đình (Dongting) và hồ Bà Dương (Poyang) - hai hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc trong lưu vực - đang ở mức thấp kỷ lục và dự kiến tiếp tục giảm. Hàng chục con sông và hồ chứa trong khu vực cũng khô cạn.

Cá chết khô do lòng sông Dương Tử cạn khô, đoạn chảy qua tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ngày 23/8/2022. (Ảnh: EPA).

Tứ Xuyên thiệt hại nặng

Tứ Xuyên là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất do tình trạng thiếu điện, không chỉ vì thời tiết khắc nghiệt mà còn vì thủy điện đóng góp 80% sản lượng điện của tỉnh.

Năm 2021, Tứ Xuyên đứng thứ 6 Trung Quốc về sản lượng điện và đứng số một về sản lượng thủy điện. Thời tiết khô hạn đã giảm sản lượng điện của tỉnh 50% trong tháng 8. Sự sụt giảm sản lượng thủy điện của Tứ Xuyên cũng ảnh hưởng đến nguồn cung điện của cả nước, vì tỉnh này là một trong những tỉnh xuất khẩu điện lớn của Trung Quốc.

Tứ Xuyên tham gia “dự án truyền tải điện Tây-Đông”, với việc truyền tải điện đến khu vực trung và hạ lưu sông Dương Tử. Tỉnh cũng xuất khẩu điện sang Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải và thành phố Trùng Khánh - những nơi vật lộn với tình trạng thiếu điện.

Một vấn đề khác là cơ sở hạ tầng điện của Tứ Xuyên không đủ để nhập khẩu khối lượng điện lớn từ các khu vực khác.

Cánh đồng lúa khô cạn nứt nẻ ở tỉnh Tứ Xuyên. (Ảnh: VCG).

Tác động của cuộc khủng hoảng

Chính sách hạn chế sử dụng điện đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực chế tạo khác nhau. Ngày 15/8, Tứ Xuyên đã áp dụng một trong những đợt đóng cửa nhà máy có quy mô lớn nhất từ trước đến nay khi lượng lớn nhà máy sản xuất các mặt hàng như hóa chất, linh kiện điện tử, pin lithium, silicon đa tinh thể, nhôm ngừng hoạt động.

Các tỉnh Chiết Giang, An Huy và Giang Tô cũng áp dụng những biện pháp cắt giảm điện và tác động đến các nhà sản xuất thép, kim loại màu, polyester, dệt may và điện tử.

Tuy tác động kinh tế tổng thể của chính sách hạn chế tiêu thụ điện sẽ khá hạn chế, nhưng Tứ Xuyên và Trùng Khánh là những trung tâm sản xuất quan trọng đối với pin xe điện, linh kiện điện tử cho chất bán dẫn, tấm pin Mặt Trời và máy tính.

Thiếu hụt năng lượng là vấn đề dài hạn

Mặc dù thời tiết khắc nghiệt là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng thiếu điện, nhưng Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức về dài hạn. Là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, Trung Quốc rất dễ tổn thương do biến đổi khí hậu. Khi nhiệt độ tiếp tục tăng trên toàn cầu, những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ tiếp diễn.

Bên cạnh đó, ngành điện của Trung Quốc cũng phải đối mặt với các vấn đề về cơ cấu khi đầu tư tụt hậu so với tăng trưởng tiêu thụ điện.

Theo công ty tài chính Essence Securities (Trung Quốc),  trong giai đoạn 2018 – 2021, hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện của Trung Quốc ghi nhận tốc độ suy giảm kép 2,7%, còn tiêu thụ điện tăng trưởng kép 6,7%.

Trong khi nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là nhiệt điện than, vẫn đóng góp phần lớn trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc, quốc gia này đang nhanh chóng chuyển hướng sang các loại năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời và gió.

Việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch sẽ giúp Trung Quốc đáp ứng mục tiêu về biến đổi khí hậu, nhưng năng lượng tái tạo có đặc tính thất thường, gây khó cho nỗ lực ổn định nguồn cung.

Trung Quốc sẽ ứng phó như thế nào?

Năm 2021, Trung Quốc đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, với hơn một nửa trong số 31 tỉnh phải áp đặt chính sách hạn chế tiêu thụ điện. Bắc Kinh đã nhấn mạnh sẽ không để tái diễn cuộc khủng hoảng điện làm rung chuyển đất nước vào năm ngoái.

Đầu tháng này, Phó Thủ tướng Hàn Chính cho biết Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện than và các công ty khai khoáng để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định. Tuy nhiên, nếu các dự án nhiệt điện chạy than tại Trung Quốc tiếp tục mở rộng, nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu sẽ suy yếu. 

Trà My (Theo SCMP)

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.