|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhân dân tệ suy yếu cũng khó hỗ trợ cho xuất khẩu của Trung Quốc

12:13 | 31/08/2022
Chia sẻ
Nhân dân tệ yếu đi cũng không giúp được nhiều cho lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc khi mà nội tệ của các quốc gia trong khu vực và đối thủ cạnh tranh còn tụt dốc mạnh hơn.

Theo SCMP, mặc dù đồng nhân dân tệ (CNY) đang trên đà mất giá so với USD, nhưng những loại tiền tệ khác của châu Á thập chí còn sụt giảm nhiều hơn, tạo thêm rủi ro tài chính cho khu vực và gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc.

Lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020, đồng nội tệ của Bắc Kinh tụt xuống ngưỡng 6,9 nhân dân tệ đổi một USD vào ngày 29/8, sau tuyên bố diều hâu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về việc tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được đẩy lùi.

Nhân dân tệ liên tục mất giá so với USD kể từ đầu năm.

Trong khi Mỹ đang thắt chặt chính sách tiền tệ để chiến đấu với lạm phát, các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc lại hạ lãi suất nhằm kích thích nền kinh tế. 

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) bất ngờ cắt giảm hai loại lãi suất chủ chốt vào hôm 15/8, sau đó tiếp tục hạ một cặp lãi suất cho vay khác vào đầu tuần trước. Từ 15/8 đến 31/8, nhân dân tệ đã mất thêm 2,5% giá trị so với USD.

So với những tiền tệ lớn khác ở châu Á-Thái Bình Dương, tốc độ giảm của nhân dân tệ chỉ ở mức trung bình. Vào hôm 29/8, đồng won của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất so với USD kể từ tháng 4/2009, khi khủng hoảng tài chính đang làm chao đảo thị trường toàn cầu.

Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), vào tháng 7, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ra khoảng 3 tỷ USD trái phiếu Trung Quốc. Trong tháng đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng chứng kiến 3,5 tỷ USD chảy ra nước ngoài, lần đầu tiên trong vòng 4 tháng.

Giảm không đủ nhiều

Bà Katrina Ell, nhà kinh tế cấp cao tại Moody’s Analytics, cho biết đồng tiền của các thị trường mới nổi ở châu Á có thể chịu thêm áp lực sau cam kết của ông Powell trong việc giải quyết lạm phát. Fed tăng lãi suất có xu hướng làm đồng USD mạnh hơn.

Bà nói: “Nguy cơ chênh lệch lãi suất lớn hơn giữa Mỹ và châu Á có thể sẽ tiếp tục gây áp lực giảm giá đối với tiền tệ của phương Đông”. 

Lợi suất của Mỹ cao hơn Trung Quốc sẽ kéo theo dòng vốn rời bỏ Trung Quốc để đến Mỹ.

Ông Yuting Shao, chiến lược gia vĩ mô tại State Street Global Markets, cho biết sự suy yếu của tiền tệ châu Á sẽ làm tăng lạm phát nhập khẩu, rủi ro dòng vốn chảy đi và buộc các ngân hàng trung ương khu vực phải cân bằng giữa việc nâng lãi suất mà không gây nguy hại cho tăng trưởng.

Khi USD mạnh lên, các đồng tiền chính khác như yen và EUR cũng giảm giá. Tuy nhiên, tốc độ suy yếu của nhân dân tệ vẫn nhỏ hơn tương đối so với những tiền tệ khác, ông Wei Hongxu, một nhà nghiên cứu tại Anbound cho biết.

Nhân dân tệ giảm giá có thể có lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc, những mặt khác cũng có thể làm tăng sự biến động trên thị trường vốn Trung Quốc, ông nói.

Các nhà phân tích tại China International Capital Corporation (CICC) cho biết tác động tích cực của việc đồng nhân dân tệ mất giá đối với xuất khẩu của Trung Quốc dường như đã suy yếu kể từ năm 2017, một phần do căng thẳng thương mại với Mỹ và đại dịch COVID.

“Kể cả nếu chấp nhận logic rằng phá giá tiền tệ sẽ thúc đẩy xuất khẩu, chúng ta cũng cần chú ý tốc độ mất giá của những nền kinh tế khác. Hiện tượng này có thể gọi là ‘phá giá cạnh tranh’”, các nhà phân tích của CICC nói.

CICC cho biết nhân dân tệ hiện đang mạnh hơn tương đối so với nội tệ của những nền kinh tế định hướng xuất khẩu lớn khác, đồng thời hàng hóa của Trung Quốc đã trở nên đắt đỏ hơn so với đối thủ cạnh tranh từ khi đại dịch COVID bắt đầu.

“Những yếu tố trên có thể tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Trung Quốc trong tương lai, đặc biệt khi mà nội tệ của nhiều nền kinh tế xuất khẩu lớn khác bị mất giá”, các nhà phân tích nói thêm.

Kể từ đầu năm, đồng won (KRW) đã mất 13% giá trị so với USD, trong khi yen (JPY) và baht (THB) đã lần lượng sụt giảm 20% và 9,8%. Mức sụt giảm của EUR lên tới 12%. Việt Nam Đồng (VND) mới chỉ giảm 3%. Để so sánh thì nhân dân tệ (CNY) đã mất 8,6% giá trị từ đầu 2022. 

Mức sụt giảm của nhân dân tệ ở mức trung bình so với các đồng nội tệ khác ở châu Á.

Các chuyên gia cho biết đồng yen trượt giá trong nửa đầu năm có thể thúc đẩy cho các nền kinh tế định hướng xuất khẩu khác tự phá giá tiền tệ để đảm bảo tính cạnh tranh. Vào giữa tháng 7, đồng nội tệ của Nhật Bản đã có lúc chạm tới mức thấp nhất trong vòng 24 năm.

“Tại Đông Á, ‘phá giá cạnh tranh’ có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền, mang tới sự xáo trộn và hỗn loạn với thương mại và đầu tư trong khu vực”, ông Wei nói.

Tuy nhiên, rủi ro thương mại nhiều khả năng sẽ hạn chế bởi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đông Nam Á có vị trí khác nhau trong chuỗi cung ứng và công nghiệp.

“Đa số vấn đề nằm ở dòng chảy vốn và đầu tư”, ông Wei cho biết. “Việc đồng các nội tệ của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc mất giá có thể làm trầm trọng thêm rủi ro dòng vốn chảy ra khỏi Châu Á-Thái Bình Dương”.

Minh Quang

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.