|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tín hiệu từ thị trường chứng khoán cho thấy 4 siêu ngân hàng của Trung Quốc có thể đang gặp trục trặc?

16:43 | 07/09/2022
Chia sẻ
Có không ít lý do khiến nhà đầu tư bi quan về "Big 4" ngành ngân hàng của Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh nợ xấu thuộc lĩnh vực bất động sản gia tăng.

 

Biển hiệu của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc tại Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters).  

Rủi ro nợ xấu

Trong quá khứ, các ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc đã góp phần biến đổi nền kinh tế lạc hậu của nước này thành thế lực đáng nể trên toàn cầu.

Giờ đây, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chịu áp lực chưa từng có, các ngân hàng “Big 4” – nắm giữ 36% lượng tiền gửi và phát hành 1/3 tổng khoản vay trên toàn quốc – cũng không tránh khỏi bị liên lụy. Nhưng cổ phiếu của những ngân hàng này có thể đang bị định giá quá thấp.

Thị trường địa ốc Trung Quốc đang điều chỉnh với quy mô và tốc độ chưa từng thấy. Ước tính ngành bất động sản đóng góp tới 25% GDP Trung Quốc và chiếm khoảng 30% giá trị tín dụng chịu rủi ro của các ngân hàng nội địa.

Tuần vừa rồi, Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) đều báo cáo nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản tăng vọt.

Nổi bật nhất là CCB với nợ xấu lĩnh vực bất động sản trong nửa đầu năm 2022 tăng tới 68%. ICBC, ngân hàng thương mại lớn nhất trên thế giới tính theo tài sản, ghi nhận mức tăng 15% trong cùng kỳ.

 

Điều đáng ngạc nhiên là những con số trên hầu như không tạo ra sự khác biệt nào tới bộ tứ. Tỷ suất lợi nhuận ròng của 4 ngân hàng này tăng trong khoảng 5 đến 6%, tỷ lệ nợ xấu tổng thể gần như không đổi. Biên lãi ròng (NIM) chỉ giảm chút ít – tác dụng phụ của nhu cầu tín dụng thấp và các đợt các giảm lãi suất của ngân hàng trung ương.

Nhưng xét trên tổng thể, nhóm Big 4 vẫn hoạt động tốt dù những ngân hàng nhỏ hơn phải vật lộn để sống sót: hai ngân hàng nông thôn ở tỉnh Liêu Ninh đã phá sản trong tuần vừa rồi – và xu hướng này vẫn còn đang diễn ra.

Trên giấy tờ, Big 4 có lớp phòng thủ tuyệt đối. Nhóm này thống trị hoạt động cho vay tới các khách hàng được nhà nước đảm bảo, và do đó chịu rủi ro thấp hơn. Biên lợi nhuận của 4 ngân hàng nằm trong khoảng 24-30% và tỷ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 10%.

Big 4 cũng có “bộ đệm” vốn lớn. Tỷ lệ vốn cấp một của ICBC lên tới 15%. Quy mô hoạt động trên toàn quốc còn đem lại cho những ngân hàng này lợi thế về địa lý. Trong khi đó, các đối thủ nhỏ hơn phải chịu nhiều rủi ro gắn với bong bóng bất động sản địa phương và sự sa sút của lĩnh vực công nghiệp.

Tuy nhiên, tỷ lệ cổ tức hào phóng 7% của Big 4 cũng không đủ để dập tắt sự hoài nghi của các cổ đông. Tổng tỷ suất sinh lời bao gồm cổ tức tái đầu tư hàng năm của những ngân hàng này đã khiến giới đầu tư thất vọng.

ICBC và BOC tạo ra tỷ suất -6% trong 5 năm qua, theo dữ liệu từ Refinitiv. Trung bình, cổ phiếu những ngân hàng này được giao dịch với giá thấp hơn một nửa giá trị sổ sách. Như vậy, mức chiết khấu của cả 4 ngân hàng lên đến 1.900 tỷ nhân dân tệ (tương đương 274 tỷ USD).

 

Điểm yếu lớn

Giới đầu tư có nhiều lý do chính đáng để định giá những cổ phiếu này thấp đến vậy. Theo tờ Reuters, chỉ có rất ít nhà đầu tư Trung Quốc thực sự tin tưởng vào tỷ lệ nợ xấu chính thức dưới 2%.

Một phần là bởi Bắc Kinh thường thúc đẩy các ngân hàng này cho vay để hỗ trợ tăng trưởng – giống như bây giờ - và do đó họ phải trì hoãn việc ghi nhận nợ xấu để đảm bảo các tỷ lệ rủi ro nằm trong ngưỡng cho phép chính thức.

Điểm yếu khác là các ngân hàng có nghĩa vụ ngầm phải mua trái phiếu phát hành bởi các chính quyền địa phương. Trong khi đó, nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc lại đang ở trong tình trạng căng thẳng tài khóa.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất là nhiệm vụ hỗ trợ những bộ phận yếu ớt trong hệ thống tài chính. Các thành viên nhóm Big 4 bị kéo vào việc tái cấu trúc các ngân hàng địa phương gặp rắc rối khi các nhà chức trách thấy cần thiết, giống như trường hợp của CCB với Baoshang Bank năm 2020.

Nếu khối nợ xấu 441 tỷ USD của các ngân hàng Trung Quốc bắt đầu đổ dồn vào bảng cân đối kế toán của các Big 4, thì định giá hiện nay của những cổ phiếu này lại có thể coi là quá hào phóng.

Dĩ nhiên nhà đầu tư cũng có thể trông đợi vào kịch bản tươi sáng hơn. Mọi khủng hoảng bất động sản đều sẽ đi đến hồi kết, và nhóm Big 4 đã vượt qua đợt điều chỉnh lớn của thị trường năm 2015 với vị thế tương đối vững vàng.

Không phải lĩnh vực nào trong nền kinh tế cũng đang xuống dốc. Và Bắc Kinh cũng kiềm chế để không lôi Big 4 vào mọi cuộc giải cứu, mà thay vào đó đôi khi sẽ để các tổ chức địa phương đứng ra can thiệp. Chính phủ trung ương cũng có khả năng sử dụng nguồn lực tài chính của riêng mình để giải cứu các ngân hàng gặp rắc rối, để cho các ngân hàng top đầu thoát khỏi gánh nặng.

Khi tình thế trở nên thực sự khó khăn, Big 4 cũng có thể cắt giảm cổ tức – dẫu sao thì phần lớn số tiền đó cũng đổ vào túi các cổ đông do chính phủ hậu thuẫn. Tùy thuộc vào đánh giá của từng người, các cổ phiếu ngân hàng này có thể đang cực kỳ rẻ, hoặc không đáng để đầu tư.

Giang