|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dân số trở thành điểm yếu của kinh tế Trung Quốc, tác động lớn hơn tỷ giá

14:57 | 06/09/2022
Chia sẻ
Trong ngắn hạn, biến động của đồng nhân dân tệ (NDT) có thể tác động đến sức cạnh tranh của Trung Quốc trước các nước láng giềng. Song về dài hạn, nhân khẩu học mới là vấn đề then chốt giúp các quốc gia châu Á khác vượt qua “gã khổng lồ châu Á” để thu hút thêm đầu tư từ nước ngoài.

Người dân Trung Quốc đi trong Tử Cấm Thành, Bắc Kinh. (Ảnh: AP).

Biến động của đồng NDT

Trong phiên giao dịch 5/9, đồng NDT tại thị trường nước ngoài đã giảm xuống 6,9543 NDT/USD, mức thấp mới trong hai năm, giữa những lo ngại về chính sách phong tỏa chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc.

Theo SCMP, phát biểu gần đây của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, về kế hoạch tăng lãi suất mạnh hơn để chống lạm phát đã tác động lớn đến các thị trường toàn cầu và dẫn đến đà giảm của một số đồng tiền chủ chốt.

Tuy nhiên, sự tụt dốc của đồng NDT trong năm nay là không lớn so với các đồng tiền khác ở châu Á-Thái Bình Dương, như đồng yen (Nhật Bản), đồng won (Hàn Quốc) và đồng baht (Thái Lan).

Nhân dân tệ suy yếu so với USD.

Bà Wang Tao, nhà kinh tế chuyên về Trung Quốc tại ngân hàng UBS (Thụy Sỹ), nhận định sự suy yếu của đồng nội tệ sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu của các nước châu Á và đà giảm trong phạm vi thích hợp với biên độ có kiểm soát của đồng NDT cũng là nhân tố tích cực cho hoạt động xuất khẩu nói chung.

Ông Mark Williams, nhà kinh tế phụ trách khu vực châu Á tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics có trụ sở tại London, lưu ý các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang lo ngại sự sụt giảm liên tục của NDT so với USD sẽ thúc đẩy hoạt động đầu cơ như đã xảy ra trong năm 2015 và 2016. Hơn nữa, đà giảm của NDT cũng có thể ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng NDT trở thành đồng tiền toàn cầu.

Tao Chuan, trưởng nhóm phân tích vĩ mô tại Soochow Securities, cảnh báo trừ khi thị trường bất động sản có thể ổn định và phục hồi trước tháng 9 và tháng 10, tỷ giá hối đoái có thể chạm mốc 7 NDT/USD vào đầu tháng 9.

Theo chuyên gia này, đồng NDT đã nổi lên như một tài sản an toàn sau khi đại dịch bùng phát do mối tương quan thấp giữa tài sản Trung Quốc và các nền kinh tế khác, nhưng hiện nay sự bùng phát của dịch COVID-19 và rủi ro tài sản đã hạn chế lợi thế của đồng tiền này.

Ngoài vấn đề về tỷ giá, chiến lược gia Yuting Shao tại State Street Global Markets, cho rằng Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều sóng gió, bao gồm chính sách Zero COVID, sự sụt giảm của lĩnh vực bất động sản và môi trường bên ngoài bất lợi.

Điểm yếu nhân khẩu học

Về dài hạn, bà Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng Natixis (Pháp) đánh giá xu hướng nhân khẩu học sẽ là chìa khóa nâng cao sức cạnh tranh cho các nền kinh tế châu Á, khi Trung Quốc đã tụt hậu so với các quốc gia láng giềng có dân số trẻ hơn.

Theo Natixis, Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang vượt qua Trung Quốc để trở thành điểm đến hàng đầu của hoạt động đầu tư mua bán sáp nhập (M&A) nước ngoài.

Bà Garcia-Herrero ước tính một khu vực châu Á trẻ trung, với các nước như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Pakistan và Bangladesh, sẽ chứng kiến dân số trong độ tuổi lao động tăng khoảng 3 tỷ người. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn về việc làm và cơ sở hạ tầng ở hai thập kỷ tới.

Theo ngân hàng Natixis, trong năm 2021 đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn châu Á đã tăng 19%, nhờ nguồn nhân khẩu học và nhu cầu cơ sở hạ tầng thu hút vốn nước ngoài. Số liệu từ Bộ Thương mại cho thấy năm ngoái, dòng vốn vào Trung Quốc tăng 20,2% so với năm trước lên 173,48 tỷ USD.

Cũng trong năm 2021, dân số Trung Quốc tăng 480.000 lên 1,4126 tỷ người, giảm so với mức tăng 2,04 triệu người năm 2020. Các bà mẹ Trung Quốc chỉ sinh 10,62 triệu trẻ vào năm ngoái, giảm 11,5% so với năm 2020.

Một số nhà nhân khẩu học nhận định dân số Trung Quốc đạt đỉnh trong năm 2021. Báo cáo “Triển vọng Dân số Thế giới 2022” của Liên hợp quốc công bố vào tháng 7 cũng dự kiến dân số Trung Quốc sẽ giảm vào đầu năm tới.

Tốc độ tăng dân số của Trung Quốc giảm dần.

Bà Katrina Ell, nhà kinh tế tại Moody’s Analytics đánh giá dù đối mặt với vấn đề nhập khẩu lạm phát, các quốc gia láng giềng của Trung Quốc sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.

Lạm phát tại Hàn Quốc trong tháng 7 đã vọt lên 6,3%, mức cao nhất gần 24 năm trong khi lạm phát bán lẻ tại Ấn Độ dự kiến sẽ trên 6% cho đến tháng 2, vượt ngưỡng cho phép của ngân hàng trung ương.

Đồng quan điểm với nhà kinh tế Ell, bà Garcia-Herrero cho rằng dù chịu tác động do biến động của đồng USD, các nền kinh tế châu Á vẫn tiếp tục phục hồi. Bà nhấn mạnh tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đà tăng của giá hàng hóa là lợi thế cho một số quốc gia châu Á xuất khẩu ròng, như Indonesia và Malaysia, gia tăng tài khoản vãng lai.

Trà My

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.