|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chính quyền địa phương Trung Quốc tăng phạt hành chính, xử phạt giao thông để thúc đẩy doanh thu

15:41 | 18/09/2022
Chia sẻ
Tình hình tài chính của chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc đang bị căng thẳng vì doanh thu sụt giảm do kinh tế suy yếu và phí tổn chống dịch gia tăng. Giới chức trách buộc phải khai thác những nguồn thu bất thường để bù đắp thâm hụt ngân sách tài khóa.

 

Cảnh sát giao thông Trung Quốc xử phạt người vi phạm. (Ảnh: CGTN). 

Áp lực khổng lồ

Mức phạt 66.000 nhân dân tệ (tương đương 9.525 USD) vì bán cần tây kém chất lượng và 300.000 nhân dân tệ (khoảng 43.300 USD) vì “thổi giá” khoai tây có vẻ rất cực đoan. Nhưng những hình phạt phi lý này đang ngày càng phổ biến trong bối cảnh chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc phải tìm cách tăng doanh thu. Rắc rối tài khóa của nước này đang dần lộ rõ. 

Các chính quyền địa phương Trung Quốc đang phải vật lộn để bảo vệ bảng cân đối tài khóa. Trong nửa đầu năm 2022, doanh thu của toàn bộ 31 tỉnh, thành phố và khu tự trị của Trung Quốc đại lục đều không đủ đáp ứng chi tiêu.

Doanh thu bán đất, công cụ quan trọng thường chiếm gần 30% đến 50% doanh thu của các chính quyền địa phương, giảm kỷ lục 31,7% trong 7 tháng đầu năm 2022. Doanh thu thuế từ doanh nghiệp cũng suy giảm do kinh tế địa phương chậm lại.

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết trong 7 tháng đầu năm, thu nhập của chính quyền từ thuế doanh nghiệp giảm 13,8% so với một năm trước, xuống còn 10.270 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.480 tỷ USD).

Cùng lúc đó, các chính quyền địa phương lại phải gánh phí tổn của các biện pháp chống dịch, ví dụ như tiền xét nghiệm COVID-19. Họ cũng phải tài trợ cho chương trình hoàn thuế nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong đại dịch.

Ông Xu Tianchen, nhà kinh tế thuộc The Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết: “Các khoản cắt giảm và hoàn thuế khổng lồ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong năm nay đã giáng đòn đau vào tài chính công của nhiều tỉnh thành. Thuế giá trị gia tăng, một trong những nguồn thu quan trọng của chính quyền, giảm hơn 40%”.

Doanh thu đi xuống và chi tiêu tăng khiến Trung Quốc thâm hụt 5.300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 765 triệu USD) trong 7 tháng đầu năm, nguyên nhân chính là các chi phí liên quan đến COVID-19.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang gặp nguy sau khi GDP quý II chỉ nhích nhẹ 0,4%. Các ngân hàng tài chính toàn cầu lần lượt hạ dự báo cả năm 2022 xuống còn khoảng 2,6% đến 3,3%. Bắc Kinh cũng đã thừa nhận có thể sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm “khoảng 5,5%”.

Nửa cuối năm nay, nhiệm vụ kích thích tăng trưởng kinh tế chủ yếu sẽ do các chính quyền địa phương cáng đáng thông qua chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. 

Trong khi đó, hạn ngạch chuyển giao mà giới chức địa phương nhận được từ chính quyền trung ương và hạn ngạch cho trái phiếu phục vụ mục đích đặc biệt để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng đã được sử dụng hết. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh hầu như không còn sự trợ giúp nào để cung cấp cho chính quyền địa phương, tờ South China Morning Post cho biết. 

Trong cuộc họp tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi: “Các chính quyền địa phương nên thắt chặt chi tiêu, sử dụng hiệu quả hơn các tài sản sẵn có, duy trì sự cân bằng giữa doanh thu và chi phí, đảm bảo chi tiêu tài khóa để bảo vệ sinh kế của người dân”.

Bà Susan Chu, Giám đốc tại S&P Global Ratings cho biết: “Chúng tôi dự đoán thâm hụt tài khóa trên tổng doanh thu của chính quyền địa phương Trung Quốc trong năm 2022 sẽ vào khoảng 20 – 25%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 11% năm 2011 và 16% năm 2020”.

"Làm mọi thứ có thể"

Kể từ năm ngoái, số thành phố phải dựa vào tiền phạt để tăng doanh thu tài khóa ngày càng gia tăng. Theo dữ liệu công khai được tổng hợp bởi tờ Southern Weekly tỉnh Quảng Châu, năm ngoái doanh thu chính quyền địa phương từ tiền phạt và tịch thu từ các nguồn bất hợp pháp bao gồm lừa đảo đa cấp đã gia tăng tại 80 trên 111 thành phố, tương đương tỷ lệ 72%.

15 thành phố ghi nhận doanh thu từ tiền phạt và tịch thu tăng hơn hai lần, bao gồm Lạc Sơn ở tỉnh Tứ Xuyên và Nam Xương của tỉnh Giang Tây.

Tháng trước, một người bán tạp hóa ở thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, bị giới chức địa phương phạt 66.000 nhân dân tệ vì bán 2,5 kg cần tây kém chất lượng với giá 20 nhân dân tệ (khoảng 2,9 USD). Năm ngoái, Ngọc Lâm đạt 58,7 tỷ nhân dân tệ doanh thu nhưng lại chi đến 80 tỷ nhân dân tệ, đẩy hệ số nợ lên 123%.

Tại thành phố Đại Khánh ở tỉnh Hắc Long Giang, một người bán khoai tây bị phạt 300.000 nhân dân tệ vì “thổi giá” 66% sau khi rao bán khoai với giá 4 nhân dân tệ/kg, truyền thông địa phương đưa tin. Năm 2021, tổng chi tiêu tài khóa của Đại Khánh gấp đôi doanh thu, hệ số nợ của chính quyền địa phương này lên đến 266%.

Theo nhà kinh tế Xu của EIU, người dân bị phạt nặng là bởi chính quyền địa phương vẫn còn các khoản chi quá lớn cần thực hiện nhưng nguồn lực thì lại quá ít. Do đó, tại các địa phương có tài chính eo hẹp, các quan chức sẽ “làm mọi thứ có thể để thắt chặt chi tiêu và khai thác các nguồn thu bất thường như tiền phạt". 

Cảnh sát giao thông tại nhiều thành phố đã đẩy mạnh ghi vé phạt. Trên khắp Trung Quốc, đã có thêm nhiều trạm kiểm tra được dựng lên để phạt tài xế và hành khách vì không thắt dây an toàn và những vi phạm tương tự.

Nếu các biện pháp bất thường trên tiếp tục được thực hiện, chúng có thể gây ra các hậu quả như suy giảm chất lượng của dịch vụ công, các vụ biểu tình nhỏ lẻ, và cuối cùng là vỡ nợ chính quyền địa phương.

Ông Xu nói thêm: “Nhìn từ góc độ vĩ mô, khu vực công là lĩnh vực sử dụng lao động lớn ở Trung Quốc. Căng thẳng tài khóa hiện tại có thể khiến thu nhập của người lao động trong khu vực này giảm sút, làm suy yếu chi tiêu tiêu dùng hơn nữa”.

Do căng thẳng tài chính, một số chính quyền địa phương đã phải ngừng dịch vụ công, bao gồm xe buýt, và trì hoãn trả lương cho công chức.

Tại huyện Hà Khúc ở tỉnh Sơn Tây, 2/3 công chức đã bị sa thải, phá vỡ niềm tin truyền thống rằng làm việc cho nhà nước là nghề nghiệp ổn định và an toàn. Đan Thành, huyện có 1,37 triệu dân thuộc tỉnh Hà Nam, đã ngừng dịch vụ xe buýt từ tháng trước.

Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết: “Trong tương lai, chính quyền địa phương có thể sẽ bán tài sản để đối phó với áp lực tài khóa. Các chính quyền địa phương có doanh nghiệp nhà nước, có tài sản, có các hoạt động kinh doanh tạo ra dòng tiền, ví dụ như đường cao tốc. Những tài sản đó có thể được đem bán.

Nhưng giải pháp cuối cùng phải đến từ sự phục hồi của nền kinh tế địa phương. Nếu không, thách thức kinh tế và tài khóa chỉ có thể được giải quyết khi Trung Quốc giúp nền kinh tế hồi phục hồi đúng với tiềm năng. Hy vọng rằng sau đại hội đảng sắp tới hoặc qua đầu năm sau, chính sách Zero COVID có thể được nới lỏng, giúp nền kinh tế phục hồi”. 

Giang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.