|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bão Muifa đổ bộ, đe doạ giáng đòn đau khác vào nền kinh tế Trung Quốc

12:14 | 15/09/2022
Chia sẻ
Trung Quốc đang gấp rút chuẩn bị để ứng phó với bão Muifa. Một loạt các hiện tượng thời tiết bất thường, bao gồm cơn bão này, có thể giáng một đòn đau khác vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bão lớn đổ bộ

Theo đưa tin từ Washington Post, các nhà chức trách trung Quốc đang chuẩn bị tinh thần để đối phó các đợt mưa to và gió lớn mà cơn bão Muifa gây ra.

Hiện tại, chính quyền địa phương đã huỷ các chuyến bay và tàu hoả đến và đi từ thành phố Thượng Hải cũng như đóng cửa một số cảng biển sầm uất nhất đất nước.

Các động thái của giới chức Trung Quốc khiến công việc của hàng triệu người dân phải tạm dừng lại. Tính đến tối ngày 14/9, cơn bão đã đổ bộ vào đảo Zhoushan ở tỉnh Chiết Giang.

Cơ quan Khí tượng Thuỷ văn Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo đỏ - mức mạnh nhất trong hệ thống cảnh báo bão 4 cấp của nước này. Bão Muifa được ghi nhận có sức gió tối đa đến 158 km/h.

Muifa là cơn bão lớn thứ 12 đổ bộ vào Trung Quốc trong năm nay. Truyền thông nhà nước đưa tin bão Muifa có thể gây ảnh hưởng đến 12 tỉnh.

Ở diễn biến khác, tờ Xinhua (Tân Hoa Xã) cho biết mối đe doạ lở đất đã buộc hơn 1,3 triệu người phải sơ tán khỏi Chiết Giang - địa phương có một trong các cảng biển nhộn nhịp nhất thế giới.

Người phụ nữ đạp xe qua một cây cầu ở Thượng Hải khi bão Muifa đổ bộ vào đất liền. (Ảnh: Shutterstock).

Theo Washington Post, các chuyên gia cho rằng bão Muifa hình thành một phần là do sóng nhiệt quét qua Trung Quốc kể từ tháng 6. Đây là một trong các chuỗi hiện tượng thời tiết khắc nghiệt mà giới khoa học cho là có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Đợt hạn hán tồi tệ nhất từng được ghi nhận vẫn đang tiếp tục ở nhiều khu vực trên khắp Trung Quốc, dẫn đến nhiệt độ có thời điểm vọt lên tới 45 độ C.

Sang đến tháng 8, tỉnh Thanh Hải ở miền tây Trung Quốc lại phải gánh chịu trận lũ quét nghiêm trọng dẫn đến núi lở, khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và gần 20 người mất tích.

Sau đó, vào đầu tháng này, siêu bão Hinnamnor cũng gây thiệt hại cho Trung Quốc trước khi đổ bộ vào phần phía nam của Hàn Quốc.

Cú đánh vào nền kinh tế

Nhìn chung, các sự kiện nói trên đã và đang gây tổn hại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một loạt nhà máy ở khu vực tây nam đất nước đã phải đóng cửa tạm thời để tiết kiệm năng lượng. Ở một số vùng, giới chức trách đã phải “gieo mây” để kích thích mưa.

Bão Muifa đã gây gián đoạn nghiêm trọng cho các hoạt động đô thị. Đầu tuần này, các dịch vụ xe lửa trên khắp miền đông Trung Quốc đã phải tạm dừng mà không có thông tin chi tiết về thời gian vận hành trở lại.

Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, gần 40% dân số của nước này đang sống ở các tỉnh thành miền đông.

Hai sân bay lớn của Thượng Hải là Pudong và Hongqiao đã huỷ gần 600 chuyến bay trong ngày 14/9, theo thông báo được đăng tải trên tài khoản Weibo của cơ quan quản lý sân bay.

Pudong từng là sân bay nhộn nhịp thứ ba của Trung Quốc, nhưng đại dịch đã làm giảm đáng kể lưu lượng hành khác đến và đi từ Thượng Hải.

Tại các khu vực đô thị trũng thấp, dưới tác động của bão Muifa, nước dâng từ biển Hoàng Hải có thể gây ra lũ lụt trầm trọng.

Cơn bão thứ 12 này xuất hiện ngay trước thềm đại hội đảng - một cuộc họp quan trọng của Bắc Kinh.

Sự kiện trọng đại này đã buộc giới chức trách phải tăng cường các biện pháp kiểm soát COVID hà khắc và phong toả nhiều thành phố lớn nhỏ để đảm bảo đất nước hoàn thành chính sách “Zero COVID”.

Cùng với cuộc khủng hoảng trong diễn ra trong lĩnh vực bất động sản, chiến lược Zero COVID đã đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc và khiến triển vọng kinh tế trong nửa cuối năm trở nên u ám.

Theo dự báo buổi sáng ngày 14/9 từ Trung tâm Cảnh báo Bão của Hải quân Mỹ, trong vài ngày tới, bão Muifa dự kiến sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng tây bắc, dọc theo đường bờ biển trước khi chuyển hướng về phía đông bắc và tan biến gần phía bắc biển Hoàng Hải.

Các nhà khí tượng đang theo dõi một vùng áp thấp nhiệt đới có thể xuất hiện và quét qua quần đảo Nhật Bản cũng như biển Hoa Đông vào tuần tới.

Khả Nhân

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.