Kinh tế Mỹ thở phào nhẹ nhõm sau khi tạm ngăn được cuộc đình công khổng lồ
Khó khăn ở phía trước
Theo Reuters, ngành đường sắt vận tải của Mỹ và các công đoàn đại diện cho 115.000 người lao động có thể đã đạt được thỏa thuận ngăn chặn một cuộc đình công khổng lồ.
Các nhà lãnh đạo của 12 công đoàn tham gia vào cuộc đàm phán hiện sẽ phải thuyết phục các thành viên đồng ý với thỏa thuận trên vào tuần tới. Tuy nhiên, nhiệm vụ này sẽ không hề dễ dàng do vẫn còn một số phàn nàn của người lao động và các công đoàn nhỏ.
Vào sáng ngày 15/9, Tổng thống Joe Biden đã công bố thỏa thuận trên. Việc thỏa thuận được thông qua mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng với chính quyền của ông trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kì vào tháng 11 sắp tới, có thể quyết định xem liệu Đảng Dân chủ có nắm được quyền kiểm soát Quốc hội hay không.
Tổng thống Biden cũng tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, và thỏa thuận trên là một phần quan trọng của mục tiêu này.
Các chuyên gia về lao động cho biết, mặc dù chính quyền Tổng thống Biden hỗ trợ việc thiết lập thỏa thuận, quyền quyết định cuối cùng sẽ thuộc về người lao động.
“Tổng thống không thể buộc thỏa thuận được thông qua”, Giám đốc của Reliant Labor Consultants, ông Joe Brock cho biết. “Tôi thậm chí còn không chắc rằng thỏa thuận này sẽ được người lao động chấp nhận”.
Các công nhân ngành đường sắt đã trải qua ba năm không được tăng lương. Thỏa thuận mới sẽ nâng mức lương lên đáng kể, tuy nhiên vẫn còn những tranh chấp xung quanh vấn đề chuyên cần, thời gian nghỉ ốm và lịch làm việc.
Cho đến nay, 11.000 thành viên tại hai trong số 12 công đoàn đã phê chuẩn thỏa thuận. Tuy nhiên, 4.900 thành viên khác tại Hiệp hội Máy móc và Công nhân Hàng không Vũ trụ Quốc tế (IAM) Quận 19 đã từ chối thỏa thuận và có lẽ sẽ quay trở lại bàn đàm phán. IAM chưa đưa ra bình luận gì.
Ngoài ra, công nhân từ nhiều công đoàn đường sắt khác nhau cũng đã lên mạng để phàn nàn về thỏa thuận mới, cho rằng chúng không cung cấp cho họ sự bảo vệ cần thiết.
Ngành đường sắt, bao gồm Union Pacific, BNSF và Norfolk Southern đã cắt giảm gần 30% lực lượng lao động trong 6 năm qua, đòi hỏi nhiều hơn từ những người lao động phải đối mặt với nguy cơ nhiễm COVID trong khi lợi nhuận vẫn tăng đều, và công ty liên tục mua lại cổ phiếu, chia cổ tức.
Tạm thời, các công nhân đã đồng ý không đình công trong khi chờ quyết định cuối cùng được đưa ra. Ông Seth Harris, Giáo sư tại Đại học Northeastern, cho biết "[các công đoàn] sẽ phải vận động [người lao động] rất tích cực".
Thở phào nhẹ nhõm
Một cuộc đình công có thể khiến 30% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt bị ngừng lại, gây ra lạm phát và khiến nền kinh tế thiệt hại tới 2 tỷ USD mỗi ngày.
Không dừng lại ở đó, hậu quả cuộc cuộc đình công sẽ ảnh hưởng tới một loạt các lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, sản xuất, chăm sóc sức khỏe và bán lẻ.
Amtrak đã hủy tất cả các chuyến tàu đường dài vào đầu tuần này. Công ty cho biết sẽ làm việc nhanh chóng nhằm khôi phục dịch vụ và thông báo cho khách hàng bị ảnh hưởng.
Metra, công ty điều hành đường sắt đi lại ở khu vực Chicago, nói với khách hàng trong một tuyên bố hôm 15/9: “Chúng tôi cảm thấy an lòng vì có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ an toàn và tin cậy. Xin hãy chấp nhận lời xin lỗi của chúng tôi về một tuần đầy bất ổn và lo lắng vừa qua".
Metra đã dự kiến phải ngừng hoạt động 9 trong số 11 tuyến đường sắt vào hôm 16/9, từng chở trung bình 36 triệu hành khách mỗi năm trong giai đoạn 2019-2021. Hồi đầu tuần, hãng đã phải cảnh báo khách hàng rằng một số chuyến tàu có thể ngừng hoạt động vào đêm 15/9.
Ông Jim Mathews, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Hành khách Đường sắt, cho rằng chính quyền Biden đã góp công thúc đẩy sự hoàn thành của thỏa thuận hôm 15/9.
Bộ trưởng Lao động Marty Walsh đã chủ trì cuộc đàm phán khoảng 20 giờ và Tổng thống Biden đã gọi điện nói chuyện với các nhà đàm phán vào tối 14/9.
Tổng thống Biden, đôi khi được gọi là “Amtrak Joe” vì ông đã đi tàu của Amtrak gần như hàng ngày từ nhà ở Delaware đến Washington khi còn làm việc Thượng viện Mỹ, đã nói về việc phục hưng ngành đường sắt Mỹ. Dự luật cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng, được thông qua năm ngoái, đã đầu tư 66 tỷ USD cho ngành đường sắt.
“Một cuộc đình công thực sự sẽ là một đòn giáng mạnh vào mục tiêu chính sách [của Tổng thống] là phục hưng ngành đường sắt,” ông Mathews nói. "Thỏa thuận này là một minh chứng cho cam kết của [chính quyền ông Biden]".