|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ cố sức ngăn hàng chục nghìn lao động đình công, tránh tê liệt nền kinh tế

08:09 | 15/09/2022
Chia sẻ
Mỹ đang đối mặt với nguy cơ về một cuộc đình công lớn của ngành đường sắt, làm tê liệt nền kinh tế, gia tăng lạm phát và ảnh hưởng đến triển vọng của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.

Theo Reuters, vào hôm 13/9, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra kế hoạch dự phòng nhằm đảm bảo hàng hóa thiết yếu vẫn sẽ được vận chuyển trong trường hợp hệ thống đường sắt của Mỹ ngừng hoạt động.

Công đoàn đường sắt đang dự kiến sẽ đình công vào hôm 16/9. Washington cũng đang cố gắng thúc đẩy đàm phán giữa doanh nghiệp đường sắt và liên đoàn lao động để tránh một cuộc đình công.

Sự kiện đình công lần đầu tiên trong 30 năm của ngành đường sắt có thể sẽ khiến 30% chuyến hàng bị mắc kẹt, thổi bùng lạm phát, cản trở vận chuyển lương thực và nhiên liệu, khiến kinh tế Mỹ thiệt hại 2 tỷ USD mỗi ngày và gây nhiều vấn đề cho giao thông.

 Mỹ có hệ thống đường sắt rất phát triển.

Các doanh nghiệp đường sắt bao gồm Union Pacific, BNSF, CSX và Norfolk Southern có thời hạn đến đêm ngày 16/9 để đạt được các thỏa thuận với 3 công đoàn đại diện cho người lao động.

Một phát ngôn viên của Bộ Lao động Mỹ cho biết Bộ trưởng Marty Walsh “sẽ tiếp đón các công ty đường sắt và công đoàn tại Washington”, dự kiếm vào hôm 14/9. Chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục “nỗ lực hợp tác nhằm khuyến khích các bên đi đến một thỏa thuận có lợi”.

Nếu các thỏa thuận thất bại, công đoàn có thể đình công hoặc doanh nghiệp sẽ cho người lao động nghỉ việc. Các công ty đường sắt và công đoàn cũng có thể tiếp tục đàm phán thêm. Trong trường hợp xấu hơn, Quốc hội Mỹ sẽ can thiệp nhằm kéo dài cuộc đàm phán hoặc thiết lập các điều khoản dàn xếp.

Chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực dàn xếp tranh chấp khi các tập đoàn thực phẩm, năng lượng, ô tô và bán lẻ yêu cầu quốc hội can thiệp. Những doanh nghiệp này cho rằng việc đường sắt ngừng hoạt động có thể đe dọa mọi thứ từ ngũ cốc cho đến các chuyến hàng cho dịp Giáng sinh.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết chính quyền đang yêu cầu các chủ xe tải và hãng hàng không hỗ trợ nếu dịch vụ đường sắt ngừng hoạt động 

Washington cũng xem xét việc kêu gọi các cơ quan khẩn cấp. Bà Jean-Pierre nói thêm rằng chính quyền đang tổ chức các cuộc họp liên ngành hàng ngày để đánh giá chuỗi cung ứng và mặt hàng nào chịu rủi ro cao nhất.

"Không thể chấp nhận được"

Một quan chức Nhà Trắng nói với Reuters rằng "việc đình công là không thể chấp nhận được và sẽ gây tổn hại cho người lao động, gia đình và doanh nghiệp Mỹ. Washington phải hành động để ngăn chặn kết quả này".

Một vấn đề quan trọng là đảm bảo "tiếp tục phân phối các nguyên liệu nguy hiểm, thiết yếu đang phụ thuộc vào vận tải đường sắt, chẳng hạn như clo cho các nhà máy xử lý nước", quan chức này nói thêm. 

Vào hôm 12/9, các doanh nghiệp đường sắt đã ngừng nhận chuyển hàng hóa nguy hiểm như clo và hóa chất trong phân bón để tránh trường hợp bị mắc kẹt tại những địa điểm không an toàn nếu đình công diễn ra. Ngành năng lượng Mỹ dựa vào đường sắt để vận chuyển than, dầu thô, ethanol và các nhiên liệu khác.

Một chuyến tàu chở dầu thô của Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Một số công ty đường sắt có kế hoạch đặt ra các hạn chế bổ sung, có thể ảnh hưởng tới các nhà cung ứng thực phẩm và bán lẻ trực tuyến sử dụng cách loại hình vận tải đa phương thức như tàu thủy, xe lửa và xe tải.

Công ty BNSF, phục vụ miền tây nước Mỹ, cho biết sẽ ngừng nhận hàng hóa đông lạnh vận tải đa phương thức. Norfolk Southern, phục vụ miền đông nước Mỹ, thông báo sẽ ngừng tất cả các chuyến hàng đa phương thức.

Công ty đường sắt chở khách Amtrak, sử dụng chung hệ thống đường sắt với các doanh nghiệp vận tải đang phải đối mặt với sự gián đoạn ngày càng lớn. Amtrak tuyên bố sẽ hủy các chuyến tàu trên 7 tuyến đường dài vào hôm 14/9 sau khi đã hủy 4 chuyến khác vào hôm trước.

Rủi ro lớn

Tổng thống Joe Biden đang đối mặt với rủi ro lớn, sau khi đã hứa sẽ kiềm chế lạm phát trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11. Thành bại trong cuộc bầu cử sẽ quyết định liệu Đảng Dân chủ của ông có duy trì quyền kiểm soát Quốc hội hay không.

Tổng thống Biden đã bổ nhiệm một hội đồng khẩn cấp vào tháng 7 để đề ra một khuôn khổ cho các điều khoản dàn xếp. Lần đầu tiên từ năm 1990, Quốc hội Mỹ mới phải can thiệp vào một cuộc đình công của ngành đường sắt.

Lạm phát trong tháng 8 tại Mỹ đã tăng trở lại so với tháng liền trước, tạo thêm áp lực cho chính quyền Tổng thống Biden.

Các công đoàn trong các cuộc đàm phán hiện tại đã được đề nghị tăng lương đáng kể. Ba trong số 12 công đoàn, đại diện cho khoảng một nửa trong số 115.000 công nhân vẫn chưa ký thỏa thuận.

Các công đoàn đang đấu tranh với ngành đường sắt về điều kiện làm việc ngày càng tồi tệ hơn sau khi ngành này cắt giảm gần 30% lực lượng lao động trong 6 năm qua.

Khách hàng sử dụng đường sắt cho biết việc ngừng hoạt động sẽ buộc họ phải tranh giành các phương tiện vận chuyển và lưu trữ thay thế cho mọi thứ, từ amoniac, nhiên liệu cho tới ô tô và thức ăn cho gà.

Cần khoảng 4 xe tải để mang theo lượng hàng hóa cho một toa tàu. Mỹ không thể nào kiếm được 467.000 xe tải và người lái xe để thay thế khi đường sắt ngừng hoạt động. Ngoài ra, một số loại hàng hóa quá khổ cũng chỉ có thể được vận chuyển bằng đường sắt.

Theo Hiệp hội Ngũ cốc và Thức ăn chăn nuôi Quốc gia, việc đường sắt tê liệt có thể xảy đến khi nông dân Mỹ thu hoạch ngô, lúa mì và đậu nành để xuất khẩu trên khắp thế giới.

Hiệp hội này cho biết: “Những thiệt hại kinh tế trên toàn bộ chuỗi cung ứng nông sản và thực phẩm sẽ đến nhanh chóng và nghiêm trọng”.

Ông Justin Louchheim, Giám đốc cấp cao về các vấn đề chính phủ tại Viện Phân bón, đại diện cho các công ty phụ thuộc vào nguồn cung amoniac, nói thêm: "Khi xem xét đến an ninh lượng thực toàn cầu, thì [bãi công] đang tạo ra một cuộc khủng hoảng”.

Các nhà sản xuất ô tô lo ngại rằng sự gián đoạn có thể làm các đại lý thiếu ô tô để trưng bày. Toyota cho biết sẽ phải tích trữ xe và "nhiều địa điểm sẽ hết hàng trong vòng hai đến 4 ngày".

Minh Quang