|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Biden miệng nói quan tâm lạm phát nhưng thực tế có phải hay không?

12:18 | 12/08/2022
Chia sẻ
Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ đang thúc đẩy một dự luật mới, với cam kết có thể giúp hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ. Tuy nhiên, phân tích của Wall Street Journal chỉ ra rằng dự luật này có thể gây ra tác dụng ngược.

Hai vấn đề lớn của một đề xuất mới

Kể từ khi lạm phát trở thành mối lo ngại hàng đầu của công chúng Mỹ, Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ Đảng Dân chủ đã cố gắng thể hiện rằng họ rất chú tâm tới vấn đề này, thậm chí còn đặt tên cho đề xuất thuế, môi trường và chăm sóc sức khoẻ mới nhất là “Dự luật Hạ nhiệt Lạm phát”.

Giữa tuần này, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố rằng thông qua dự luật trên là “điều quan trọng nhất mà Quốc hội có thể làm” để giữ cho lạm phát không trở nên tồi tệ hơn, theo Wall Street Journal.

Song, có hai vấn đề với Dự luật Hạ nhiệt Lạm phát. Đầu tiên là với tuyên bố của dự luật, rằng trong 10 năm tới, (nếu được ban hành) gói đề xuất sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách khoảng 300 tỷ USD, qua đó kéo tổng cầu và áp lực lạm phát đi xuống.

Tuy nhiên, thời gian thực hiện và các nội dung bên trong cho thấy dự luật có thể sẽ không tác động nhiều đến lạm phát trong vài năm tới, dù đây là thời điểm cần kíp nhất để khống chế đà tăng của giá cả.

Thứ hai, dự luật mới - vừa được Thượng viện thông qua cuối tuần trước bằng quy trình điều chỉnh ngân sách và sẽ được Hạ viện bỏ phiếu vào ngày 12/8, chỉ là một trong nhiều đề xuất mà ông Biden ký hoặc ủng hộ trong năm qua.

Ví dụ, hôm 10/8, ông đã ký ban hành một đạo luật lưỡng đảng giúp tăng cường quyền lợi cho các cựu chiến binh bị phơi nhiễm chất độc trong chiến tranh. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), đạo luật này sẽ khiến ngân sách của chính phủ thâm hụt thêm 278 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Ngoài ra, đạo luật cơ sở hạ tầng mà ông Biden đặt bút ký vào cuối năm ngoái và đạo luật thúc đẩy ngành bán dẫn tại Mỹ mà ông ban hành hôm 9/8 lần lượt khiến thâm hụt tăng thêm 257 tỷ USD và 79 tỷ USD.

Tính chung, thay vì giúp thâm hụt ngân sách đi xuống, 4 đạo luật và dự luật trên lại làm cho thâm hụt tăng thêm khoảng 300 tỷ USD trong thập kỷ tới, các nhà kinh tế tại CBO nhận định.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty Images).

Dù vậy, các ước tính mà CBO đưa ra không hẳn là quá lớn. Gói kích thích COVID trị giá 1.900 tỷ USD mà ông Biden ban hành hồi năm ngoái tương đương hơn 8% GDP của Mỹ và do đó góp phần thổi bùng áp lực lạm phát.

Ngược lại, 300 tỷ USD trong 10 năm chỉ bằng 0,1% GDP, không đủ để tạo ra hoặc phá vỡ triển vọng lạm phát. Nhóm nghiên cứu Penn Wharton Budget Model nói tác động của dự luật mới nhất đối với lạm phát là “gần như bằng 0”.

Song, thực tế là ông Biden đã nhiệt tình ký ban hành một loạt dự luật, làm thâm hụt ngân sách phình to. Điều này cho thấy vị tổng thống ít dành sự ưu tiên cho lạm phát trong chương trình lập pháp của mình như thế nào.

Lạm phát không phải ưu tiên của ông Biden?

Kiểm soát lạm phát chủ yếu là công việc của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), như chính ông Biden từng lưu ý. Tuy nhiên, chính sách tài khoá có thể giúp giảm thâm hụt ngân sách (qua đó kéo tổng cầu đi xuống) hoặc thúc đẩy nguồn cung bằng cách cho phép doanh nghiệp sản xuất hàng hoá và dịch vụ với giá rẻ hơn.

Wall Street Journal nhận thấy cả hai đều không phải trọng tâm trong chương trình nghị sự của ông Biden. Thay vào đó, ưu tiên của ông là mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, thu hẹp bất bình đẳng xã hội và chủng tộc, chống biến đổi khí hậu và đưa ngành chế tạo quay trở lại Mỹ.

Nhà Trắng và những người ủng hộ đương kim Tổng thống Mỹ đã tìm cách “thay bình mới” cho chương trình nghị sự trên, tuyên truyền rằng nó được tạo ra để khống chế áp lực lạm phát.

Theo một lá thư do các nhà kinh tế chủ yếu thuộc Đảng Dân chủ hoặc phe cánh tả chắp bút, Dự luật Hạ nhiệt Lạm phát sẽ “giải quyết một số thách thức lớn nhất của nước Mỹ ở quy mô lớn. Và vì dự luật này giúp giảm thâm hụt ngân sách, nó cũng tạo ra áp lực suy yếu lên lạm phát”.

Tuy nhiên, phải đến giai đoạn 2027 - 2031 thì tác động giảm thâm hụt ngân sách của dự luật mới mới phát huy. Đến lúc đó thì Fed có thể đã đưa lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2%. Thời điểm mà ngân hàng trung ương Mỹ cần giúp đỡ là bây giờ, khi lạm phát đang trên mức 8%.

Hơn nữa, dù dự luật mới giúp hạ thâm hụt ngân sách một chút trong vài năm đầu, Penn Wharton Budget Model nhận thấy nó cũng sẽ khiến lạm phát đi lên từ từ trong cùng khoảng thời gian đó.

Nguyên nhân là nếu chính phủ muốn giảm thâm hụt ngân sách thì phải đánh thuế cao hơn đối với doanh nghiệp và các cá nhân giàu có - những người thường không thắt chặt chi tiêu mạnh tay để phản ứng với việc tăng thuế.

Theo thuật ngữ kinh tế, “hệ số nhân” đối với nhóm doanh nghiệp và người giàu là khá thấp. Trong khi đó, dự luật mới sẽ khiến chi tiêu để mở rộng hoạt động của Sở Thuế vụ và trợ cấp y tế tăng mạnh hơn, dẫn đến hệ số nhân cao hơn.

 

Nền tảng Penn Wharton cho biết, tác động giảm thâm hụt ngân sách sẽ lớn lên trong những năm sau đó và giúp kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, mức giảm thâm hụt ngân sách này chẳng thấm vào đâu so với khoản thâm hụt cao hơn từ các gói đầu tư cơ sở hạ tầng, chất bán dẫn và phúc lợi cho cựu chiến binh, ngoại trừ trong hai năm 2030 và 2031.

Những người ủng hộ ông Biden lập luận rằng các kế hoạch đầu tư vào năng lượng xanh, sản xuất chất bán dẫn trong nước và phát triển cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy đầu cung của nền kinh tế và do đó giảm áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các khoản đầu tư này sẽ làm tăng nhu cầu. Chỉ trong dài hạn thì chúng mới có thể kích thích nguồn cung, nếu chính phủ thực hiện một cách hợp lý. Wall Street Journal cho biết hoạt động đầu tư của chính phủ liên bang thường không hiệu quả vì không phải tất cả các mục tiêu đều phản ánh vào GDP.

Sản xuất chip trong nước giúp Mỹ bớt phụ thuộc vào Trung Quốc và năng lượng xanh giúp làm chậm hiện tượng Trái đất nóng lên. Dù vậy, cả hai việc này đều tốn kém hơn các lựa chọn thay thế của chúng, nên đó là lý do tại sao chính phủ cần phải trợ cấp.

Chưa kể, các đề xuất của Nhà Trắng cũng có thể đi kèm với điều kiện nâng lương cho người lao động, giúp đỡ các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn và tìm kiếm thêm nguồn nguyên vật liệu ở Mỹ, tất cả đều có xu hướng làm tăng thêm chi phí.

Nhìn chung, những dự định của chính quyền ông Biden có thể rất đáng theo đuổi, nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng đây là những biện pháp giúp khống chế lạm phát.

Khả Nhân