So với quốc gia này, lạm phát của Mỹ như 'ngọn cỏ ven đường, làm sao với được mây'
Kể từ đầu mùa hè năm nay, có vẻ lạm phát đã leo thang một cách chóng mặt tại Mỹ, khiến giá thực phẩm, xăng dầu, phòng khách sạn và cả khoai tây chiên của McDonald’s cùng tăng cao.
Trong tháng 6, lạm phát tiêu dùng đạt 9,1% - mức cao nhất kể từ đầu năm 1982. Bước sang tháng 7, áp lực giá cả đã hạ nhiệt một chút xuống 8,5% nhưng nhìn chung vẫn nằm quanh mức đỉnh 40 năm.
Các nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải nhanh chóng tăng lãi suất để khống chế lạm phát, bất chấp nguy cơ đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Họ phát tín hiệu rằng Fed hoàn toàn nghiêm túc về mục tiêu này.
Tại cuộc họp chính sách tháng 6, Chủ tịch Jerome Powell nhấn mạnh giá cả ổn định là “nền tảng của nền kinh tế”. Ông bày tỏ: “Sai lầm tồi tệ nhất mà chúng tôi có thể mắc phải là thất bại, và đó không phải một lựa chọn của Fed”.
Ngân hàng trung ương (NHTW) Mỹ thể hiện quyết tâm như vậy là bởi họ lo lắng rằng người tiêu dùng có thể lung lay và dự đoán lạm phát sẽ tăng mạnh trong dài hạn. Điều này rất nguy hiểm, vì kỳ vọng của người tiêu dùng có thể trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm.
Một khi người lao động tin giá cả sẽ còn tiếp tục nhảy vọt, họ sẽ đòi tăng lương và do đó doanh nghiệp buộc phải nâng giá sản phẩm/dịch vụ để bù đắp chi phí lao động. Khi vòng xoáy giá - lương xuất hiện, chỉ tăng lãi suất là chưa đủ để Fed ghìm cương lạm phát.
Hiện tại, người tiêu dùng tại Mỹ đã bắt đầu lo sợ rằng cú sốc giá những năm 1970 - 1980 sẽ tái hiện. Rất nhiều người trưởng thành chưa bao giờ trải qua tình cảnh tương tự trong cuộc đời mình.
Chia sẻ với New York Times, ông Dan Burnett (58 tuổi) - cựu nhân viên y tế tại thành phố Margaretville (New York), cho hay: “Nỗi sợ lớn nhất của tôi là Fed không thể kiểm soát tình hình và lạm phát cứ kéo dài dai dẳng”.
Lạm phát thực sự đã khiến công chúng Mỹ hoảng loạn. Tuy nhiên, xét ở một vài khía cạnh, áp lực giá cả ở nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa phải là đáng sợ hay gây sốc nhất. Thật vậy, hãy thử nhìn sang một nước châu Mỹ khác: Argentina.
Eduardo Rabuffetti là một người Argentina đã từng đến Mỹ một lần, trong tuần trăng mật cùng vợ năm 1999. Tuy nhiên, có lẽ anh biết rõ tờ 100 USD hơn so với hầu hết người Mỹ, New York Times đưa tin.
Rabuffetti nói anh có thể nhận ra tiền giả chỉ bằng cách chạm tay vào. Anh còn có thể nói chính xác 100.000 USD trông như thế nào, bởi vì Rabuffetti - một nhà phát triển bất động sản đã xây dựng hai toà tháp và một ngôi nhà tại đây, đã mua đất cho mỗi toà nhà bằng tờ tiền 100 USD.
Không chỉ đối với anh Rabuffetti mà gần như mọi giao dịch lớn ở Argentina - từ mua đất đai, nhà cửa, xe hơi, tủ lạnh đến các tác phẩm nghệ thuật đắt tiền - đều được thực hiện bằng đồng bạc xanh.
Đồng USD là “vua” ở Argentina vì đồng peso của nước này đang bị mất giá trầm trọng. Một năm trước, khoảng 180 peso có thể mua được 1 USD trên thị trường chợ đen. Bây giờ, người ta phải mất 298 peso.
Từ đầu tháng 7, tình hình xấu đi hơn nữa sau khi Bộ trưởng Bộ Kinh tế Martin Guzman đột ngột từ chức. Người dân đổ xô đi mua sắm để tích trữ hàng hoá trước khi đồng peso lại tiếp tục mất giá. Trong 26 ngày kế tiếp, đồng tiền của Argentina đã giảm thêm 26%.
Khi đồng nội tệ lao dốc, giá cả tiêu dùng phải tăng mạnh để theo kịp. Giới chuyên gia dự đoán lạm phát tại Argentina - hiện đã chạm mức 64% vào tháng 6, sẽ vọt lên khoảng 90% vào tháng 12 năm nay.
Trong bối cảnh các quốc gia trên khắp thế giới cố gắng đối phó với tình trạng giá cả tăng nhanh, có lẽ không nền kinh tế nào có thể biết cách sống chung với lạm phát tốt hơn Argentina.
Quốc gia Nam Mỹ này đã phải vật lộn với bài toán lạm phát trong hơn 50 năm qua. Trong thời kỳ hỗn loạn vào cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990, lạm phát đã đạt mức gần như không thể tin được là 20.263% vào tháng 3/1990.
Như nhà kinh tế học lỗi lạc Milton Friedman từng nói, áp lực lạm phát thường phình to sau khi cung tiền tăng lên, với một độ trễ nhất định. Giá cả tại Argentina tăng nhanh thực chất cũng được thúc đẩy bởi sự mở rộng nhanh chóng của cung tiền.
Từ năm 1990 đến 2022, cung tiền M2 của Argentina liên tục tăng và đạt mức đỉnh mọi thời đại hơn 8.162 tỷ peso vào tháng 5 năm nay. Ngoại trừ khoảng đầu thập niên 1990 với số liệu gây sốc, lạm phát của Argentina cũng không ngừng đi lên và chạm mức cao nhất trong 30 năm vào tháng 6 vừa qua.
NHTW Argentina phải in thêm tiền để chính phủ có nguồn ngân sách tài trợ miễn phí hoặc trợ cấp cho hệ thống chăm sóc y tế, giáo dục đại học, năng lượng và giao thông công cộng, thay vì phải đánh thuế - một biện pháp khó thực hiện hơn.
Năm 1990 là một mốc đáng nhớ. Cho đến năm này, Argentina đã trải qua gần chục chu kỳ siêu lạm phát và cải cách tiền tệ. Song, không có chính sách nào có thể giữ lạm phát ở mức thấp trong thời gian đủ dài trước khi áp lực tài khoá buộc NHTW phải bơm thêm tiền.
Cùng năm, chính quyền Tổng thống Carlos Menem và Bộ trưởng Bộ Kinh tế Domingo Cavallo đã bắt tay vào một chiến dịch chống lạm phát mới bằng cách triển khai một hệ thống gọi là “bảng tiền tệ”.
Theo bảng tiền tệ, mỗi đồng peso sẽ được neo giữ bằng một đồng USD. Chỉ khi có nhiều USD chảy vào kho bạc của NHTW thì NHTW mới được phép mở rộng cung tiền. Điều này giúp loại bỏ khả năng bơm tiền vì lý do tài khoá, dù hạn chế là NHTW không thể ứng phó khi xảy ra suy thoái kinh tế hoặc khủng hoảng ngân hàng.
Thành công bước đầu đã đến, khi chi tiêu ngân sách, thâm hụt tài khoá và lạm phát cùng giảm cho đến khoảng năm 1995. Ngay sau đó, hệ thống tài chính của Argentina bắt đầu sụp đổ.
Bảng tiền tệ khiến NHTW không thể can thiệp. Đến đầu năm 2002, việc ngành ngân hàng ngập trong khó khăn và khối nợ của chính phủ gia tăng đã đẩy nền kinh tế Argentina vào khủng hoảng.
Sau đó, Argentina đã quay trở lại với một số chính sách cũ. Lạm phát bắt đầu tăng với tỷ lệ cao hơn nhiều so với thời kỳ bảng tiền tệ và tiếp tục đi lên cho tới nay.
Có một điều đã trở nên nổi bật một cách rõ rệt tại Argentina, đó là sau nhiều năm chung sống cùng lạm phát, người dân địa phương đã hình thành một mối quan hệ kỳ lạ với tiền bạc của họ.
Họ trữ thật nhiều USD và tiêu tiền peso ngay khi nhận được chúng. Họ không tin tưởng các ngân hàng và hầu như không sử dụng đến tín dụng. Và họ không còn ý niệm về giá trị thực sự của các món hàng.
Năm 2017, giá cả tăng nhanh đến mức Argentina đã nâng gấp đôi giá trị của tờ tiền lớn nhất lên 1.000 peso, khi đó tương đương khoảng 58 USD trên thị trường chợ đen. Giờ đây, tờ tiền đó chỉ có giá khoảng 3,45 USD - tương đương một chiếc Big Mac trong McDonald’s. Một chiếc iPhone giờ có thể lên tới 1 triệu peso.
Trả lời tờ Washington Post, ông Juan Piantoni - Giám đốc công ty kinh doanh két sắt Ingot, bày tỏ: “Chúng tôi tự hỏi chính mình một câu giống nhau: Làm sao mà xã hội lại cho phép những điều này xảy ra cơ chứ?”
Giá cả duy trì ở mức cao trong thời gian dài buộc người dân phải nghĩ nhiều cách để hạn chế thiệt hại, thay vì tiết kiệm tiền vì kiểu gì tiền cũng sẽ mất giá. Chẳng hạn, họ sẽ mua đủ kem đánh răng cho cả năm, trữ đồ đóng hộp kín tủ bếp, chất đầy tủ đông với các loại thịt,...
Cô Agustina Caparulo nói với tờ Washington Post rằng việc đổ đầy bình xăng “gần giống như đi đầu tư”, bởi lần sau cô đến trạm xăng, giá chắc chắn sẽ cao hơn bây giờ rất nhiều lần.
Ở những khu vực giàu có hiếm hoi ở thủ đô, hoạt động kinh tế và tiêu dùng vẫn tiếp diễn. Song, ở những khu dân cư nghèo hơn, người ta thu gom các tông phế liệu để bán, gom tiền mua thức ăn và đổi đồ đã qua sử dụng để tránh phải cầm tiền peso.
Người nghèo ở Argentina thường không được tăng lương thường xuyên và chắc chắn không có nhiều tiền để mua USD. Điều đó đồng nghĩa rằng họ chỉ kiếm được ít peso trong khi mọi thứ xung quanh đã trở nên đắt đỏ hơn nhiều. Từ mức 30% của năm 2016, tỷ lệ người dân Argentina sống trong cảnh nghèo đói đã tăng lên 37%.