|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát tại Mỹ có lẽ sắp chạm đỉnh nhưng các chuyên gia vẫn chưa ngớt tranh luận

16:33 | 08/08/2022
Chia sẻ
Lạm phát cao ngất tại Mỹ có thể sắp đạt đỉnh bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang đi xuống và giá dầu thô cùng nhiều hàng hoá khác đã lao dốc. Bây giờ, trọng tâm chú ý là lạm phát sẽ giảm bao nhiêu và nhanh tới đâu.

(Ảnh minh hoạ: iStock).

Chia sẻ với Bloomberg, ông Jeffrey Rosenberg - nhà quản lý danh mục đầu tư tại BlackRock, cho hay: “Chúng ta rồi sẽ thấy lạm phát quay đầu giảm. Song, câu hỏi là giảm tới mức nào?”

Năm ngoái, nhóm “lạm phát chỉ tăng nhất thời” - do Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell làm đội trưởng, đã thua đau đớn vì áp lực lạm phát phình to và tỏ ra dai dẳng hơn dự đoán.

Giờ đây, nhóm này đang trông chờ rằng áp lực giá cả sẽ sụt giảm đáng kể mà không gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế hoặc thị trường lao động đang tương đối vững mạnh của Mỹ.

Ở chiều ngược lại, một số nhà phân tích từng đưa ra cảnh báo về việc chi phí sinh hoạt leo thang vào năm ngoái hiện đang e ngại rằng nhóm của ông Powell và các đồng nghiệp có thể lại đang quá lạc quan.

Họ nhận thấy vấn đề lạm phát có thể kéo dài dai dẳng hơn, đồng thời các nhà hoạch định chính sách có lẽ phải để nền kinh tế suy thoái và thị trường lao động thiệt hại nặng nề thì mới có thể kéo lạm phát xuống thấp.

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lawrence Summers bình luận: “Chúng ta không thể thoát ra tình cảnh này mà không có một cuộc suy thoái kinh tế. Ta nên tính tới kịch bản kinh tế suy thoái trong vài năm tới, khi đó tỷ lệ thất nghiệp có thể từ 6% trở lên”.

 

Ngược lại, hồi tháng 6, các nhà hoạch định chính sách của Fed dự đoán tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng lên mức 4,1% vào năm 2024 - khi lạm phát giảm xuống gần ngưỡng mục tiêu 2%.

Mới đây, báo cáo việc làm tháng 7 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã tụt xuống còn 3,5% - tức mức thấp nhất kể từ năm 1969, trong khi thị trường tạo thêm 528.000 việc làm mới - cao hơn dự đoán của các chuyên gia.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 - dự kiến công bố giữa tuần này, có thể chứa một số dữ liệu giúp củng cố quan điểm của cả hai nhóm. Theo Bloomberg, CPI có thể tăng 8,7% so với một năm trước, hạ nhiệt so với mức đỉnh 40 năm xác lập vào tháng 6 là 9,1%.

Một yếu tố biến động khó lường trong triển vọng lạm phát là giá năng lượng, mà mặt hàng này vẫn đang phụ thuộc vào các biến động địa chính trị, từ chiến sự tại Ukraine cho đến căng thẳng tại Trung Đông.

Ông Randall Kroszner - cựu Thống đốc Fed, cho hay: “Thật lạ lùng khi nghĩ rằng chúng ta sẽ bình an vô sự. Hẳn là trong tương lai sẽ có một cú sốc nào đó có thể tác động tới thị trường năng lượng và triển vọng chung”.

Bên dưới, hãng tin Bloomberg đã tổng hợp một số yếu tố có khả năng ảnh hưởng tới lạm phát trong những tháng tới, cụ thể gồm:

Giá hàng hoá

Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đi xuống, giá của nhiều loại hàng hoá từ dầu mỏ, đồng cho đến lúa mì, đã giảm mạnh. Các nút thắt chuỗi cung ứng cũng đang nới lỏng, qua đó giúp giảm bớt áp lực chi phí.

Sau khi loại bỏ chi phí thực phẩm và năng lượng, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) sẽ tăng với tốc độ hàng năm dưới 2% vào giữa năm 2023, so với mức hiện tại là 4,8%. Đây là nhận định của kinh tế trưởng Jonathan Pingle của UBS Group.

Chỉ số PCEPI là thước đo lạm phát ưa thích của Fed và hiện ngân hàng trung ương Mỹ đặt mục tiêu đưa chỉ số này lùi về mức 2%. Ông Pingle cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng giá hàng hoá lao dốc sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát”.

 

Chi phí thuê nhà

Giá thuê nhà tăng vọt đã thúc đẩy lạm phát leo thang trong năm nay và xu hướng này có thể tiếp diễn thêm một thời gian nữa. Song, dường như giá thuê nhà đang chạm đỉnh và điều đó sẽ thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng năm tới.

 

Nhu cầu nhà ở tăng cao phù hợp với xu hướng làm việc tại nhà trong thời đại dich. Giờ đây, nhu cầu đang chững lại khi những lo ngại về COVID giảm dần. Theo nền tảng bất động sản cho thuê Zumper, lạm phát đi lên đã thúc đẩy người thuê nhà chọn các khu vực giá phải chăng hơn và ở ghép để tiết kiệm tiền.

CEO Anthemos Georgiades của Zumper cho biết: “Đà tăng chóng mặt của giá nhà cho thuê trong thời kỳ phong toả có thể sẽ chậm lại khi người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt túi tiền của họ”.

Lương lao động

Đây có lẽ là lý do lớn nhất khiến lạm phát khó có thể chuyển biến như những gì nhóm lạc quan mong đợi. Cho đến nay, lương lao động vẫn là khoản chi lớn nhất đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ.

Trong bối cảnh thị trường việc làm vẫn còn siết chặt - cứ mỗi người thất nghiệp thì có 1,8 vị trí trống đang chờ, doanh nghiệp buộc phải trả lương cao hơn để giữ nhân viên ở lại. Để duy trì lợi nhuận, họ sẽ cần phải chuyển một phần chi phí lao động sang cho người tiêu dùng dưới dạng giá hàng hoá và dịch vụ cao hơn.

 

Lạm phát đang “thúc đẩy tiền lương đi lên và ngược lại, tăng trưởng tiền lương sẽ càng kích thích giá cả leo thang hơn nữa”, cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng Jason Furman viết trong một báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Project Syndicate.

Vị giám sư Đại học Harvard ước tính tỷ lệ lạm phát cơ bản ít nhất đang đạt khoảng 4% và có nhiều khả năng tăng hơn là giảm từ mức này.

Lạm phát trên diện rộng

Ban đầu lạm phát chỉ tăng giới hạn trong một vài lĩnh vực như ô tô đã qua sử dụng và ô tô mới. Tuy nhiên, giờ chi phí đã tăng trên toàn nền kinh tế, bao gồm những lĩnh vực ít biến động như chăm sóc y tế.

Ông Vincent Reinhart - kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính Dreyfus, nói một khi giá cả đi lên trên diện rộng thì chúng thường có xu hướng tiếp tục tăng với tốc độ đó.

Vị chuyên gia nhận thấy nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay, khiến tỷ lệ thất nghiệp nghiệp tăng lên khoảng 6%, nhưng cuối cùng thước đo lạm phát ưa thích của Fed sẽ lùi về mức hơn 3%.

Yên Khê

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.