|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dòng vốn ngoại đang rời đi, Trung Quốc làm cách nào để níu chân nhà đầu tư?

16:37 | 29/09/2022
Chia sẻ
Dòng vốn ngoại đang âm thầm rời khỏi thị trường Trung Quốc do những bất ổn chính trị trong nước và chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ. Từ giờ, Bắc Kinh sẽ phải gắng sức giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Trung Quốc có lẽ không còn thỏi nam châm hút vốn đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh hoạ: SCMP).

Trong bối cảnh công chúng ngày càng lo ngại về nguy cơ dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc, đất nước tỷ dân vẫn là một điểm đến đầu tư “rất hấp dẫn” đối với thế giới, ít nhất là trong mắt các nhà phân tích và người trong ngành.

Tuy nhiên, ngay cả khi Bắc Kinh ra sức “quyến rũ” các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều quyết định chính trị của họ lại đang làm phức tạp hoá môi trường kinh doanh, khiến nhiều người ngần ngại rót thêm vốn hoặc giữ vững vị thế tại Trung Quốc.

Xu hướng trên có nguy cơ làm căng thẳng hơn nữa quá trình phục hồi kinh tế vốn đã bấp bênh của Trung Quốc. Để ngăn ngừa thiệt hại, Bộ Thương mại Trung Quốc đang triển khai các cơ quan địa phương đặc biệt trên khắp cả nước.

Theo SCMP, các cơ quan này sẽ tăng cường trao đổi và tương tác với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ tốt hơn với hy vọng nhà đầu tư ngoại quốc sẽ tiếp tục đổ tiền vào Trung Quốc.

“[Các cơ quan địa phương nên] đẩy mạnh nỗ lực để thu hút thêm đầu tư cũng như cam kết đầu tư hơn từ các doanh nghiệp nước ngoài hơn”, một tuyên bố mới đây của Bộ Thương mại Trung Quốc có đoạn.

Dòng vốn đang rời đi

Một loạt báo cáo từ các nhóm vận động hành lang Mỹ và châu Âu trong vài tuần gần đây đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo: niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm sút, dẫn đến việc hoãn hoặc huỷ kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc trong năm nay.

Nhiều công ty nói không có ý định rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn, nhưng họ liên tục chỉ ra những gián đoạn kéo dài và khó lường từ chính sách Zero COVID cũng như các rắc rối địa chính trị của Bắc Kinh.

Vì vậy, dù danh mục đầu tư nói chung tại các thị trường mới nổi có dấu hiệu phục hồi trong tháng 8, thị trường nợ của Trung Quốc vẫn ghi nhận tháng thứ 7 liên tiếp bị rút ròng. Điều này cho thấy dòng tiền rời khỏi Trung Quốc nhiều hơn lượng đi vào.

Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), trong năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán hơn 520 tỷ nhân dân tệ (tương đương 72,5 tỷ USD) trái phiếu Trung Quốc, đưa giá trị nắm giữ xuống còn 3.480 tỷ nhân dân tệ vào cuối tháng 8.

Dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc chủ yếu liên quan tới các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong 6 tháng qua. Chu kỳ thắt chặt chính sách của Fed đã kéo chỉ số USD lên cao và khiến nhiều đồng tiền lớn khác, bao gồm nhân dân tệ, tụt dốc nghiêm trọng.

 

Sự suy yếu nhanh chóng của đồng nhân dân tệ càng làm gia tăng lo ngại rằng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy ra từ các thị trường tài chính Trung Quốc, các nhà phân tích nhấn mạnh với SCMP.

Trong 8 tháng đầu năm nay, dòng vốn quốc tế vào thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng xác lập mức thấp nhất trong 7 năm, theo dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế.

Ông Chen - Phó Chủ tịch một quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài, cho hay: “Chúng tôi không có giao dịch nào ở Trung Quốc trong năm 2022”. Theo ông, “sự khó lường về chính sách” là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này.

Quỹ của ông Chen đã đặt cược vào triển vọng tăng trưởng của thị trường tiêu dùng 1,4 tỷ dân của Trung Quốc, nhưng ông nói rằng các biện pháp kiểm soát dịch của chính phủ đã gây ảnh hưởng đến lĩnh vực tiêu dùng.

Kết quả là, trong năm nay, nhiều công ty tại Trung Quốc hoạt động kém hơn so với thời điểm đầu đại dịch - trái ngược hoàn toàn với dự đoán phục hồi mạnh mẽ mà các nhà phân tích kỳ vọng từ lâu.

Ông Chen nói thêm, “do kết quả kinh doanh bết bát và định giá thấp hơn, doanh nghiệp cũng không muốn bán vốn cổ phần với giá rẻ”.

Ngoài việc không rõ khi nào Bắc Kinh sẽ từ bỏ chính sách Zero COVID thì rủi ro chính trị trong nước gia tăng - cùng với căng thẳng giữa Trung Quốc và phương tây, cũng khiến thị trường này trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại hơn, ông Chen cho hay.

“Hồi năm ngoái, chính phủ đã can thiệp mạnh tay vào một số lĩnh vực như dạy thêm. Doanh nghiệp rất khó để đánh giá chính xác các lực lượng chính trị tại Trung Quốc”, ông nói thêm với SCMP.

Ở cuộc trao đổi khác, bà Agatha Kratz - Giám đốc cấp cao tại Rhodium Group, nhận xét: “Tất nhiên, Trung Quốc là nơi có thể đầu tư được, đó là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, rất nhiều chính sách, quyết định chính trị, địa chính trị đang làm cho nước này trở nên kém hấp dẫn hơn”.

“Bức tranh màu hồng”

Bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại về sự suy yếu của dòng vốn nước ngoài vào Trung Quốc, các số liệu chính thức vẫn vẽ nên một bức tranh tương đối sáng sủa về các gói đầu tư rót vào nền kinh tế thực và khu vực tài chính.

Dữ liệu của Bộ Thương mại cho thấy, trong 8 tháng đầu năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên khoảng 138,4 tỷ USD. Liên minh châu Âu (EU) đứng đầu danh sách, với mức tăng 123,7%.

Tương tự, số liệu từ cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc chỉ ra rằng thông qua chương trình kết nối chứng khoán, trong 8 tháng đầu tiên của năm 2022, thị trường cổ phiếu hạng A của nước này đã thu hút tổng cộng 63,2 tỷ nhân dân tệ vốn nước ngoài.

Dựa trên cơ sở đó, tờ Economic Daily (Nhật báo Kinh tế) đã lập luận trong một bài viết đăng tải hồi tuần trước rằng, “từ góc độ dài hạn, tốc độ vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc không hề chậm lại”.

 

Theo ông Miao Wei - cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất thế giới nhờ vào sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và các cuộc chuyển đổi số cũng như chuyển đổi xanh.

Ngoài môi trường rộng lớn cho hàng hoá và dịch vụ, các công ty nước ngoài cũng có thể thiết lập quan hệ đối tác nghiên cứu công nghệ tại Trung Quốc khi nước này đẩy mạnh công cuộc đổi mới trong nước, ông Miao nói thêm.

“Các doanh nhân có tầm nhìn xa sẽ không bao giờ từ bỏ cơ hội phát triển ở Trung Quốc”, vị cựu bộ trưởng nhấn mạnh tại hội nghị mới đây của Diễn đàn Quản lý Tài sản Toàn cầu.

“Thứ mà doanh nghiệp cần nhất là một thị trường [lớn], trong khi thứ mà thị trường không thiếu nhất chính là các doanh nghiệp. Ở một số thị trường, bạn sẽ nhanh chóng bị thay thế nếu rời đi và sẽ rất khó để lấy lại vị thế đã mất”, ông nói tiếp.

Bình luận của ông Miao nhận được sự đồng tình của đại diện một số công ty tài chính nước ngoài cùng tham dự hội nghị nói trên.

Ông Raymond Yin Lei - người đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UBS Asset Management, cho hay: “Trung Quốc vẫn là thị trường quản lý tài sản lớn nhất và hấp dẫn nhất thế giới”.

Bà Jodie Hampshire - Giám đốc khu vực châu Á của Russell Investments, nói công ty đang giúp khách hàng phân bổ tài sản Trung Quốc trên khắp thế giới, dựa vào vai trò to lớn của nước này trong nền kinh tế toàn cầu và tỷ trọng chứng khoán Trung Quốc trong các chỉ số khác nhau.

Song, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Lou Jiwei thừa nhận tại sự kiện rằng dẫu Trung Quốc đã trở thành thỏi nam châm hút vốn quốc tế nhưng vẫn bị các tổ chức tài chính nước ngoài phàn nàn về việc phải đợi nhiều năm để được phê duyệt kinh doanh tại thị trường tỷ dân.

Bài viết của Economic Daily tuần trước cũng kêu gọi Bắc Kinh nên xây dựng một hệ thống quy định “dễ dự đoán hơn” và nhấn mạnh rằng chính phủ cần phải đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng để củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.

“Môi trường trong và ngoài nước đang ngày càng trở nên khó đoán và phức tạp, không dễ để ổn định dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc”, Economic Daily nhận xét.

Khả Nhân