|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế toàn cầu suy yếu, ngáng đường phục hồi của Trung Quốc

15:56 | 27/09/2022
Chia sẻ
Nền kinh tế Trung Quốc đang khởi sắc, nhưng công cuộc phục hồi lại có phần bấp bênh do triển vọng kém sáng của nền kinh tế toàn cầu, tờ Bloomberg đánh giá.

Tín hiệu đáng khích lệ nhưng còn le lói

Đà phục hồi có phần bấp bênh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tiếp tục trong tháng 9. Đây là nhận định của Bloomberg dựa trên một chỉ số do hãng tin này phân tích từ 8 thước đo đơn lẻ khác.

Trong tháng 9, chỉ số trên đạt mức 5 - không biến động so với tháng 8. Doanh số bán xe hơi và nhà ở tại các thành phố lớn nhất đất nước đang khởi sắc - giúp bù đắp cho nhu cầu hàng hoá toàn cầu yếu hơn và niềm tin kinh doanh sụt giảm.

Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc đã đi lên trong quý III sau một quý II khó khăn, nhưng tăng trưởng vẫn bị đè nặng bởi các cuộc phong toả COVID, thị trường nhà đất lình xình và nhu cầu xuất khẩu suy yếu, Bloomberg đánh giá.

 

Cụ thể, theo Bloomberg, doanh số bán xe trong hai tuần đầu tháng 9 đã bật tăng. Nhu cầu xe hơi được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp và chính sách giảm thuế mà chính phủ dành cho thị trường xe điện.

Dù xe hơi là động lực chính đằng sau sự đi lên của sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 8, nhà kinh tế Lu Ting của Nomura Holdings cảnh báo rằng cú hích chính sách của Bắc Kinh sắp bắt đầu mất tác dụng.

Một dấu hiệu tích cực khác là thị trường bất động sản ở 4 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đang dần phục hồi. Doanh số bán nhà tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến đã nhích nhẹ trong hai tuần đầu tháng 9 - đợt tăng đầu tiên trong nhiều tháng qua, dữ liệu của Bloomberg chỉ ra.

Đây có thể là dấu hiệu cho thấy nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ thị trường nhà ở đang phát huy tác dụng, dù giá nhà sụt giảm và các dự án bị đóng băng là vấn đề cốt lõi ở các thành phố nhỏ hơn.

 

Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc hiện có kế hoạch thành lập một quỹ trị giá 4,2 tỷ USD để mua bất động sản từ các nhà phát triển. Một số ngân hàng khác đang hạ lãi suất cho vay thế chấp và cung cấp các khoản vay đặc biệt để đảm bảo những dự án dang dở có thể hoàn thành.

Hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực bất động sản cũng cải thiện trong tháng 9, theo Standard Chartered. Tuy nhiên, tình trạng chỉ chuyển từ mức “khủng khiếp” sang “rất tệ”, nhà phân tích Craig Botham của Pantheon Macroeconomic cho hay.

Ông nhận xét: “Chính phủ Trung Quốc cần rót thêm tiền để phá vỡ vòng xoáy đi xuống của lĩnh vực bất động sản và khôi phục niềm tin của thị trường”.

Bất chấp các tín hiệu đáng khích lệ, niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc đã lần nữa đi xuống trong tháng 9. Hiệu suất hoạt động và triển vọng của hơn 500 công ty được ngân hàng Standard Chartered khảo sát đều sụt giảm.

Báo cáo do hai nhà phân tích Hunter Chan và Ding Shuang viết có nêu, tâm lý của doanh nghiệp trở nên bi quan “nhiều khả năng đang phản ánh tác động kinh tế khi COVID tái bùng phát trên khắp Trung Quốc”.

Báo cáo lưu ý thêm rằng, điều kiện sản xuất của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo có phần cải thiện, nhưng môi trường kinh doanh của các công ty trong ngành dịch vụ thì lại không khả quan.

COVID-19 và các biện pháp hạn chế để dập dịch vẫn gây rủi ro đáng kể cho nền kinh tế Trung Quốc. Các thành phố lớn như Thành Đô, Lhasa và Đại Liên đều bị phong toả kéo dài trong tháng 9.

Các hạn chế nghiêm ngặt về đi lại và tiếp xúc đã giúp đưa số ca nhiễm mới mỗi ngày xuống dưới 1.000, nhưng cũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho lĩnh vực dịch vụ. Đơn cử, trong dịp tết Trung thu đầu tháng 9, doanh thu của ngành du lịch sụt gần 23%.

Các nhà phân tích dự đoán, kết quả tương tự cũng sẽ xảy ra trong tuần nghỉ lễ vào đầu tháng 10 tới. Các biện pháp chống dịch và hạn chế di chuyển sẽ khiến người dân ngại trở về quê hương hơn nữa.

 

Kinh tế toàn cầu đè nặng "đôi vai" Trung Quốc

Mặt khác, việc nền kinh tế toàn cầu chững lại do chiến sự giữa Nga và Ukraine kéo dài, lãi suất tăng nhanh, áp lực lạm phát phình to hơn và thị trường tiền tệ biến động mạnh sẽ chỉ khiến triển vọng của Trung Quốc thêm xấu đi.

Nhu cầu của thế giới đối với hàng hoá Trung Quốc là động lực quan trọng đối với nền kinh tế tỷ dân trong hai năm rưỡi qua, nhưng sự hỗ trợ đó dường như đang yếu dần khi lo ngại về suy thoái gia tăng.

So với cùng kỳ năm trước, hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc - một chỉ báo hàng đầu cho thương mại toàn cầu - đã sụt khoảng 9% trong 20 ngày đầu tháng 9. Đây là đợt giảm thứ hai trong gần hai năm qua và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2020.

Chi phí vận chuyển hàng hoá từ Trung Quốc cũng rơi xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm do nhu cầu hạ nhiệt, giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

Mặc dù cước vận tải đi xuống góp phần xoa dịu lạm phát tại Mỹ và các nền kinh tế lớn khác, điều này sẽ gây tổn hại cho các doanh nghiệp tại Trung Quốc, Bloomberg lưu ý.

Khả Nhân

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.