|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

1/5 người trẻ đô thị thất nghiệp: Cơn đau đầu mới của Trung Quốc

16:02 | 20/09/2022
Chia sẻ
Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tại Trung Quốc đang đạt mức kỷ lục, có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới triển vọng kinh tế và ổn định xã hội.

Chị Cherry đã có một tương lai đầy hứa hẹn khi vào tháng 5 năm ngoái, chị được nhận vị trí thực tập sinh danh giá tại một công ty công nghệ lớn, trong khi vẫn còn đang theo học tại Đại học Vũ Hán. Theo CNN, công ty này cho biết chị có thể bắt đầu làm việc toàn thời gian sau khi tốt nghiệp.

Nhưng tình hình đã thay đổi nhanh chóng vào mùa hè này. Khi Cherry chuẩn bị tốt nghiệp, công ty cho biết không thể nhận chị vào làm chính thức do phải “điều chỉnh” hoạt động kinh doanh và cắt giảm nhân sự. Những đồng nghiệp của chị cũng nhận được thông báo tương tự.

“Tôi nghĩ nguyên nhân là bởi đại dịch”, chị Cherry 22 tuổi cho biết. “Đa số các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa COVID trong năm nay”.

Nền kinh tế và thị trường việc làm đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc Bắc Kinh bớt ưu tiên khu vực tư nhân kể từ cuối năm 2020 và chính sách Zero COVID.

“Những sinh viên mới tốt nghiệp sẽ bị sa thải đầu tiên, bởi chúng tôi vừa mới nhận việc và chưa cống hiến được nhiều”, chị Cherry nói.

Năm nay, có tới 10,76 triệu sinh viên mới tốt nghiệp tham gia vào thị trường việc làm, đúng lúc nền kinh tế Trung Quốc không có khả năng thu nạp số lượng người lao động lớn như vậy.

Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ (trong độ tuổi  từ 16-24) liên tục đạt đỉnh vào năm nay, tăng từ mức 15,3% vào tháng 3 lên 18,2% vào tháng 4 và tiếp tục trong những tháng sau đó, đạt đến 19,9% hồi tháng 7.

Theo dữ liệu từ Tổng Cục Thống Kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ giảm nhẹ xuống còn 18,7% vào tháng 8, những nhìn chung vẫn ở mức cao nhất trong lịch sử.

Vào tháng 7/2022, cứ 5 thanh niên ở thành thị Trung Quốc thì có một người thất nghiệp.

Con số này đồng nghĩa với khoảng 20 triệu người trong độ tuổi từ 16 đến 24 tại các đô thị đang không có việc làm, tính toán của CNN cho thấy. Theo số liệu thống kê chính thức, Trung Quốc đang có khoảng 107 triệu người trẻ tại đô thị. Tỷ lệ thất nghiệp tại các vùng nông thôn không được liệt kê.

Ông Willy Lam, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Jamestown cho biết “Cuộc khủng hoảng việc làm với người trẻ tại Trung Quốc hiện nay” là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. “Thất nghiệp hàng loạt là thách thức lớn với Bắc Kinh”, ông cho biết.

Có lẽ không ở đâu cuộc khủng hoảng lại rõ ràng hơn trong lĩnh vực công nghệ, vốn đã chịu ảnh hưởng từ chính sách của chính phủ và lệnh trừng phạt của Mỹ. Những công ty trước đây là nơi cung cấp việc làm với mức lương cao cho lao động trẻ, có học thức của Trung Quốc giờ đây lại đang phải thu hẹp hoạt động ở mức độ chưa từng thấy.

Alibaba, gã khổng lồ về thương mại điện tử và điện toán đám mây, gần đây đã công bố doanh thu đi ngang chứ không tăng trưởng, lần đầu tiên kể từ khi trở thành công ty đại chúng vào 8 năm trước.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Alibaba đã sa thải hơn 13.000 nhân viên. Theo tính toán của CNN, trong giai đoạn này, Alibaba đã sa thải nhiều nhân viên nhất kể từ khi lên sàn chứng khoán New York vào năm 2014. 

Tencent, tập đoàn mạng xã hội và trò chơi điện tử, đã cho 5.500 nhân viên nghỉ việc trong quý II/2022. Theo dữ liệu tài chính, lực lượng lao động của Tencent đang thu nhỏ lại với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua.

“Không thể xem nhẹ sức ảnh hưởng từ các cuộc sa thải trong ngành công nghệ [của Trung Quốc]”, ông Craig Singleton, nhà nghiên cứu cao cấp tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ cho hay.

Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực công nghệ có thể ảnh hưởng tới tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm biến Trung Quốc trở thành người đi đầu và cường quốc công nghệ trong hai đến ba thập kỷ nữa.

“Đợt sa thải gần đây tạo ra hai mối nguy cho Bắc Kinh: hàng nghìn người trẻ không có việc và các tập đoàn công nghệ khổng lồ thiếu nhân lực chất lượng cao để sáng tạo và bắt kịp các đối thủ phương Tây”, ông Singleton cho biết.

“Có một câu nói trong kinh doanh rằng ‘Nếu bạn không phát triển, bạn sẽ chết’. Sự thật này đang có nguy cơ làm suy yếu tham vọng công nghệ của Trung Quốc”, ông nói thêm.

Bất ổn xã hội

Không chỉ riêng lĩnh vực công nghệ chịu ảnh hưởng. Trong những tháng qua xảy ra liên tiếp các đợt sa thải hàng loạt trong các ngành như gia sư hay bất động sản. Tình trạng này sẽ là một thách thức lớn, bởi Bắc Kinh vốn coi việc làm là ưu tiên hàng đầu.

“Ngày càng có nhiều chỉ báo cho thấy niềm tin của người dân Trung Quốc đang lung lay”, ông Singleton nhận định.

 

Trong năm nay, đã xảy ra những cuộc biểu tình chưa từng có tiền lệ của tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Ngày càng nhiều người mua nhà từ chối chi trả các khoản vay thế chấp khi khủng hoảng bất động sản ngày càng lan rộng và các nhà phát triển không thể hoàn thiện các căn hộ kịp tiến độ.

Các cuộc biểu tình cũng nổ ra tại miền trung Trung Quốc trong năm nay, khi mà hàng nghìn người gửi tiền không thể rút khoản tiết kiệm của mình.

Đồng thời, theo ông George Magnus, nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, trong dài hạn, thất nghiệp ở người trẻ sẽ tạo ra một “mối nguy lớn” với kinh tế và ổn định chính trị của Trung Quốc.

Theo CNN, rõ ràng chính phủ Trung Quốc cũng nhận thức được mối nguy này, tuy nhiên cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa có được một giải pháp cụ thể nào.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đã lên tiếng về tình hình kinh tế của Trung Quốc và nhiều lần nhấn mạnh cần phải ổn định tình hình việc làm “phức tạp và nghiêm trọng”. Các nhà chức trách đã khích lệ người trẻ tự khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hoặc tìm kiếm việc làm tại vùng nông thôn.

Minh Quang