|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc xây dựng 'pháo đài kinh tế' để phòng khi phương Tây trừng phạt

16:09 | 16/09/2022
Chia sẻ
Trung Quốc đang cố gắng tự chủ trong 4 lĩnh vực chủ chốt là công nghệ, năng lượng, lương thực và tài chính nhằm giảm sức ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế,

Theo Financial Times, Chủ tịch Cận Bình vừa có bài phát biểu về tính cấp thiết của việc đột phá công nghệ trong nước để có thể cạnh tranh với phương Tây và củng cố an ninh quốc gia.

Dưới thời ông Tập, Trung Quốc đang tìm cách trở thành một siêu cường công nghệ và thoát cảnh phụ thuộc vào phương Tây.

Các nhà phân tích cho biết, Bắc Kinh đang muốn xây dựng một “pháo đài Trung Quốc”, giúp nền kinh tế thứ hai thế giới có thể hoạt động bằng năng lượng nội tại và trong tình huống cần thiết, có thể đương đầu với xung đột quân sự.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã cố gắng trở nên tự chủ hơn, nhưng nỗ lực này được đẩy mạnh kể từ khi Nga tấn công Ukraine và phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt lên Moscow.

Đặt cược vào công nghệ

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập cho rằng sự phát triển của “công nghệ cốt lõi” sẽ phải được dẫn dắt bởi chính phủ Trung Quốc.

“Cần tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ủy ban Trung ương và thiết lập một hệ thống chỉ huy ra quyết định có thẩm quyền [về lĩnh vực công nghệ]”, đài truyền hình CCTV dẫn lời ông Tập.

Trung Quốc đang đổ những nguồn lực chưa từng có để thúc đẩy khả năng tự lực về công nghệ, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chiến lược như bán dẫn, với hy vọng rằng nguồn tài trợ này mở ra sự đổi mới và giúp thay thế hàng nhập khẩu.

Tổng cộng, Bắc Kinh đã cam kết hơn 150 tỷ USD để đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. Một báo cáo vào năm 2021 của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) cho biết Quỹ Mạch tích hợp Quốc gia của Trung Quốc đã đầu tư 39 tỷ USD vào các dự án sản xuất.

Ngoài ra, chính quyền tại 15 tỉnh đã công bố các quỹ với tổng trị giá là 25 tỷ USD dành riêng cho việc hỗ trợ các công ty bán dẫn trong nước. Báo cáo của SIA còn cho biết 50 tỷ USD đã được hỗ trợ dưới dạng “trợ cấp chính phủ, đầu tư và khoản vay lãi suất thấp”.

Để so sánh thì kế hoạch chi 50 tỷ USD của Mỹ nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn nội địa có vẻ khá khiêm tốn.

Trung Quốc đang rất chịu chi cho thiết bị sản xuất bán dẫn.

Chất bán dẫn thường được coi là tử huyệt của ngành công nghiệp Trung Quốc. Theo báo cáo của SIA, vào năm 2020, Bắc Kinh đã nhập khẩu 378 tỷ USD các loại linh kiện bán dẫn, tạo ra một lỗ hổng khổng lồ trong chuỗi cung ứng.

Trên thực tế, 95% ngành công nghiệp bán dẫn nội địa của Trung Quốc chỉ có thể sản xuất các chip bán dẫn đời cũ (14 nanomet trở lên).

Tuy nhiên, Trung Quốc đã có một số đột phá đáng chú ý. Vào mùa hè này, SMIC, một trong những nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc, đã chế tạo thành công chip 7 nanomet (nm), chỉ kém một hoặc hai “thế hệ” so với những người đi đầu như TSMC ở đảo Đài Loan và Samsung ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng bất chấp những tiến bộ và số tiền khổng lồ mà Trung Quốc dành để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, mục tiêu tự lực là hoàn toàn ảo tưởng.

Ông Dan Wang, nhà phân tích công nghệ của Gavekal Dragonomics cho biết: “Khi nói đến chip bán dẫn, tự cung tự cấp là một điều viển vông đối với bất kỳ quốc gia nào, ngay cả những quốc gia lớn như Mỹ hay Trung Quốc”.

Trung Quốc cũng đổ số tiền kỷ lục vào những “người khổng lồ tí hon”, tức là các công ty nhỏ và vừa tham gia vào các ngành công nghiệp chiến lược trong chuỗi cung ứng.

Tập trung vào năng lượng tái tạo

Nền kinh tế Trung Quốc còn đang đối mặt với một lỗ hổng lớn khác: nguồn cung năng lượng. Trong chuyến thăm tới một mỏ dầu ở miền bắc Trung Quốc vào cuối năm ngoái, ông Tập đã tuyên bố: “Chén cơm năng lượng phải được chúng ta cầm trên tay”.

Hiện tại, tỷ lệ tự cung tự cấp năng lượng của Trung Quốc rơi vào khoảng 80%. Nói cách khác, 20% nguồn cung năng lượng, chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt, tương đối dễ bị ảnh hưởng bởi cú sốc bên ngoài.

Mức độ phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu của Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng.

Trung Quốc đặc biệt lo ngại về các tuyến vận chuyển qua những “điểm nút” như eo biển Malacca, nơi hải quân Mỹ vẫn có tầm ảnh hưởng lớn.

Ông Michal Meidan, Giám đốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết Bắc Kinh đang tập trung vào năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu cung cấp khoảng 33% điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2025. Nhưng Bắc Kinh sẽ cần nhiều năm nữa để giải quyết yếu điểm về dầu và khí đốt đường biển.

Trung Quốc đang đầu tư mạnh những nguồn năng lượng như điện gió, mặt trời, địa nhiệt và sinh khối.

Mặt trận lượng thực

An ninh lương thực của Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn trong ba thập kỷ qua khi dân số tăng nhanh và ngành nông nghiệp chuyển từ ngũ cốc sang các loại cây trồng mang hiệu quả kinh tế cao hơn.

Vào năm 2021, sản lượng nội địa của Trung Quốc chỉ có thể đáp ứng được 33% nhu cầu trong nước cho ba loại dầu chính: đậu này, lạc và cải. Vào đầu những năm 1990, tỷ lệ này là hơn 100%.

Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nước ngoài trong một số mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu.

Nhiều lớp lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực, nhưng các chuyên gia cho rằng ngôn ngữ và giọng điệu dưới thời Chủ tịch Tập đã trở nên quyết liệt hơn.

Về ngũ cốc, các chính sách tập trung chủ yếu vào tăng năng suất, bảo vệ đất nông nghiệp, sử dụng nước hiệu quả hơn và các dự án thủy lợi. Vào năm 2019, tỷ lệ tự chủ với các loại ngũ cốc chính của Trung Quốc đạt 95%.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Trina Chen tại Goldman Sachs, chính sách quan trọng nhất đối với kế hoạch tự chủ lương thực là kế hoạch khôi phục ngành công nghiệp hạt giống. 

Các nhà phân tích cho rằng việc sử dụng các loại cây trồng biến đổi gen (GMO) thế hệ thứ nhất với những loại lương thực nằm trong “pháo đài Trung Quốc” là điều không thể tránh khỏi. Hiện Trung Quốc mới chỉ sử dụng hạt giống biến đổi gen cho cây bông.

Thái độ của Bắc Kinh với GMO đã thay đổi kể từ vụ thâu tóm Syngenta, tập đoàn của Thụy Sỹ chuyên về hạt giống, cũng như sự phát triển của các nhà sản xuất cây trồng biến đổi gen nội địa.

Chống lại sự vũ khí hóa đồng bạc xanh

Với Bắc Kinh, một trong những lệnh trừng phạt đáng ngại nhất mà phương Tây sử dụng trong cuộc xung đột Ukraine là việc loại trừ một số ngân hàng Nga khỏi mạng lưới thông tin tài chính SWIFT, đóng vai trò trung tâm trong hoạt động thanh toán quốc tế.

Trung Quốc phụ thuộc lớn vào SWIFT. Khoảng 3/4 hoạt động thương mại của nước này sử dụng đồng USD. Tuy nhiên, giải pháp của Bắc Kinh sẽ chỉ có thể mang lại hiệu quả trong dài hạn. Mục tiêu “quốc tế hóa’ nhân dân tệ của Trung Quốc hiện mới chỉ đạt được một số thành công.

 

Tương tự, kế hoạch “điện tử hóa nhân dân tệ”, bỏ qua sự cần thiết của những nền tảng SWIFT hiện đang diễn ra khá chậm chạp.

“Trong ngắn hạn, Bắc Kinh đã rất cố gắng để không vi phạm các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga, nhưng đồng thời nỗ lực của nhằm tách khỏi sự ảnh hưởng của đồng USD cũng trở nên mạnh mẽ hơn”, bà Diana Choyleva, nhà kinh tế trưởng tại Enodo Economics cho biết.

Công cuộc lâu dài

Kể từ năm 2015, Bắc Kinh ngày càng chú trọng vào việc tự chủ trong chuỗi cung ứng công nghiệp. Năm ngoái, Trung Quốc khởi động “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 14 cùng với chính sách “Tuần hoàn kép” nhằm tập trung vào khai thác tiềm năng nội địa.

Kể từ đó, hàng loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ, sự chia rẽ địa chính trị do xung đột Ukraine và những căng thẳng tại Đảo Đài Loan đã càng củng cố nhiệm vụ xây dựng “pháo đài Trung Quốc”. 

Tuy nhiên, sự chú trọng lớn vào công nghệ trong nước sẽ tạo ra rủi ro lớn cho các công ty đa quốc gia tập trung vào việc cung ứng cho thị trường Trung Quốc. 

Cánh đồng pin năng lượng mặt trời tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Sam McNeil/AP).

Một số nhà phân tích cho rằng kế hoạch “pháo đài Trung Quốc” vẫn còn nhiều hạn chế nghiêm trọng.

Bà Yu Jie, một chuyên gia cấp cao tại Chatham House cho rằng Trung Quốc không thể tự cô lập hoàn toàn khỏi thế giới do cấu trúc định hướng xuất khẩu của nền kinh tế nước này. Do đó, Bắc Kinh có thể sẽ áp dụng một cách tiếp cận kết hợp tùy thuộc vào từng lĩnh vực.

Bà Yu nói: “Các lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược và nhu cầu thiết yếu của người dân sẽ được coi là vấn đề an ninh quốc gia, trong khi các lĩnh vực đòi hỏi vốn và nhân lực nước ngoài sẽ vẫn mở cửa và kết nối với thế giới".

Minh Quang