Làn sóng di cư ra thành thị có thể là lời giải bài toán lao động của Trung Quốc
Bài toán nan giải
SCMP trích dẫn một số nhà kinh tế dân số hàng đầu Trung Quốc cho biết quốc gia đông dân nhất thế giới dự kiến sẽ chứng kiến sự sụt giảm dân số vào năm tới.
Ông Cai Fang, nhà kinh tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Hoa kêu gọi Bắc Kinh đẩy mạnh quá trình đô thị hóa nhằm giúp tăng nguồn cung lao động và người tiêu dùng.
Ông Cai cho biết tỷ suất sinh của Trung Quốc đã “gần như bằng không” và chuẩn bị xuống mức âm vào năm tới. Theo ông, thách thức về nhân khẩu học đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng.
“[Tiêu dùng giảm] là thách thức mà Trung Quốc chưa từng phải đối mặt”. Theo ông Cai, nguyên nhân của hiện tượng này là do người già không sẵn sàng chi tiêu. Ông cho rằng tiêu dùng chậm lại sẽ là hạn chế lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Người già tại quốc gia đông dân nhất thế giới đang chiếm một tỷ lệ ngày càng lớn trong tổng dân số. Những người già hơn 60 tuổi đang chiếm khoảng 1/5 dân cư tại 13/31 tỉnh, và những người hơn 65 tuổi đại diện cho khoảng 14,2% tổng dân số.
Trong năm 2021, chỉ có 10,62 triệu em bé được sinh ra, giảm 11,5% so với năm 2020. Thống kê của Trung Quốc cho thấy tỷ suất sinh vào năm 2020 chỉ đạt 1,3 trẻ/phụ nữ, thấp hơn nhiều so với ngưỡng thay thế 2,1 trẻ/phụ nữ để có dân số ổn định.
Theo ước tính của một nhóm nhà nhân khẩu học, bao gồm các ông Liang Jianzhang, Ren Zeping và He Yafu, tỷ suất sinh vào năm 2021 tiếp tục giảm xuống chỉ còn 1,15. Tiêu dùng chiếm khoảng 1/2 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc và đóng góp vào 65,4% tăng trưởng kinh tế.
- TIN LIÊN QUAN
-
Trung Quốc 'tự bắn vào chân mình', dễ hụt hơi trong cuộc đua đường dài với Mỹ 26/11/2021 - 10:30
Trung Quốc đã tập trung khai thác thị trường nội địa, đặc biệt với 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu nhằm thúc đẩy kinh tế. Bắc Kinh cũng đã ủng hộ các chính sách kinh tế mang tính hướng nội khi mà quan hệ với phương Tây xấu đi trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đang đối mặt với giai đoạn phục hồi kinh tế mong manh và tiêu dùng suy yếu do chính sách Zero COVID.
Tiềm năng khổng lồ
Các tổ chức tài chính nước ngoài đã hạ triển vọng kinh tế Trung Quốc, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về thách thức nhân khẩu học, bao gồm tỷ suất sinh thấp và già hóa dân số, cũng như những tác động tới nguồn lao động.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học Cai Fang cho biết những tổ chức này đã “sai lầm” khi đưa ra đánh giá trên. “[Các tổ chức tài chính quốc tế] không biết rằng Trung Quốc có một nguồn lao động khác”, ông Cai nhắc đến “tiềm năng khổng lồ” của những người dân từ nông thôn sang các khu vực thành thị.
Nhà kinh tế này cho biết số người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 23% tổng lực lượng lao động, so với chỉ 3% ở các quốc gia phát triển. Bởi vậy, Trung Quốc có cơ hội chuyển 20% lực lượng lao động sang các khu vực phi nông nghiệp.
Đô thị hóa có thể tăng tốc độ bổ sung lực lượng lao động và chi tiêu bằng cách chuyển người dân tới các thành phố lớn.
Ông Cai cũng nhắc tới nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy tiêu dùng sẽ tăng 30% nếu lực lượng lao động chuyển từ vùng nông thôn tới thành thị và thêm 30% nữa nếu những cư dân này có được hộ khẩu tại thành phố.
“[Đô thị hóa] có liên quan mật thiết với mục tiêu thịnh vượng chung của Trung Quốc”, ông Cai cho rằng tốc độ đô thị hóa tăng lên có thể thu hẹp sự chênh lệch giàu nghèo và tạo ra thêm nhiều tầng lớp trung lưu.
“Trung Quốc đã [đưa] khoảng 100 triệu người ở nông thôn thoát cảnh nghèo đói và 160 triệu người ra khỏi nhóm thu nhập thấp. Bởi vậy, nếu không muốn những người này quay lại với cái nghèo trên quy mô lớn, Bắc Kinh cần phải tập trung thúc đẩy họ lên tầng lớp trung lưu”, ông nói.