|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tỷ suất sinh tại Việt Nam giảm thế nào trong 10 năm qua và nguy cơ già hoá dân số

13:40 | 29/08/2024
Chia sẻ
Nhìn lại 10 năm qua, có thể thấy rõ xu hướng giảm dần trong tỷ lệ sinh tại Việt Nam đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại, bởi nó có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực trong bối cảnh sự già hoá dân số đang diễn ra nhanh chóng, khi tỷ lệ người cao tuổi thì ngày càng tăng lên mà lực lượng lao động trẻ lại đang giảm dần.

Trong những năm gần đây, vấn đề giảm tỷ lệ sinh tại Việt Nam ngày càng trở nên cấp bách và thu hút sự quan tâm của dư luận. Tổng tỷ suất sinh của nước ta đã giảm liên tục trong thập kỷ qua.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam đã giảm từ mức 2,09 con/phụ nữ vào năm 2014 xuống còn 1,95 con/phụ nữ vào năm 2023. Đáng chú ý, mức sinh này đã thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ.

Tổng tỷ suất sinh tại Việt Nam trong 10 năm qua (Nguồn: AM tổng hợp từ Tổng cục Thống kê).

Giai đoạn 2014 - 2020

Trong giai đoạn này, tỷ lệ sinh tại Việt Nam duy trì tương đối ổn định, với tổng tỷ suất sinh dao động nhẹ quanh mức 2,1 con/phụ nữ. Cụ thể, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam trong các năm 2014 là 2,09, năm 2015 tăng nhẹ lên 2,1 và duy trì ổn định ở mức này trong năm 2016 với 2,09.

Tuy nhiên, đến năm 2017, con số này giảm nhẹ xuống còn 2,04 và có dấu hiệu tăng trưởng trở lại khi đạt 2,05 vào năm 2018. Năm 2019, tổng tỷ suất sinh đạt mức 2,09, gần tương đương với mức năm 2014. Đặc biệt, năm 2020, tỷ lệ sinh tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong thập kỷ, đạt 2,12. 

Đây là giai đoạn mà tỷ lệ sinh của Việt Nam vẫn ở trên mức duy trì dân số thay thế (2,1 con/phụ nữ), cho thấy dân số vẫn có khả năng duy trì ổn định mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố nhập cư.

Giai đoạn 2021 - 2023

Từ năm 2021, xu hướng giảm của tỷ lệ sinh bắt đầu trở nên rõ rệt hơn, sự sụt giảm mạnh mẽ diễn ra vào các năm 2022 và 2023.

Cụ thể, tổng tỷ suất sinh năm 2021 là 2,11, giảm nhẹ so với năm 2020. Năm 2022, tổng tỷ suất sinh giảm xuống còn 2,01, thấp hơn mức sinh thay thế. Đến năm 2023, tổng tỷ suất sinh tiếp tục giảm xuống mức đáng lo ngại là 1,95, cũng là mức thấp nhất trong thập kỷ qua.

Việc tỷ lệ sinh giảm xuống dưới mức duy trì dân số thay thế như hai năm gần đây có thể mang đến nhiều hệ quả tiêu cực tiềm tàng. Đặc biệt là sự già hóa dân số nhanh chóng, khi tỷ lệ người cao tuổi thì ngày càng tăng lên mà lực lượng lao động trẻ lại đang giảm dần, gây áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội và kinh tế của đất nước.

10 địa phương có tổng tỷ suất sinh thấp nhất cả nước năm 2023

Năm 2023, sự giảm sút tỷ lệ sinh diễn ra rõ rệt tại nhiều tỉnh thành. Sự giảm sút trong tỷ lệ sinh có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, như: chi phí sinh hoạt tăng cao, chi phí chăm sóc và nuôi dạy con, áp lực công việc… Những điều này đã góp phần làm giảm nhu cầu sinh con trong các gia đình hiện nay.

10 địa phương có tổng tỷ suất sinh thấp nhất cả nước năm 2023 (Nguồn: AM tổng hợp từ Tổng cục Thống kê).

Trong đó, TP HCM là địa phương có tổng tỷ suất sinh thấp nhất cả nước trong nhiều năm. Năm 2023, TP HCM chỉ đạt 1,32 con/phụ nữ. Theo sau đó là Cần Thơ và tỉnh Tây Ninh với tổng tỷ suất sinh lần lượt đạt 1,44 con/phụ nữ và 1,5 con/phụ nữ. Tổng tỷ suất sinh tại cả hai địa phương này đều 0,3 điểm % so với năm 2022.

Các tỉnh Hậu Giang, Đồng Nai đều chỉ đạt 1,52 con/phụ nữ vào năm 2023. Những tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương cũng ghi nhận mức giảm đáng kể. 

Sự suy giảm mạnh tại các tỉnh thành này đã cho thấy rõ xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tại Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung ở khu vực thành thị và những địa phương đang phát triển về kinh tế.

Thông tin tại Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp do Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức ngày 28/8, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số cho biết, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở nước ta đang thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn. Năm 1999, tuổi kết hôn lần đầu trung bình là từ 24,1 tuổi; đến năm 2019, tăng lên 25,2 tuổi. Sau 4 năm, đến năm 2023, tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện là 27,2 tuổi.

Với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3 và nữ giới là 25,1. Phụ nữ ở thành thị sinh con muộn và sinh con ít hơn phụ nữ ở khu vực nông thôn.

Ông Phạm Vũ Hoàng cũng chia sẻ số liệu năm 2023 cho thấy, trung bình những người giàu nhất có mức sinh là 2 con, người nghèo nhất có mức sinh là 2,4 con, người có mức sống khá và trung bình sinh từ 2,03 đến 2,07 con. Người có trình độ học vấn dưới tiểu học, có mức sinh trung bình 2,35 con, người có trình độ trên PTTH chỉ đẻ 1,98 con.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh My