|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Biểu tình ở Pháp là lời cảnh báo cho toàn cầu: Dân số già hóa, con người có thể phải làm việc suốt đời

16:49 | 27/03/2023
Chia sẻ
Hơn một triệu người Pháp đã xuống đường để phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, chính phủ Pháp khó có lựa chọn nào tốt hơn. Với việc dân số nhiều nước đang già hóa, quỹ hưu trí chịu áp lực ngày một tăng, người lao động trong tương lai có thể sẽ phải làm việc suốt đời.

Lính cứu hỏa Pháp cố dập tắt một đám cháy trong cuộc biểu tình tháng 3/2023. (Ảnh: AFP/Getty Images).

Cải cách hưu trí của Pháp

Theo CNN, vào ngày 23/3, hơn một triệu người Pháp đã đổ ra đường để thể hiện sự giận dữ với kế hoạch của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 mà không cần thông qua Quốc hội. Cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực khi người dân phóng hỏa, ném bom khói và phá hủy tài sản.

Năm 2019, ngay trong nhiệm kỳ đầu, ông Macron cũng đã đưa ra một loạt cải cách và vấp phải sự phản đối từ người dân.

Theo CNBC, ngày 22/3, Tổng thống Macron đã phải đứng ra bảo vệ quyết định cải cách tiền lương: “Các bạn nghĩ tôi thích cải cách này ư? Không hề”.

“Tôi có thể đẩy vấn đề này sang một bên như nhiều người tiền nhiệm”, ông nói, và giải thích rằng hệ thống tiền lương đã không còn cân đối, và số lượng người nghỉ hưu vào năm 2030 sẽ là 20 triệu người. “Càng chờ đợi lâu, tình hình càng tồi tệ”.

Vậy tại sao Tổng thống Pháp lại quyết tâm thúc đẩy dự luật lương hưu, ngay cả khi sự nghiệp chính trị của bản thân bị đe dọa? 

Không còn lựa chọn ngoài cải cách

The Guardian cho biết, hệ thống hưu trí từng được xem như niềm tự hào của người Pháp. Tất cả lao động Pháp đều nhận được lương hưu khi làm đủ thời gian. Người lao động sẽ đóng một khoản phí bắt buộc để duy trì quỹ hưu trí.

Pháp có tuổi nghỉ hưu thấp nhất trong các nền kinh tế lớn của châu Âu, và dành một tỷ lệ lớn GDP để phục vụ hệ thống hưu trí. Người dân nước này chấp nhận trích một phần đáng kể thu nhập, và cho rằng hệ thống hưu trí là nền tảng xã hội.

Người Pháp nghỉ hưu sớm hơn đáng kể so với các nước khác ở châu Âu.

Hệ thống hưu trí của Pháp được thiết kế sau Thế chiến II, khi nền kinh tế, dân số, kinh tế và lực lượng lao động nước này tăng trưởng mạnh. Số người lao động/người hưởng lương hưu cao hơn nhiều so với hiện nay.

Nhưng khi thời kỳ bùng nổ kết thúc, số người già ngày một nhiều, trong khi lực lượng lao động - những người tạo ra của cải vật chất, và đóng góp vào quỹ hưu trí - ngày càng ít đi. 

Người Pháp đang phải dành tới hơn 14% GDP để chi trả cho hệ thống lương hưu.

Nếu không có cải cách, quỹ hưu trí của Pháp (hoặc bất cứ quốc gia nào có dân số già) sẽ không đủ tiền để trả cho người già - những người cũng đã từng cống hiến cho hệ thống hưu trí trong quá khứ.

Khi đề xuất được đưa ra vào tháng 1/2023, chính phủ Pháp cho biết cải cách là cần thiết để vá lỗ hổng 13,5 tỷ USD (14,7 tỷ USD) trong hệ thống hưu trí vào năm 2030. Theo Hội đồng Định hướng Hưu trí Pháp (Conseil d'orientation des retraites), thâm hụt ngân sách lũy kế từ hệ thống lương hưu có thể lên tới gần 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hay 80 tỷ EUR vào năm 2030.

Nếu không cải cách, đến năm 2030, quỹ hưu trí của Pháp có thể thâm hụt lũy kế tới gần 80 tỷ EUR.  

Bằng cách này hay các khác, Tổng thống Macron bắt buộc phải cứu quỹ hưu trí. Vậy, ông Macron có những lựa chọn nào?

Lựa chọn ít tồi tệ nhất

Với hệ thống lương hưu như của Pháp, người lao động liên tục phải góp thu nhập hàng tháng để duy trì quỹ hưu trí, trả tiền cho người già. Khi số lao động đi xuống, số người già nhiều lên, và các yếu tố khác không đổi, quỹ hưu trí sẽ có nguồn thu ngày càng giảm, còn chi ngày càng tăng. Sự chênh lệch ngày càng cao giữa thu và chi sẽ tạo thâm hụt và phải bù đắp bằng ngân sách nhà nước.

Vậy, để tiết kiệm ngân sách, tại sao chính phủ không cắt giảm lương hưu? Cắt giảm lương hưu có thể là lựa chọn tồi tệ nhất khi giải quyết khủng hoảng về hữu trí.

Hãy thử tưởng tượng bạn đã làm việc, công hiến cả đời, đóng góp một lượng đáng kể thu nhập vào quỹ hưu trí (như tại Pháp), và đến khi có thời gian nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, bạn lại bị chính phủ cắt giảm lương hưu.

Chẳng ai có thể đồng ý với một kế hoạch như vậy. Người cao tuổi chiếm một bộ phận lớn trong cử tri ở những quốc gia dân số già, và cắt giảm lương hưu sẽ khiến chính trị gia chịu sự phản đối mạnh từ phần lớn cử tri. 

Nếu không thể tiết kiệm được lương hưu, tại sao không thử tăng thu cho quỹ hưu trí, chẳng hạn như từ tỷ lệ đóng góp. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp cao sẽ ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng, tác động tiêu cực tới mức sống, tiêu dùng của hộ gia đình, và làm kinh tế tăng trưởng chậm hơn. 

Chấp nhận thâm hụt, và lấy ngân sách để chi trả cũng là một ý tưởng tồi. Ngân sách thâm hụt sẽ cần được bù đắp bằng cách này hay cách khác, và để vá lỗ thủng hàng chục tỷ USD/năm không hề đơn giản. Tăng thuế để bù đắp ngân sách sẽ có hậu quả tương tự như tăng tỷ lệ đóng góp.

Do vậy, giải pháp cuối cùng, và cũng ít tồi tệ nhất, là tăng lực lượng lao động. Nhưng làm thế nào để tăng lực lượng lao động khi dân số không tăng? Giải pháp chính là nâng độ tuổi nghỉ hưu.

Việc nâng tuổi nghỉ hưu thêm hai năm sẽ giữ chân hàng triệu người Pháp trong lực lượng lao động. Ngoài ra, nâng tuổi nghỉ hưu cũng giúp giảm chi tiêu của quỹ hưu trí, bởi người dân sẽ được hưởng lương hưu muộn hơn và trong thời ngắn hơn. 

Khả năng làm việc suốt đời

Những quốc gia phát triển như Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, … đang đối mặt với lực lượng lao động thu hẹp, tức là tỷ lệ số người lao động trên số người già ngày càng giảm.

Hiện nay, tháp dân số toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn mở rộng, nhưng tới năm 2100 sẽ chuyển thành dạng thu hẹp. Khi đó, phần lớn thế giới sẽ gặp thách thức tương tự như Pháp ngày hôm nay.

Khi chuyển sang dạng thu hẹp, thế giới sẽ ngày càng có nhiều người già, và ngày càng ít người trong độ tuổi lao động (tỷ lệ trẻ em thấp, không đủ để thay thế cho lực lượng lao động trong tương lai).

Châu Phi nhiều khả năng sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm tới, Institute for Health Metrics and Evaluation (IMHE) dự báo dân số của Trung Quốc, Nhật Bản sau 80 năm nữa sẽ chỉ bằng 1/2 hiện nay. 

Do vậy, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu, buộc con người phải làm việc lâu hơn sẽ là cần thiết với nhiều nền kinh tế. Theo OECD, Ireland, Na Uy hay Israel đã nâng tuổi nghỉ hưu của nam giới, làm việc từ năm 22 tuổi, lên 67 tuổi. Đan Mạch còn có kế hoạch đưa tuổi nghỉ hưu lên 74. 

Việc tăng tuổi nghỉ hưu khiến những người nghèo nhất thậm chí còn không có cơ hội an hưởng tuổi già. Một nghiên cứu của Thư viện Y học Quốc gia Mỹ cho thấy ở tuổi 63, khoảng 20% người có thu nhập thấp nhất đã từ giã cõi đời, và mức chênh lệch này sẽ càng nới rộng ra ở tuổi cao hơn.

Nhiều người sẽ không có cơ hội an hưởng tuổi già sau các cuộc cải cách hưu trí. 

Trên thực tế, ngay cả ở những quốc gia chưa hoặc không có kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu lên quá cao, người già vẫn đang phải làm việc. Theo JapanTimes, khoảng 9,09 triệu người Nhật Bản trên 65 tuổi, hoặc 13,5% dân số, đang tiếp tục làm việc. Ở độ tuổi từ 65 đến 69, hơn 50% người dân vẫn đang có công việc. Độ tuổi nghỉ hưu tại Nhật hiện nay là 65.

Người già tại Nhật Bản đang phải làm những công việc chân tay, đồng áng ... Để sống đến tuổi 95, một cặp đôi tại Nhật Bản sẽ cần thêm 20 triệu yen nhằm bù đắp cho những thiếu hụt của hệ thống hưu trí. Trong khi đó, thu nhập của đa số hộ gia đình cao tuổi chưa đến 2 triệu yen/năm.

Người già Nhật Bản đang phải làm công việc tay chân để duy trì cuộc sống. (Ảnh: Getty Images).

Minh Quang