|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

5 thách thức của Trung Quốc khi giải quyết khủng hoảng dân số

20:13 | 20/01/2023
Chia sẻ
Năm 2022 là lần đầu tiên trong 6 thập kỷ tỷ lệ sinh tại Trung Quốc thấp hơn tỷ lệ tử vong. Theo các chuyên gia, số liệu này báo hiệu những tác động lớn đối với kinh tế Trung Quốc và cả thế giới.

Các bà mẹ Trung Quốc đẩy con đi dạo công viên. (Ảnh: Getty Images)

Dân số suy giảm

Ngày 17/1, chính phủ Trung Quốc cho biết chỉ có 9,56 triệu trẻ em được sinh ra ở Trung Quốc trong năm 2022, trong khi có tới 10,41 triệu người tử vong. Đây là lần đầu tiên số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh tại Trung Quốc kể từ sau nạn đói vào những năm 1960.

Quốc gia đông dân nhất thế giới đang ở thời điểm quan trọng khi dân số bắt đầu giảm, do tỷ lệ sinh sụt giảm trong nhiều năm. Giới chuyên gia cho rằng tình hình này sẽ khó có thể đảo ngược.

Các quan chức Trung Quốc trong nhiều năm đã cố gắng trì hoãn sự suy giảm của dân số bằng cách nới lỏng chính sách một con và đưa ra biện pháp khuyến khích các gia đình sinh con.

Tuy nhiên, vẫn chưa có chính sách nào phát huy hiệu quả. Hiện nay, đối mặt với tình trạng suy giảm dân số cùng với sự gia tăng tuổi thọ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, có thể gây ra những hậu quả không chỉ đối với Trung Quốc  mà còn với cả thế giới.

Trong 4 thập kỷ qua, Trung Quốc nổi lên như một cường quốc kinh tế và là công xưởng của thế giới. Quá trình chuyển đổi kinh tế đã làm gia tăng tuổi thọ và góp phần vào sự suy giảm dân số hiện nay với nhiều người già đi trong khi ít trẻ em được sinh ra hơn.

Xu hướng trên làm dấy lên lo ngại Trung Quốc sẽ không có đủ lực lượng lao động để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cao đã đưa nước này trở thành động lực của kinh tế toàn cầu.

Ông Wang Feng, giáo sư xã hội học tại Đại học California ở Irvine, chuyên nghiên cứu về nhân khẩu học của Trung Quốc, nhận định: “Về lâu dài, chúng ta sẽ thấy một Trung Quốc chưa từng thấy trước đây. Quốc gia này sẽ không còn sở hữu lượng dân số trẻ ngày càng tăng thay vào đó là một quốc gia già hóa và suy giảm dân số”.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, 2021 là năm thứ 6 liên tiếp tỷ lệ sinh sụt giảm. Đến năm 2035, sẽ có tới 400 triệu người dân Trung Quốc trên 60 tuổi, chiếm gần 1/3 dân số nước này.

Tình trạng thiếu lao động đi kèm với dân số già đi nhanh chóng của Trung Quốc cũng sẽ làm giảm doanh thu thuế và tạo gánh nặng cho hệ thống lương hưu.

Trung bình mỗi phụ nữ Trung Quốc chỉ sinh 1,3 người con trong suốt cuộc đời, thấp hơn mức 2 con/phụ nữ để duy trì dân số không suy giảm.

5 thách thức

Số liệu về sự sụt giảm dân số của Trung Quốc xuất hiện vào thời điểm đầy thách thức đối với Bắc Kinh, khi phải đối phó với hậu quả từ sự đảo ngược đột ngột chính sách kiểm soát dịch COVID-19 vào tháng trước.

Thống kê mới đây cho thấy số người chết tăng từ 10 triệu ca vào năm 2021 lên 10,41 triệu ca trong năm ngoái. Số liệu này đã đặt ra câu hỏi: Liệu đợt bùng phát dịch bệnh gần đây đã gây ra bao nhiêu ca tử vong?

Ông Kang Yi, Ủy viên của Cục Thống kê Quốc gia, cho biết số liệu tử vong do dịch COVID-19 trong tháng 12 vừa qua vẫn chưa được đưa vào tổng số ca tử vong cho năm 2022.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đối mặt với những thách thức kinh tế. Trong quý IV/2022, GDP nước này chỉ tăng 2,9% sau các đợt phong tỏa trên diện rộng và số ca nhiễm COVID-19 gia tăng gần đây. Trong cả năm, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3%, tốc độ chậm nhất trong gần 4 thập kỷ.

Theo tạp chí Forbes, Trung Quốc đang đối mặt với 5 thách thức về nhân khẩu học.

Thứ nhất, người dân Trung Quốc đã quen với việc không có con hoặc chỉ có một con. Cách đây vài năm, người có hai con sẽ gặp phải nhiều phiền phức pháp lý hoặc sự chỉ trích của công chúng. Vậy tại sao hiện nay họ lại muốn thay đổi?

Thứ hai, đối với nhiều người ở Trung Quốc, giai đoạn hiện nay là thời kỳ thịnh vượng nhất mà họ từng trải qua và lần đầu tiên họ có thể sống cuộc sống theo cách riêng của mình.

Thứ ba, sự thay đổi chính sách của Trung Quốc diễn ra khá chậm. Nước này từ từ chuyển sang chính sách cho phép sinh hai con, sau đó lại từ từ chuyển sang cho phép sinh nhiều hơn hai con, song vẫn chưa chuyển biến trong các vấn đề liên quan như thụ tinh nhân tạo, phôi đông lạnh và bà mẹ đơn thân.

Thứ tư, trong thời gian 20 - 30 năm tới, tăng trưởng kinh tế sẽ đủ để bù đắp thiệt hại do giảm dân số. Dân số giảm, song số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc vẫn sẽ tăng, nền kinh tế cũng sẽ phát triển. COVID cũng che đậy một phần mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, ví dụ như các quan chức có thể lấy đại dịch làm cái cớ để giải thích cho tình trạng giảm kết hôn.

Thứ năm, việc ra quyết định của chính phủ càng khó khăn hơn khi các quyết định có lợi ích lâu dài nhưng lại gây khó khăn trong ngắn hạn. Nếu bạn là một bộ trưởng và chỉ còn vài năm nữa là nghỉ hưu, bạn sẽ làm nổi bật một vấn đề hay dìm nó xuống?

 

Xu hướng suy giảm dân số có đảo ngược?

Trung Quốc đã đi theo quỹ đạo quen thuộc của nhiều nước đang phát triển khi nền kinh tế trở nên giàu có hơn, thu nhập và trình độ học vấn đều tăng, tỷ lệ sinh sẽ giảm. Chất lượng cuộc sống được cải thiện, con người cũng sẽ sống lâu hơn.

Ông Philip O’Keefe, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Già hóa châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lão hóa Dân số ARC, cho rằng Trung Quốc đã nới lỏng chính sách hạn chế sinh quá chậm.

Năm 2016, Bắc Kinh đã nới lỏng chính sách một con được thực hiện trong 35 năm và cho phép các gia đình có hai con. Năm 2021, chính phủ đã nâng giới hạn sinh lên ba con. Sau đó, Bắc Kinh đã đưa ra nhiều ưu đãi cho các cặp vợ chồng và gia đình nhỏ để khuyến khích sinh con, bao gồm hỗ trợ tiền mặt, cắt giảm thuế…

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình gần đây đã ưu tiên giải quyết những thách thức về nhân khẩu học với cam kết về một hệ thống chính sách quốc gia để tăng tỷ lệ sinh. Song trên thực tế, các chuyên gia cho biết, số liệu sinh giảm mạnh tại Trung Quốc cho thấy một xu hướng không thể đảo ngược.

Ông O'Keefe nói: “Sự suy giảm tổng thể về dân số và sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động đều không thể đảo ngược”.

Cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, dưới mức mà các nhà nhân khẩu học gọi là tỷ lệ sinh thay thế cần thiết để duy trì dân số là mỗi cặp vợ chồng có ít nhất hai con.

Cho đến nay, các biện pháp của chính phủ đã thất bại trong việc thay đổi thực tế cơ bản rằng nhiều người trẻ Trung Quốc đơn giản là không muốn có con, do chi phí nuôi con ngày càng cao, đặc biệt là với nền kinh tế đang trong tình trạng bấp bênh.

Trong các yếu tố khác góp phần khiến người trẻ không chịu sinh thêm con, phải kể đến gánh nặng mà nhiều thanh niên phải đối mặt trong việc chăm sóc cha mẹ và ông bà già yếu.

Trà My