Mỹ mang vắc xin ra mời, Trung Quốc liên tục nói ‘không’
Chính phủ Trung Quốc cho biết có khoảng 30 trường hợp tử vong do COVID-19 kể từ khi nước này dỡ bỏ chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt vào đầu tháng 12. Bắc Kinh cho biết sự thay đổi là chính sách đúng đắn bởi vì biến thể omicron không gây tử vong cao như các biến thể khác.
Lời đề nghị của Mỹ
Hãng tin Bloomberg trích dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ đề nghị giấu tên cho biết mối lo ngại về sự gia tăng biến thể mới và tác động đến nền kinh tế Trung Quốc đã thúc đẩy Mỹ lặp lại đề nghị cung cấp vắc xin sử dụng công nghệ mRNA và các chương trình hỗ trợ khác cho chính phủ Trung Quốc thông qua kênh tư nhân.
Các quan chức Mỹ cũng đề xuất một số biện pháp gián tiếp để cung cấp vắc xin nhằm tránh vấn đề nhạy cảm về chính trị tại Trung Quốc khi chấp nhận viện trợ nước ngoài.
Lời đề nghị từ phía Mỹ đã được nhiều bên đưa ra, trong đó có Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink, Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Laura Rosenberger, các quan chức y tế công cộng và bên trung gian.
Nhiều quan chức Mỹ đã tuyên bố công khai về việc đề nghị cung cấp vắc xin cho Trung Quốc, song toàn bộ phạm vi tiếp cận vẫn chưa được báo cáo.
Trong tuần này, khi được hỏi về việc liệu ông có lo lắng về cách Trung Quốc ứng phó với dịch COVID-19 hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói: “Vâng, tôi thực sự lo lắng về điều này.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Ned Price cho biết ngày 6/1 rằng Trung Quốc nói họ đánh giá cao lời đề nghị từ Mỹ nhưng nước này chưa cần đến sự hỗ trợ vào thời điểm hiện nay. Do đó, Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận với Trung Quốc về vấn đề cung cấp vắc xin.
Trung Quốc chối từ
Về phần mình, các quan chức Trung Quốc luôn nói với phía Mỹ rằng Bắc Kinh đã kiểm soát được tình hình và không cần hỗ trợ.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh ngày 6/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết vắc xin và vật tư y tế của Trung Quốc nhìn chung vẫn được cung cấp đầy đủ.
Bà Mao Ning nói: “Chúng tôi có đủ vắc xin để đảm bảo rằng những người đủ điều kiện được tiếp cận với vắc xin. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, để ứng phó tốt hơn với những thách thức do dịch COVID-19 gây ra và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân”.
Vấn đề đặt ra với Trung Quốc hiện nay là thuyết phục những người cao tuổi dễ bị tổn thương tiêm vắc xin. Theo số liệu thống kê gần đây, chỉ khoảng 2/3 số người trên 80 tuổi được tiêm vắc xin đầy đủ tính đến tháng 11/2022.
Một vấn đề khác là quyết định chấp nhận vắc xin từ Mỹ có thể là một bước đi sai lầm về mặt chính trị khi nêu bật lên tình trạng Trung Quốc không thể phát triển vắc xin mRNA của riêng nước này.
Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy khả năng tự lực tự cường trong cuộc đối đầu chiến lược với Mỹ. Từ trước đến nay, Trung Quốc thường không muốn chấp nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài trong các cuộc khủng hoảng.
Vắc xin của Trung Quốc có hiệu quả?
Trong một cuộc họp báo ngày 5/1, ông Liu Pengyu, phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, đã bác bỏ nhận định cho rằng vắc xin của nước này không hiệu quả.
Ông Liu đã trích dẫn một nghiên cứu của Đại học Hong Kong cho thấy ba liều vắc xin CoronaVac của công ty Sinovac Biotech Ltd. có hiệu quả 97% đối với ca bệnh nặng hoặc tử vong, tương đương với ba liều vắc xin mRNA.
Ông Liu nói thêm rằng Trung Quốc đang nắm giữ 3,4 tỷ liều vắc xin trong nước và có khả năng sản xuất 7 tỷ liều/năm, đưa Trung Quốc trở thành một nhà xuất khẩu vắc xin.
Phát biểu trước báo giới, ông Liu khẳng định: “Trung Quốc không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn cung cấp cho các quốc gia khác có nhu cầu”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi cũng đang cố gắng nâng cấp vắc xin để gia tăng hiệu quả và tăng cường tiêm chủng nhằm ứng phó với các biến thể mới trong nỗ lực đóng vai trò xây dựng trong cuộc chiến chống COVID toàn cầu”.
Bất đồng giữa Trung Quốc và thế giới
Chính phủ và quan chức y tế trên toàn cầu đang muốn Bắc Kinh phải minh bạch hơn về đại dịch. Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã từ chối yêu cầu từ phía nước ngoài về nguồn gốc của dịch COVID-19. Điều này đã gây bất bình cho các quan chức Mỹ. Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm số liệu.
Các quan chức Mỹ thậm chí còn bực tức hơn khi Trung Quốc đe dọa trả đũa chính sách yêu cầu xét nghiệm bắt buộc mà Mỹ và các quốc gia khác áp đặt đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ đáp trả như thế nào giữa bối cảnh du khách đến Trung Quốc vẫn phải làm xét nghiệm PCR trước khi nhập cảnh.