|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dịch COVID-19 ở Trung Quốc xấu đi, nền kinh tế chịu thêm nhiều đau đớn

15:19 | 08/11/2022
Chia sẻ
Mô hình của ngân hàng Nomura cho thấy tính đến ngày 7/11, các biện pháp chống dịch của Trung Quốc có ảnh hưởng tiêu cực đến 12,2% GDP quốc gia, tăng từ tỷ lệ 9,5% một tuần trước. Goldman Sachs dự đoán phải đến quý II năm sau Trung Quốc mới có thể bắt đầu mở cửa.

 

Một khu phố ở Thượng Hải bị phong tỏa vào ngày 7/11/2022. (Ảnh: Getty Images). 

Tình hình dịch COVID-19 ở nền kinh tế thứ hai thế giới đang ngày càng tệ đi, ngăn cản Trung Quốc khống chế virus và nới lỏng các biện pháp kiểm soát.

Cuối tuần trước, số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng. Tỉnh Quảng Châu đã hoãn vô thời hạn triển lãm ô tô được lên lịch cho tuần tới. Các trường học ở Bắc Kinh đang cân nhắc việc chuyển sang học trực tuyến, CNBC dẫn thông tin trên mạng xã hội cho biết.

Mô hình của ngân hàng Nomura cho thấy tính đến ngày 7/11, các biện pháp ngăn ngừa COVID đã gây tác động tiêu cực đến 12,2% GDP Trung Quốc – cao hơn tỷ lệ 9,5% một tuần trước. Ngân hàng ước tính hơn 1/5 dân số Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi một số biện pháp kiểm soát dịch. 

Tỉnh Quảng Đông ở miền nam đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Số ca nhiễm ở đây chủ yếu tập trung trong một quận. Gần đây Trung Quốc đã phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 ở hơn 20 trong số 31 khu vực cấp tỉnh.  

Ông Klaus Zenkel, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho biết: “Một điều chắc chắn là rất nhiều sự kiện kinh doanh đã bị hủy và hoãn lại. Mọi người không dám đi sang vùng khác bởi có quá nhiều hạn chế”.

Ông nói rằng các công ty ở Quảng Châu và Thâm Quyến “thậm chí không thể tham gia” triển lãm nhập khẩu quốc tế tại Thượng Hải tuần này. Ông phàn nàn: “Làm sao doanh nghiệp có thể duy trì quan hệ với khách hàng nếu không thể gặp gỡ trực tiếp?”

Hiện chưa rõ liệu các hạn chế phòng dịch có tác động đến hoạt động sản xuất nhà máy ở miền nam Trung Quốc hay không. Bộ Thương mại Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận của CNBC.

Tuần trước, giới đầu tư Trung Quốc rộ lên tin đồn rằng Bắc Kinh sẽ sớm nới lỏng chính sách chống dịch nghiêm ngặt, giúp chứng khoán bật tăng mạnh mẽ.

Nhưng các quan chức đã bác bỏ lời đồn này vào ngày 5/11, khẳng định trong buổi họp báo rằng Zero COVID vẫn được áp dụng.

Báo cáo đầu tuần của đội ngũ chuyên gia kinh tế Nomura viết: “Chúng tôi tin rằng dẫu Bắc Kinh có điều chỉnh một số biện pháp chống dịch trong thời gian tới, tác động của chúng sẽ bị lấn át bởi việc các địa phương thắt chặt chiến lược Zero COVID”.

 

Ngân hàng Goldman Sachs duy trì quan điểm rằng Trung Quốc có thể sẽ mở cửa vào quý II năm sau.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs viết trong lưu ý hôm 4/11: “Chúng ta còn phải chờ nhiều tháng nữa để được thấy Trung Quốc mở cửa thực sự.

Dựa trên dữ liệu chính thức từ Hong Kong, tỷ lệ tiêm vắc xin của người cao tuổi vẫn còn thấp và tỷ lệ tử vong của những người không tiêm chủng là cao”.

Bởi vậy, “Trung Quốc khó có thể tiến hành quá trình mở cửa một cách an toàn và trật tự vào lúc này”. Nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ theo đuổi Zero COVID “cho đến khi mọi bước chuẩn bị y tế cần thiết được hoàn tất”.

Trung Quốc đại lục ghi nhận hơn 800 ca nhiễm có triệu chứng và hơn 6.600 ca không triệu chứng vào ngày 7/11. Nhiều nước khác có số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày cao hơn hẳn Trung Quốc nhưng vẫn chọn cách sống chung với virus.

Giới chức trách Trung Quốc từng bày tỏ lo ngại về năng lực xoay xở của hệ thống y tế trong trường hợp số ca COVID-19 tăng vọt, bởi ngay lúc này hệ thống cũng đang gặp căng thẳng. 

Giang