|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều rắc rối đến đâu và tình hình còn có thể tệ đến mức nào?

17:40 | 04/11/2022
Chia sẻ
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với nhiều rắc rối nghiêm trọng, bao gồm thị trường bất động sản xuống dốc, đầu tư tư nhân suy yếu, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng sa sút và sự gia tăng các thách thức từ thế giới bên ngoài.

 

Xuất khẩu là một trong những điểm sáng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2022, nhưng lĩnh vực này sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. (Ảnh: Reuters).   

Nền kinh tế Trung Quốc đang chịu những áp lực nào?

Đầu năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc có vẻ sẽ vượt qua cơn bão đại dịch một cách êm đẹp sau khi đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 5,1% trong giai đoạn 2020-2021.

Song, khi biến chủng Omicron xuất hiện, Trung Quốc lại đối phó bằng cách tiếp tục áp dụng chính sách Zero COVID nghiêm ngặt, tổ chức xét nghiệm trên quy mô lớn và tiến hành các đợt phong tỏa. Tăng trưởng GDP quý II chỉ đạt 0,4%.

Tuy nhiên, có vẻ nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi. GDP quý III tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước và so với quý liền kề. Trung Quốc đạt được kết quả này nhờ nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch và tung ra một số hỗ trợ tài khóa cũng như tiền tệ cho nền kinh tế, tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết.

Song, các trở ngại lớn như sự lao dốc của ngành bất động sản có nguy cơ sẽ tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ cũng là mối đe dọa tới ổn định xã hội.

Đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, yếu tố từng đóng góp đến 20% cho tăng trưởng, đã giảm 8% trong 9 tháng đầu năm. Tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi 14-24 trong tháng 9 là 17,9%, chỉ giảm nhẹ so với mức kỷ lục 19,9% hồi tháng 7.

Bắc Kinh đã bơm thêm tín dụng để thúc đẩy các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân và tiêu dùng vẫn không khởi sắc do niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp bị xói mòn. Đây là thách thức lâu dài cho các nhà hoạch định chính sách.

So với cùng kỳ năm trước, đầu tư tư nhân trong 9 tháng đầu năm ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2%. Con số này kém xa mức tăng 5,9% của các khoản đầu tư cho tài sản cố định. Doanh số bán lẻ tháng 9 tăng trưởng 2,5% so với một năm trước, nhưng tốc độ tăng trung bình hàng tháng trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 0,7%.

 

Các điểm sáng 

Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9, GDP Trung Quốc tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn hẳn tốc độ trong quá khứ. Nhưng con số này vẫn cho thấy sự phục hồi. Và Trung Quốc cũng đang ở trong vị thế tốt hơn nhiều nền kinh tế lớn khác.

Theo các báo cáo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 3,2% trong cả năm 2022, cao hơn tốc độ trung bình 2,4% của các nền kinh tế tiên tiến. IMF dự kiến Mỹ và Đức sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,6% và 1,5%.

Theo tờ SCMP, hệ thống công nghiệp của Trung Quốc đang hoạt động tốt và nước này tiếp tục là nhà cung cấp chính cho thị trường toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Trung Quốc không đối mặt với áp lực giá cao như ở các cường quốc phương Tây. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Trung Quốc chỉ tăng 2,8% so với một năm trước. Trong khi đó, CPI tháng 9 của Mỹ, khu vực đồng euro và Anh lần lượt đi lên 8,2%, 9,9% và 10,1%. Lạm phát tương đối thấp giúp Trung Quốc có khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế.

Trung Quốc có thị trường nội địa lớn. Tiềm năng tiêu dùng của 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và nỗ lực mở cửa thị trường của Bắc Kinh tiếp tục giúp Trung Quốc thu hút vốn ngoại.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 138,4 tỷ USD.

Thách thức tương lai

Thách thức trước mắt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là tìm cách dung hòa giữa tăng trưởng và chính sách chống dịch. Nhịp độ điều chỉnh chính sách của giới lãnh đạo là biến số quan trọng nhất để đưa ra các dự báo cho năm tới.

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế cấp cao của Standard Chartered Bank, cho rằng nguyên nhân khiến các biện pháp kích thích của Bắc Kinh có hiệu quả kém hơn kỳ vọng là do các gián đoạn vì COVID-19. Ông tin rằng việc sửa đổi chiến lược chống dịch sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc khôi phục được tốc độ tăng trưởng như trước.

Tuy nhiên, ông cảnh báo dư địa tài khóa của Trung Quốc sẽ hẹp lại và ảnh hưởng đến chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Thâm hụt ngân sách tăng cường của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay đã lên đến 6.500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 894 tỷ USD), gấp hơn ba lần mức thâm hụt 2.000 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

 

Bà Serena Zhou, nhà kinh tế của ngân hàng Mizuho, dự đoán công chúng sẽ tiếp tục lo ngại về tăng trưởng quý IV của Trung Quốc trong bối cảnh chính phủ vẫn duy trì chính sách Zero COVID, ngành bất động sản tiếp tục suy yếu và triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển mờ dần. Đây cũng chính là những lý do khiến Mizuho hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc từ 3,7% xuống còn 3,3%.

Một trong những mối lo khác là dàn lãnh đạo mới sẽ làm thế nào để giải quyết các vấn đề xuất khẩu và đối phó với những nỗ lực kiềm chế công nghệ Trung Quốc của phương Tây.

Xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại. Các lô hàng đến Mỹ của Trung Quốc giảm 11,6% trong tháng 9, trầm trọng hơn nhiều mức giảm 3,8% trong tháng 8.

Giới chức trách Trung Quốc sẽ phải tìm cách củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, bởi họ có vai trò lớn đối với tăng trưởng kinh tế, doanh thu và việc làm.

Trung Quốc nên chuẩn bị sẵn các bước cho nỗ lực này sau khi sự xáo trộn hàng ngũ lãnh đạo cao cấp cao tạo ra nhiều bất ổn mới. Điều này có nghĩa là giới chức trách sẽ cần phải quan tâm hơn đến nền kinh tế trong khoảng thời gian tới.

Giang