Xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ đi xuống trong tháng 10, khi kinh tế toàn cầu khựng lại
Xuất khẩu của Trung Quốc yếu đi
Theo dữ liệu do cơ quan hải quan Trung Quốc công bố mới đây, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu tính theo đồng USD của đất nước tỷ dân đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, các nhà kinh tế dự đoán kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 4,5%.
Nhập khẩu của tháng 10 cũng đi xuống khi sụt 0,7% so với một năm trước và đánh dấu đợt giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2020. Thặng dư thương mại tháng 10 đạt 85,15 tỷ USD.
Xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, cũng như sang Đài Loan và Hong Kong đều giảm. Tuy nhiên, nhu cầu hàng hoá Trung Quốc của Đông Nam Á duy trì ở mức ổn định, xuất khẩu đến khu vực này tiếp tục tăng hai chữ số trong tháng thứ 6 liên tiếp.
Trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thiết bị gia dụng giảm mạnh nhất so với bất kỳ nhóm sản phẩm nào khác. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch của nhóm này sụt đến 11,5%.
Xuất khẩu đồ nội thất, thiết bị chiếu sáng và thiết bị y tế cũng suy giảm trong cùng giai đoạn, tờ Bloomberg dẫn số liệu cho biết thêm.
Song, Trung Quốc vẫn tiếp tục là một nhà xuất khẩu ô tô lớn trên thế giới. Các công ty của đất nước tỷ dân đã xuất xưởng 352.000 xe và khung gầm trong tháng 10 - cao hơn 60% so với một năm trước đó.
Xuất khẩu đi xuống đã tạo thêm áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng GDP đang bị bóp nghẹt bởi việc thị trường bất động sản lao dốc, chính sách Zero COVID gây gián đoạn hoạt động sản xuất và chi tiêu của người tiêu dùng trở nên yếu hơn.
Hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ là trụ cột quan trọng cho sự phục hồi của Trung Quốc trong hai năm qua, khi nhu cầu tiêu dùng quốc tế bùng nổ. Tuy nhiên, xu hướng trên có vẻ đã đảo ngược khi nhu cầu thời đại dịch biến mất và chiến sự tại Ukraine thổi bùng áp lực lạm phát và bất ổn trên toàn cầu.
Ông Zhang Zhiwei - kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho hay: “Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc yếu hơn cho thấy nhu cầu quốc tế đang hạ nhiệt và nguồn cung trong nước đang bị gián đoạn do COVID bùng phát”.
“Tôi dự đoán tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm trong vài tháng tới do nền kinh tế toàn cầu chậm lại”, ông Zhang nhận định.
Dữ liệu mới nhất của Trung Quốc cùng với các số liệu thương mại của Hàn Quốc tuần trước càng chứng tỏ nền kinh tế toàn cầu đang yếu đi nhanh chóng. Trong tháng 10, xuất khẩu của Hàn Quốc cũng ghi nhận lần sụt giảm đầu tiên trong hai năm do nhu cầu đối với thiết bị điện tử đi xuống.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Bruce Pang - kinh tế trưởng của Jones Lang LaSalle, bày tỏ: “Công chúng đang ngày càng lo lắng về nguy cơ lạm phát đình trệ tại các thị trường phát triển bởi các nền kinh tế lớn đều đang tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ”.
“Trong tháng 10, dữ liệu PMI của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều giảm so với tháng liền trước...chứng tỏ nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển có thể sẽ tiếp tục xuống thấp hơn”, vị chuyên gia dự đoán.
Nhu cầu của Trung Quốc
Nhập khẩu của Trung Quốc cũng sụt giảm trên diện rộng. Giá trị hàng hoá mà Trung Quốc mua từ Australia, Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan đều trồi sụt.
Bloomberg chỉ ra, nhập khẩu hàng hoá công nghiệp nói chung của Trung Quốc giảm đáng kể trong tháng 10 do nền kinh tế chững lại, khiến nhu cầu của nhiều mặt hàng từ khí đốt tự nhiên, đồng cho đến đậu nành đều đi xuống.
Trong 10 tháng đầu năm, nhập khẩu quặng sắt giảm so với cùng kỳ năm ngoái bởi hoạt động xây dựng nhà ở tiếp tục lao dốc, qua đó kìm hãm nhu cầu thép và các vật liệu xây dựng khác.
Các nhà chức trách Trung Quốc trước đó đã cảnh báo rằng nhu cầu hàng hoá của nước này sẽ còn suy yếu hơn nữa, trong bối cảnh môi trường thương mại quốc tế ngày càng thách thức và bất ổn ngày càng gia tăng.
Nhu cầu của Trung Quốc đi xuống đã giúp chi phí vận tải biển giảm bớt. Giá cước để gửi một container 40 foot từ Thượng Hải đến Los Angeles hiện đã trở lại mức ghi nhận vào giữa năm 2020, tức trước khi giá cước phi mã.
Khối lượng hàng hoá được vận chuyển ra khỏi cảng lớn nhất của Trung Quốc đã giảm trong hai tháng 8 và 9. Nếu xu hướng đó tiếp tục trong tháng 10, giá cước vận tải biển có thể sẽ giảm sâu hơn.
Chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước phát triển đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu và làm tổn hại hơn nữa nhu cầu của thế giới đối với hàng hoá do Trung Quốc sản xuất.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản - lần thứ 4 liên tiếp trong năm nay. Ngân hàng trung ương của các quốc gia châu Âu dự kiến cũng sẽ nối gót Fed.
Các đợt bùng phát dịch và chiến lược Zero COVID hà khắc tại Trung Quốc cũng là một mối lo ngại khác. Quyết tâm theo đuổi chính sách này của Bắc Kinh đang dập tắt hy vọng về một cú hích cho nền kinh tế nội địa.
Tại đại hội đảng tháng trước, giới chức Trung Quốc hầu như không phát đi tín hiệu rõ rệt nào về việc thúc đẩy nền kinh tế. Thị trường chứng khoán sau đó phản ứng bằng một đợt sụt giảm nghiêm trọng.