|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nền kinh tế Trung Quốc đóng-mở liên tục, doanh nghiệp ngoại quyết chí tìm nhà máy ở nước khác

16:25 | 03/11/2022
Chia sẻ
Các doanh nghiệp quốc tế quyết tâm đa dạng hóa chuỗi cung ứng vì không thấy dấu hiệu Bắc Kinh sẽ chấm dứt Zero COVID. Đợt bùng phát dịch của nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu là minh họa điển hình cho những rắc rối mà doanh nghiệp muốn tránh.

Công nhân tại nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu. Trung Quốc đã ra lệnh phong tỏa khu vực quanh nhà máy này trong 7 ngày. (Ảnh: VCG). 

"Sự đổ vỡ của hệ thống khép kín"

Theo công ty nghiên cứu và tư vấn Economist Intelligence Unit (EIU), quyết định duy trì chính sách Zero COVID của Trung Quốc đang thúc đẩy giới doanh nghiệp tìm kiếm các nhà máy ở nước khác.

Ông Nick Marro, trưởng bộ phận thương mại toàn cầu của EIU cho biết: “Các doanh nghiệp kể với chúng tôi là họ đang triển khai kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng bởi Trung Quốc vẫn sẽ liên tục đóng/mở nền kinh tế.

Nếu Trung Quốc là một nền kinh tế thường xuyên đóng/mở và doanh nghiệp không thể hoàn thành các kế hoạch đề ra, thì quá trình lập quyết định của các cấp lãnh đạo sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi không cho rằng các doanh nghiệp sẽ rời khỏi Trung Quốc, nhưng họ sẽ đa dạng hóa khu vực hoạt động. Chiến lược này được gọi là China+1”.

Hồi năm 2020, các biện pháp kiểm soát COVID-19 quyết liệt đã giúp Trung Quốc nối loại hoạt động kinh tế trong khi phần còn lại của thế giới vật lộn với đại dịch.

Nhưng khi các nước nới lỏng hầu hết các hạn chế và chọn cách “sống chung với COVID”, Bắc Kinh lại tăng cường các yêu cầu xét nghiệm và hình thức kiểm soát rộng rãi.

Giới chức Trung Quốc đã cố gắng duy trì hoạt động tại các nhà máy quan trọng theo hệ thống khép kín. Người lao động sẽ sống và làm việc tại cùng một địa điểm, hoặc họ có thể đi lại giữa nhà ở và nơi làm.

Đợt bùng phát mới đây tại nhà máy Foxconn – nhà cung cấp chính của Apple – cho thấy rõ các thách thức đối với doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động sản xuất và đồng thời, ngăn chặn sự lây lan của virus.

Ông Marro nhận xét: “Chúng ta không thể đưa ra kết luận chỉ từ một trường hợp. Nhưng tình hình của nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu rất đáng chú ý bởi nó cho thấy sự đổ vỡ của hệ thống khép kín”.

Cuối tuần trước, một số công nhân Foxconn ở Trịnh Châu đã tháo chạy khỏi nhà máy sau nhiều ngày chịu đựng cảnh phong toả.

Sau đó, giới chức địa phương đã thông báo kế hoạch hỗ trợ các công nhân muốn nghỉ việc và quay về quê nhà, tờ CNBC cho biết. 

Ông Patrick Chen, Giám đốc nghiên cứu của công ty đầu tư CLSA bình luận: “Nếu Trung Quốc không thay đổi chính sách chống dịch thì chắc chắn chúng ta sẽ còn chứng kiến thêm những trường hợp tương tự”. Nhưng ông không tin là Bắc Kinh sẽ thay đổi chiến lược Zero COVID trừ khi tỷ lệ tiêm vắc xin tăng lên.

Ông nhận xét: “Có vẻ như hệ thống sản xuất hay quản trị khép kín không làm phát sinh thêm nhiều chi phí. Nhưng chắc chắn hệ thống đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của nhân viên hoặc chất lượng tổng thể của sản phẩm”.

Gần đây Foxconn đã thông báo sẽ tăng tiền thưởng hàng ngày cho các nhân viên tiếp tục làm việc tại nhà máy ở Trịnh Châu. Ông Chen cho biết mức lương công nhân hàng tháng điển hình tại những nhà máy như của Foxconn là khoảng 1.000 USD.

Nhu cầu yếu giúp giảm bớt tác động

Nhà máy ở Trịnh Châu của Foxconn đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất iPhone. Tuy nhiên, ông Chen cho biết nhu cầu yếu dành cho các dòng máy này đã giúp làm giảm tác động của sự gián đoạn dây chuyền sản xuất.

Theo Counterpoint Research, thị trường smartphone toàn cầu trong quý III đã sụt giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, tuy Apple vẫn trụ vững và tăng trưởng nhẹ.

Khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ chi nhánh Thượng Hải phát hiện rằng số doanh nghiệp Mỹ cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc trong năm nay lớn gần gấp đôi so với năm ngoái. Chưa đến 1/3 những người trả lời cho biết họ đang tăng cường đầu tư vào Trung Quốc, thấp hơn tỷ lệ năm ngoái là 38%.

Ông Chen cho biết khi việc vận hành các cơ sở kinh doanh cỡ lớn ở Trung Quốc trở nên tốn kém hơn, các công ty công nghệ đã bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất những sản phẩm đơn giản hơn sang nơi khác.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Apple khó có thể tìm được 200.000 đến 300.000 công nhân – tương tự lượng lao động tại nhà máy Foxconn Trịnh Châu – để sản xuất iPhone bên ngoài Trung Quốc. Ấn Độ là trường hợp ngoại lệ.

Hồi tháng 9, Apple thông báo đã bắt đầu sản xuất mẫu điện thoại mới nhất là iPhone 14 ở Ấn Độ, đánh dấu một thay đổi lớn. Nhưng các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán rằng Apple sẽ chỉ chuyển khoảng 5% công suất sản xuất iPhone 14 đến Ấn Độ trong năm nay.

Trong vài tuần qua, Trung Quốc đã công bố loạt biện pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp ngoại đầu tư thêm vào ngành sản xuất và những lĩnh vực cụ thể khác như phim hoạt hình và sản xuất bia.

Tuy nhiên, các biện pháp đó sẽ được triển khai đến mức độ nào vẫn còn là câu hỏi chưa rõ lời giải, đặc biệt là khi Bắc Kinh vẫn đặt ưu tiên hàng đầu cho việc khống chế dịch.

Chuyên gia Marro của EIU nói: “Doanh nghiệp ngoại muốn có mặt tại Trung Quốc. Chúng ta có thể tin lời những công ty vẫn đang ở lại Trung Quốc rằng họ quyết tâm gắn bó với thị trường này. Những doanh nghiệp đó đang chờ đợi tín hiệu cho thấy môi trường kinh tế vĩ mô và vận hành sẽ được cải thiện.

Nhưng vấn đề là những tín hiệu doanh nghiệp mong ngóng vẫn chưa xuất hiện. Sau cùng, tương lai khó lường vẫn là rắc rối lớn nhất đối với các nhà đầu tư”.

Giang