Trung Quốc đang điều chỉnh theo từng bước nhỏ thay vì đột ngột vứt bỏ Zero COVID
Không từ bỏ hoàn toàn Zero COVID
Đã ba năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chính sách chống dịch hà khắc - Zero COVID.
Các nhà đầu tư lại đang hy vọng đất nước tỷ dân sẽ sớm mở cửa trở lại. Vì vậy, thái độ kiên quyết của Bắc Kinh có thể khiến họ thất vọng, dù giới chức trách đang tiến hành những điều chỉnh nhỏ trong công tác chống dịch.
Tuần trước, thị trường chứng khoán Trung Quốc đi lên 5,3% - đánh dấu mức tăng hàng tuần lớn nhất trong hơn hai năm. Các nhà đầu tư đã bơm 1.000 tỷ USD vào thị trường với hy vọng Bắc Kinh sẽ mở cửa nền kinh tế trở lại.
Tuy nhiên, vào ngày 5/11, các quan chức y tế Trung Quốc đã một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm duy trì chính sách Zero COVID mà họ cho là “hoàn toàn đúng đắn, tiết kiệm và hiệu quả nhất”.
Ông Hu Xiang, quan chức cấp cao của Uỷ ban Y tế Quốc gia, khẳng định: “Thực tế trước đây đã chứng minh rằng các kế hoạch phòng ngừa và kiểm soát, cùng một loạt biện pháp chiến lược của chúng tôi, là hoàn toàn đúng đắn”.
Trung Quốc không báo cáo ca tử vong nào do COVID kể từ ngày 26/5. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới hàng ngày của Trung Quốc, dù cực kỳ thấp so với tình hình chung trên thế giới, lại đang ở mức cao nhất trong 6 tháng.
Do chính sách Zero COVID, tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ đầu năm đến nay đều thấp hơn dự báo của các chuyên gia cũng như nằm dưới mục tiêu cả năm khoảng 5,5% của chính phủ. Riêng GDP quý II chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020.
Các biện pháp chống dịch nghiêm khắc cũng khiến công chúng bất bình. Mới đây, cái chết của một cậu bé 3 tuổi sau vụ rò rỉ khí ga tại một khu dân cư đang bị phong toả ở thành phố Lan Châu (tỉnh Cam Túc) đã gây ra làn sóng phẫn nộ với chính sách của Bắc Kinh.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, cha cậu bé khẳng định các nhân viên y tế đã ngăn cản anh rời khỏi khu nhà để tìm cách chạy chữa cho con mình, từ đó gây ra sự chậm trễ mà anh tin là đã dẫn đến cái chết của con trai.
Theo người cha, các nhân viên y tế đã yêu cầu anh xuất trình kết quả xét nghiệm COVID âm tính, nhưng không ai đến xét nghiệm cho khu nhà của anh trong suốt 10 ngày trước đó.
Bài đăng của người cha đã khiến công chúng vừa phẫn nộ vừa đau buồn. Trên Weibo, các hashtag có liên quan đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem trong ngày sau đó.
Trước đó, nhiều trường hợp tương tự cũng từng xảy ra, khi người dân không thể tiếp cận nhanh chóng với dịch vụ cấp cao trong thời gian bị phong toả.
Nhìn chung, tuy tác động của Zero COVID tới hoạt động kinh tế và xã hội là khá lớn, nhiều nhà phân tích dự đoán Trung Quốc khó có thể bắt đầu nới lỏng đáng kể chiến lược Zero COVID trước kỳ họp quốc hội vào tháng 3 năm sau.
Hiện tại, các quan chức đang thực hiện một số thay đổi như phong toả quy mô hẹp hơn, triển khai vắc xin mới và tăng thêm các chuyến bay quốc tế. Song, họ không thực hiện các bước đi mạnh mẽ hơn như thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng mới hay chuẩn bị tâm lý cho công chúng về khả năng số ca nhiễm tăng vọt.
Thách thức lớn nhất cho việc mở cửa của Trung Quốc vẫn là tác động tiềm tàng nếu COVID lây lan rộng trong 1,4 tỷ dân, đặc biệt là đối với hàng trăm triệu người cao tuổi và ít có khả năng miễn dịch tự nhiên.
Ông Julian Evans-Pritchard - chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường Trung Quốc tại Capital Economics, nói việc loại bỏ Zero COVID sẽ khó xảy ra ngay cả trong năm 2023. Một trong các lý do mà ông đưa ra là tỷ lệ tiêm phòng tương đối thấp ở người cao tuổi.
“Hong Kong là một minh chứng cho thấy rõ rủi ro khi mở cửa quá sớm”, vị chuyên gia viết trong một ghi chú hồi tuần trước. Ông chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong do COVID của Hong Kong là rất cao.
“Một thất bại tương tự tại đại lục sẽ gây thiệt hại cho cá nhân Chủ tịch Tập Cận Bình, vì ông từng ca ngợi rằng chính sách Zero COVID của mình giúp Trung Quốc có ít ca tử vong hơn so với phần còn lại của thế giới”, ông Evans-Pritchard nói thêm.
“Giới chức Trung Quốc không tích cực hành động để giải quyết lỗ hổng đó chứng tỏ chính quyền trung ương không gấp rút thay đổi hướng đi”, chuyên gia kinh tế của Capital Economics kết luận.
Từng bước đi nhỏ và chậm rãi
Theo Reuters, những thay đổi nhỏ trong chiến lược chống dịch của Trung Quốc đang diễn ra ở cấp địa phương. Các nhà chức trách đang muốn tránh tình trạng phong toả từng làm tê liệt trung tâm tài chính Thượng Hải trong hai tháng hồi đầu năm nay.
Cuối tuần trước, các quan chức y tế đã chỉ trích một số địa phương vì phong toả bắt buộc trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến các khu vực rộng lớn hơn. Họ hứa hẹn sẽ sửa chữa những thiếu sót đó.
Ông Huang Yanzhong - chuyên gia y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho hay: “Có vẻ như các địa phương tại Trung Quốc đang cố gắng chống dịch một cách có một mục tiêu hơn”.
Giới chức Trung Quốc cũng đang thực hiện một vài điều chỉnh nhỏ khác, giúp nhà đầu tư có thêm cơ sở để lạc quan về tương lai.
Một bài báo trên tờ People’s Daily tuần trước viết, “theo các chuyên gia, đối với hầu hết mọi người thì các triệu chứng nhiễm COVID đều nhẹ và không kéo dài”. Bài viết đã gây xôn xao trên mạng vì nhiều người cho rằng nó hạ thấp mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Thành phố Trịnh Châu cũng đã cố gắng giảm bớt sự nguy hiểm của COVID, sau khi vụ phong toả tại nhà máy Foxconn khiến hàng trăm công nhân phải leo rào và tháo chạy về quê nhà.
Cơ quan y tế Trịnh Châu nhấn mạnh với cư dân: “COVID không đáng sợ, chúng ta có thể ngăn ngừa và điều trị được”.
Gần đây, Trung Quốc cũng bắt đầu tung ra loại vắc xin được cho là thuộc dạng hít đầu tiên trên thế giới. Điều này có thể khiến người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi, bớt do dự khi tiếp nhận vắc xin.
Hôm 4/11, trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một nhà lãnh đạo nhóm G7 kể từ khi COVID bùng phát, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố một thoả thuận cho phép người nước ngoài ở Trung Quốc được sử dụng vắc xin BioNTech.
Ông Scholz cũng đề nghị Bắc Kinh cho phép công dân Trung Quốc được tự do tiêm loại vắc xin trên, theo Reuters. Hiện, Bắc Kinh vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại vắc xin nước ngoài nào.
Các chuyến bay quốc tế cũng đang tăng lên. Theo nền tảng Variflight, số chuyến bay quốc tế mà các hãng hàng không Trung Quốc thực hiện mỗi ngày trong tháng trước đã tăng trung bình 21,9% so với tháng 9.
Tuy nhiên, công suất bay quốc tế chỉ ở mức 7,3% của năm 2019, dữ liệu từ CAPA và OAG chỉ ra.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể sẽ sớm rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với khách du lịch quốc tế từ 10 ngày xuống còn 7 hoặc 8 ngày, nguồn thạo tin của Reuters cho hay.
Theo Bloomberg, Trung Quốc còn đang nghiên cứu loại bỏ hệ thống phạt các hãng hàng không vì chuyên chở khách hàng dương tính với COVID. Bloomberg cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách giảm bớt tác động của các chính sách COVID.
Song, ông Huang của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại dự đoán chính sách của Trung Quốc sẽ không thay đổi trong tương lai gần. Chia sẻ với Reuters, ông nói: “Trung Quốc sẽ không xoay trục trong một sớm một chiều. Nếu có, họ sẽ điều chỉnh từng chút một”.
“Chính phủ Trung Quốc vẫn tin rằng họ đang làm rất tốt việc cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế và kiểm soát COVID”, vị chuyên gia nhận thấy.